10:11, 20/11/2019

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Những năm qua, chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa dần được nâng lên. Đó là nhờ các trường nghề đã tạo điều kiện, nâng cao về trình độ, chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy nghề…

 

Những năm qua, chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa dần được nâng lên. Đó là nhờ các trường nghề đã tạo điều kiện, nâng cao về trình độ, chuyên môn cho đội ngũ giáo viên (GV) dạy nghề…


Tạo điều kiện cho giáo viên sáng tạo


Mỗi năm, Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa đào tạo, cung cấp cho các doanh nghiệp (DN), thị trường gần 1.000 lao động có trình độ trung cấp nghề. Hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp ra trường đều được tuyển dụng ngay; các DN thường xuyên đặt hàng đào tạo lao động với nhà trường. Có được kết quả đó là nhờ nhà trường luôn chú trọng nâng cao trình độ, chuyên môn cho đội ngũ GV dạy nghề. Đặc biệt, trường luôn tạo điều kiện và khuyến khích GV nghiên cứu, sáng tạo những thiết bị đào tạo hữu ích để áp dụng vào giảng dạy.

 

Trình độ giảng dạy của giáo viên các trường nghề ngày càng được nâng cao.

Trình độ giảng dạy của giáo viên các trường nghề ngày càng được nâng cao.


Thầy Lê Hùng Dũng - GV bộ môn kỹ thuật hàn, Khoa Cơ khí, Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa chia sẻ: “Để theo kịp thực tiễn, người GV phải kịp thời nắm bắt và từ đó nghiên cứu, chế tạo ra những thiết bị đào tạo phù hợp để truyền đạt cho người học những kiến thức, kỹ năng tốt nhất”. Được biết, đến nay, thầy Dũng đã có 3 sáng kiến thiết bị đào tạo đang được áp dụng vào giảng dạy. Trong đó, có 2 sáng kiến được chọn tham gia hội thi thiết bị đào tạo toàn quốc và đạt 2 giải khuyến khích. 

 
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang cũng luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ GV. Thầy Huỳnh Tấn Trịnh - GV công nghệ thông tin cho biết: “Nhà trường đã hỗ trợ cho GV qua Úc, Đức để học tập, nâng cao kiến thức giảng dạy. Từ đó, giúp giảng viên tiếp cận được nhiều kiến thức hay để truyền đạt cho sinh viên. Bên cạnh đó, trường luôn khuyến khích và hỗ trợ để GV nghiên cứu, sáng chế ra những thiết bị đào tạo để ứng dụng vào giảng dạy. Nhờ vậy, bản thân tôi đã có 9 sáng kiến, cải tiến thiết bị đưa vào dạy học cho sinh viên. Trong đó, có một thiết bị là “Mô hình sửa chữa máy in điều khiển bằng máy tính” được chọn tham dự kỳ thi thiết bị đào tạo toàn quốc và đạt giải ba năm 2018”…


Chú trọng nâng cao chất lượng


Để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như chất lượng đội ngũ GV, các trường nghề đã nhận chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng và tiếp nhận, sử dụng thiết bị tiên tiến phục vụ giảng dạy. Điển hình là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang, hiện nay đã có 7 nghề được chọn đào tạo trọng điểm, trong đó có 2 nghề cấp độ quốc tế, 4 nghề cấp độ ASEAN, 1 nghề cấp quốc gia. Trường cũng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn 3 nghề đầu tư hợp tác với Học viện Chisholm (Úc), 2 nghề đào tạo với Cộng hòa Liên bang Đức. Năm 2019, trường là 1 trong 5 trường được tham gia đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Các nghề trọng điểm đã được đầu tư trang thiết bị, đào tạo GV; xây dựng chương trình, giáo dục dạy học, số lượng tuyển sinh. Thầy Trần Văn Hải - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để khẳng định chất lượng giáo dục đào tạo, nhà trường đã chú trọng phát triển các nghề trọng điểm quốc gia và khu vực như: Công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, điện tử công nghiệp... Trường đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, thực hành nghề; xây dựng chương trình, giáo trình, đào tạo GV chuyên nghiệp có kỹ năng quốc tế.


Bên cạnh đó, với mục tiêu đào tạo nguồn lao động có chất lượng cao, các trường nghề còn chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học, sát với tình hình địa phương, ngành, lĩnh vực. Đồng thời, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy và thực hành; nghiên cứu, thiết kế và chế tạo mô hình dạy học có tính ứng dụng; biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy theo phương pháp mới. Đặc biệt, các trường chủ động mở hướng liên kết với các DN để đưa người học đến thực tập, thực hành tại các DN, qua đó giúp GV và người học tiếp cận được những công nghệ mới, kiến thức thực tiễn…


Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 12 cơ sở công lập và 11 cơ sở ngoài công lập với hơn 1.400 GV đạt tiêu chuẩn, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Mỗi năm, các cơ sở đào tạo nghề cho khoảng 13.000 lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho GV; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề. Đặc biệt, các trường luôn tạo điều kiện, hỗ trợ tích cực cho GV nghiên cứu, sáng tạo nhiều thiết bị có chất lượng cao, ứng dụng vào giảng dạy. Định kỳ 3 năm, sở, bộ đều tổ chức hội thi thiết bị, giảng dạy, qua đó giúp GV dạy nghề được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau…


VĂN GIANG