09:08, 15/08/2019

Đổi mới công tác quản lý ở trường học

Trước những yêu cầu về đổi mới dạy và học hiện nay, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được coi là người tiên phong, có vai trò quyết định.

Trước những yêu cầu về đổi mới dạy và học hiện nay, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được coi là người tiên phong, có vai trò quyết định.


Điểm sáng trong dạy và học


Theo cô Nguyễn Thị Thanh Lý - Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự (TP. Cam Ranh), muốn trường đổi mới thì lãnh đạo phải đổi mới. Ban lãnh đạo trường luôn đặt ra vấn đề mỗi người phải coi việc trường như việc nhà, giải quyết từ cái nhỏ nhất đến cái lớn. Điều kiện tiên quyết để đổi mới thành công là sự đồng sức, đồng lòng của cả một tập thể, trong đó có cả phụ huynh học sinh (HS). Những nỗ lực của nhà trường đã được ghi nhận bằng cờ dẫn đầu thi đua do Thủ tướng Chính phủ vừa trao tặng.

 

Cô Lý cho biết, việc đầu tiên mà nhà trường làm là phải tạo ra cảnh quan môi trường thân thiện để HS muốn đến trường, coi đó như ngôi nhà thứ hai của mình. Nhà trường đã kêu gọi nguồn xã hội hóa từ phụ huynh HS, các mạnh thường quân, giáo viên, nhân viên và HS để tạo dựng, bố trí lại hệ thống cây xanh, vườn hoa…, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Cùng với đó là việc đầu tư, trang bị cho các phòng học. Riêng năm học 2018 - 2019, nhà trường đã bổ sung thêm 8 màn hình LCD cỡ lớn cho các lớp, hỗ trợ hiệu quả cho giáo viên trong công tác giảng dạy. Đồng thời, xã hội hóa xây dựng phòng Tin học gồm 46 máy hiện đại, tiện nghi. Cũng nhờ huy động tốt nguồn xã hội hóa, nhà trường đã tổ chức nhiều chuyến tham quan trải nghiệm cho HS ở cả trong và ngoài tỉnh.


Điểm nổi bật nhất năm học qua của nhà trường là trong công tác kiểm tra, đánh giá. Nhà trường đã đón đầu kỳ thi THPT quốc gia 2019 cho khối 11 và 12 từ rất sớm bằng hình thức 4 lần thi thử. Mỗi lần thi thử đều sàng lọc đối tượng HS, các em yếu tiếp tục được xếp vào 1 lớp tăng cường. Với những giải pháp quyết liệt, năm học 2018 - 2019, Trường THPT Ngô Gia Tự là trường duy nhất trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%, ở cả hệ giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Đây cũng là năm trường có nhiều HS đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia, trong đó có 2 em có điểm xét tuyển đại học đứng đầu toàn tỉnh với 27,3 điểm (khối A). Một số em tuy chỉ học hệ giáo dục thường xuyên nhưng vẫn có 3 môn xét tuyển đại học đạt trên 24 điểm.

 

Học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự.

Học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự.

 

Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các trường


Những năm gần đây, ngành Giáo dục tỉnh đã thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường. Các cấp quản lý từ cấp sở, phòng đến các nhà trường đã từng bước chuyển biến tích cực từ phương thức quản lý kiểu bao cấp, áp đặt hành chính sang phương thức quản lý giao quyền tự chủ, kiểm tra, giám sát, trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở giáo dục. Qua đó, làm chuyển biến nhận thức, đổi mới tư duy của người đứng đầu, tăng cường tính chủ động cho các trường trong việc lên kế hoạch dạy học linh hoạt, sáng tạo, phù hợp cũng như trong công tác tổ chức bộ máy, biên chế, công tác tài chính... Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường đã thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; đổi mới đánh giá HS theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lý có những hạn chế nhất định, một số giáo viên chậm đổi mới về phương pháp giảng dạy.


Bà Đặng Ngọc Lệ Thy - Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Giáo dục thường xuyên Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý là người tiên phong trong đổi mới dạy và học. Do đó cần phải đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý của các nhà trường, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học của thầy cô giáo để tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới tốt hơn. Sở cũng đã có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Hỗ trợ cho vấn đề đổi mới này là cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Thời gian qua, sở đã dự thảo xây dựng kế hoạch tổng thể cho chương trình đổi mới sách giáo khoa sắp tới, xây dựng kế hoạch cho việc mua sắm các trang thiết bị dạy học, xây dựng các phòng học mới, phòng học bộ môn. Đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho mỗi tỉnh, thành 20% khối lượng chương trình giáo dục địa phương trong dạy học chính khóa. Sở đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị có chức năng và năng lực để viết chương trình giáo dục địa phương, bao gồm đầy đủ các vấn đề về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… phù hợp với HS từng cấp học.


H.NGÂN