09:05, 08/05/2019

Nghị lực của cậu học trò nhỏ

Mất cả hai tay từ nhỏ, lớn lên dưới sự bảo bọc của chùa Lộc Thọ (TP. Nha Trang), với nghị lực của mình, em Phan Thiện Huệ, học sinh lớp 2/4 Trường Tiểu học Vĩnh Ngọc đã vượt qua mọi rào cản, khiếm khuyết để hàng ngày cắp sách đến trường, học tập như bao bạn bè cùng trang lứa.

Mất cả hai tay từ nhỏ, lớn lên dưới sự bảo bọc của chùa Lộc Thọ (TP. Nha Trang), với nghị lực của mình, em Phan Thiện Huệ, học sinh lớp 2/4 Trường Tiểu học Vĩnh Ngọc đã vượt qua mọi rào cản, khiếm khuyết để hàng ngày cắp sách đến trường, học tập như bao bạn bè cùng trang lứa.


“Huệ đến lớp cũng như bao bạn bè khác, thậm chí, trong học tập, em còn nhỉnh hơn nhiều học sinh. Em cũng hiếu động, hòa đồng với bạn bè trong lớp”, cô Phan Thị Hồng Hà - giáo viên chủ nhiệm lớp 2/4 kể về cậu học trò đặc biệt này.

 

Em Phan Thiện Huệ với nghị lực của mình,  ngày ngày vẫn đến trường như bao bạn bè khác.

Em Phan Thiện Huệ với nghị lực của mình, ngày ngày vẫn đến trường như bao bạn bè khác.


Đến thăm lớp 2/4, ngay chiếc bàn giữa, hàng đầu của lớp Huệ đang ngồi cặm cụi viết bài. Từng nét chữ chậm rãi dần hiện ra trên trang vở được em tập trung nắn nót, chăm chút cho đẹp nhất có thể. Điều đáng nói là Huệ viết chữ bằng chân vì em không có được đôi tay lành lặn như các bạn khác. Vừa viết bài, chốc chốc, em dừng lại, nghỉ cho bàn chân đỡ mỏi rồi viết tiếp. Cây bút được em kẹp giữa ngón chân nhưng vẫn di chuyển uyển chuyển không thua kém gì viết bằng tay. Chân trái được em dùng kê đầu lên để viết cho bớt mỏi lưng. Trông khó khăn là thế, vậy mà với đôi chân biết viết chữ, cậu học trò nhỏ Phan Thiện Huệ đã theo học lớp 2/4 được gần 1 năm nay. Huệ nói: “Em thích đến trường học lắm, ở đây có nhiều bạn bè, mọi người thường giúp đỡ và chơi cùng em”.


Trò chuyện với sư cô Diệu Lạc - Giám tự chùa Lộc Thọ, chúng tôi được biết, bẩm sinh, Huệ không có cả hai tay, bị bỏ lại trước cổng chùa. Được chùa nuôi nấng đến nay hơn 8 năm, Huệ lớn lên trong sự bảo bọc của các sư cô, phật tử, được nuôi dạy như những em khác. Dù thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác nhưng chưa một lần Huệ tỏ ra mặc cảm, tự ti về bản thân. Chẳng những có thể tự đứng vững trên đôi chân, em còn rất ham học, tự chủ động làm mọi thứ, chỉ khi cần sự trợ giúp em mới phải nhờ đến người khác. Huệ có thể làm gần như mọi việc trong sinh hoạt cá nhân như: tắm rửa, thay quần áo, đánh răng, sắp xếp sách vở, viết chữ...


Trải qua lớp mầm non và lớp 1 tại lớp học tình thương của chùa, đến lớp 2, vì muốn giúp em hòa nhập với các bạn, nhà chùa cho em đi học tại Trường Tiểu học Vĩnh Ngọc. Với nhà trường, đây là trường hợp đặc biệt, ai cũng lo lắng và nghĩ Huệ khó theo được các bạn. Nhưng kết quả hơn mong đợi, không những học tập tốt, em còn rất thích đi học. Ban đầu, nhà chùa bố trí một bộ bàn ghế dành riêng cho Huệ để tiện cho việc viết chữ, nhưng với mong muốn được như các bạn bình thường, Huệ xin được ngồi cùng bàn học với những bạn cùng lớp. “Ngày nhà chùa đưa em đến trường, tôi vẫn sợ em không theo kịp chương trình học nên đưa ra một tờ giấy và bảo em viết chữ để kiểm tra thử. Không ngờ, em viết chữ khá đẹp, còn rất hoạt bát nữa. Quá trình học, nhà trường thường xuyên theo dõi sát tình hình học tập của em, nếu đánh giá khách quan, em học không hề thua kém các bạn. Với khả năng của em hoàn toàn có thể học xong được chương trình tiểu học”, cô Nguyễn Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Ngọc chia sẻ.


Không mặc cảm về hoàn cảnh, khiếm khuyết của bản thân, ngày ngày, Thiện Huệ vẫn miệt mài đến trường với sự hỗ trợ của các sư cô, thầy cô giáo, bạn bè ở trường. Ngoài học chính khóa, ban đêm, em còn tham gia học tiếng Anh. Nghị lực phi thường của Thiện Huệ khiến ai biết đến cũng đều phải nể phục. Em là tấm gương sáng giúp tiếp thêm niềm tin cho các hoàn cảnh khó khăn, biết chiến thắng số phận để vươn lên trong cuộc sống.


V.THÀNH