10:05, 02/05/2019

Công tác tư vấn tâm lý học đường: Cần quan tâm hơn

Tại hội thảo khoa học "Tâm lý học đường - thực trạng và giải pháp" do Trường Đại học Khánh Hòa phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vừa qua, đa số ý kiến đều nhận định công tác tư vấn tâm lý học đường là một nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục nói chung và trường phổ thông nói riêng, cần được quan tâm thúc đẩy hơn nữa.

Tại hội thảo khoa học “Tâm lý học đường - thực trạng và giải pháp” do Trường Đại học Khánh Hòa phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vừa qua, đa số ý kiến đều nhận định công tác tư vấn tâm lý học đường là một nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục nói chung và trường phổ thông nói riêng, cần được quan tâm thúc đẩy hơn nữa.


Hoạt động chưa hiệu quả


Năm học này, Trường THPT Lạc Long Quân (huyện Khánh Vĩnh) có hơn 800 học sinh (HS), phần lớn là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhiều em sáng đến trường, chiều phải theo cha mẹ lên nương rẫy. Điều kiện sống cùng những đặc điểm về tâm sinh lý lứa tuổi đã tạo nên nhiều vấn đề khúc mắc cần chia sẻ, hỗ trợ. Tuy vậy, công tác tư vấn học đường còn nhiều khó khăn khi trường chưa có cán bộ chuyên môn phụ trách. Giáo viên chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bản thân và đồng nghiệp để tư vấn cho HS nên việc nắm bắt tâm lý HS, gợi mở để các em mạnh dạn bày tỏ, chia sẻ còn gặp nhiều vướng mắc.

 

Học sinh một trường THCS tại TP. Nha Trang trong chương trình ngoại khóa.

Học sinh một trường THCS tại TP. Nha Trang trong chương trình ngoại khóa.


Thầy Diệp Chí Dũng - Trường THCS Nguyễn Huệ (huyện Vạn Ninh) đã khảo sát và thống kê có gần 93% cán bộ, giáo viên các trường THCS trên địa bàn huyện tham gia vào tổ tư vấn tâm lý chưa qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn hoặc được đào tạo về chuyên ngành tâm lý. Hầu hết các cán bộ quản lý đều khẳng định hoạt động tư vấn tâm lý học đường có vai trò rất quan trọng, nhưng thực tế việc triển khai các hoạt động chưa hiệu quả và không thường xuyên.


Theo cô Phí Thị Thu Huyền - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, các hoạt động chủ yếu mới chỉ dừng lại ở hình thức tham vấn, giải đáp thắc mắc, băn khoăn của HS, phụ huynh riêng lẻ chứ chưa trở thành một hoạt động trợ giúp tâm lý tư vấn học đường chuyên nghiệp, thường xuyên. Đây vẫn còn là một lĩnh vực khá mới mẻ cả về lý luận và thực tiễn, các nghiên cứu còn ít và chưa thống nhất, đội ngũ cán bộ làm công tác này còn yếu và thiếu. Ở nhiều trường dù đã có phòng tư vấn nhưng ít hoạt động.


Ông Nguyễn Văn Du - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Cam Ranh cho hay, hiện các trường trên địa bàn chưa có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này, chưa có sự thống nhất về mô hình tổ chức lẫn quy định về chuyên môn, biên chế, chế độ chính sách… nên thiếu tính chuyên nghiệp, người làm công tác này gặp lúng túng khi học trò cần chia sẻ. Một số trường phổ thông trên địa bàn TP. Cam Ranh có lập các ban tư vấn học đường nhưng hoạt động chưa có hiệu quả cao do công tác quản lý và do bất cập về đội ngũ tham gia hoạt động tư vấn tâm lý, chưa qua trường lớp đào tạo hoặc chưa được bồi dưỡng sâu về chuyên môn. Trong khi đó các em thường ngại đến phòng tâm lý để ‘trút nỗi lòng” do suy nghĩ đến phòng tâm lý là “có vấn đề” hoặc sợ bí mật riêng tư bị tiết lộ…


Cần đẩy mạnh các hoạt động


Theo cô Nguyễn Thị Vân Anh - Trường Đại học Khánh Hòa, các rối loạn tâm sinh lý, rối nhiễu hành vi của HS phổ thông không ngừng gia tăng trong những năm gần đây do áp lực trong học tập và thi cử. Nguyên nhân gián tiếp là do sức ép từ sự phát triển của xã hội, sự kỳ vọng của cha mẹ và những thay đổi liên tục của hệ thống giáo dục. Còn theo cô Từ Thị Hường - Trường Đại học Khánh Hòa, 3 nhóm hành vi lệch chuẩn phổ biến của HS THCS trên địa bàn tỉnh thời gian qua là: nghiện facebook, nghiện game online, bạo lực học đường. Những vấn đề đó đặt ra nhu cầu đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tư vấn tâm lý để giúp các em có kỹ năng vượt qua những áp lực, có kỹ năng sàng lọc thông tin và xử lý các tình huống. Công tác này cần phải trở thành một hoạt động chuyên môn bài bản, là một nhiệm vụ quan trọng của trường phổ thông nhằm góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh.


Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để công tác tư vấn tâm lý học đường đạt hiệu quả cần sự quan tâm đồng bộ từ các cấp, ngành, nhà trường, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và trường học để xây dựng một chương trình, kế hoạch hoạt động bài bản. Ông Nguyễn Văn Du đề xuất thành lập ban tư vấn học đường mà thành viên là ban giám hiệu, đoàn trường, ban đại diện cha mẹ HS cùng giáo viên tổ trưởng các bộ môn. Các thành viên trong ban được chia thành từng nhóm chuyên sâu để tư vấn theo từng lĩnh vực: tư vấn về các kỳ thi, tuyển sinh, sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý… Ngoài tư vấn riêng khi có nhu cầu, tổ tư vấn tâm lý cần tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo để tư vấn chung, tạo điều kiện cho HS được đối thoại. Người làm công tác tư vấn phải được trang bị kỹ năng để trò chuyện, gợi mở cho HS trải lòng, tin tưởng. Một số trường cũng chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các hoạt động như: sinh hoạt ngoại khóa theo các chủ đề của tháng trong tiết chào cờ hàng tuần, tăng cường các chuyên đề giáo dục kỹ năng sống, tổ chức hội nghị học tốt để hỗ trợ HS…


H.NGÂN