10:03, 06/03/2019

Nha Trang sẽ sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục

Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Nha Trang vừa tham mưu UBND thành phố xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GD mầm non, phổ thông công lập thuộc UBND thành phố giai đoạn 2018 - 2021.

Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Nha Trang vừa tham mưu UBND thành phố xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GD mầm non (MN), phổ thông công lập thuộc UBND thành phố giai đoạn 2018 - 2021. Ông Trần Nguyên Lập - Trưởng phòng GD-ĐT TP. Nha Trang cho biết:

 


- Đề án sắp xếp theo hướng bố trí hợp lý các mô hình trường, sáp nhập một số đơn vị trường học có quy mô nhỏ, giảm điểm trường, tăng quy mô lớp, học sinh… Sau khi nghe Phòng GD-ĐT báo cáo, lãnh đạo UBND thành phố cơ bản thống nhất nội dung đề án; đồng thời, yêu cầu phòng tham mưu lộ trình cụ thể từng năm, có phương án riêng cho từng trường. Qua sắp xếp sẽ giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân giảm 10% cơ sở GD công lập. Hiện nay, thành phố có 111 trường MN, tiểu học và THCS; mục tiêu đến năm 2021 giảm còn 101 trường (giảm 8 trường MN, 2 trường tiểu học, 1 trường THCS và tăng 1 trường tiểu học - THCS).


- Khi tiến hành sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các trường đã lường trước những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

 

- Trong quá trình sắp xếp, do các trường có quy mô nhỏ nên khi sáp nhập vẫn đảm bảo số lượng trường, lớp theo quy định. Bên cạnh đó, các trường đóng chân trên cùng địa bàn xã, phường hoặc ở 2 xã, phường lân cận nên thuận lợi cho việc quản lý, huy động học sinh. Tuy nhiên, quá trình sắp xếp sẽ gặp một số khó khăn, trước hết là khi thực hiện ghép các trường chỉ làm giảm số lượng cán bộ, quản lý, viên chức văn phòng chứ chưa giảm số lớp nên không thể giảm được số lượng giáo viên. Thứ hai, khi thực hiện dồn ghép các điểm trường lẻ vào trường chính thì quỹ đất mở rộng điểm trường chính rất khó khăn. Thứ ba, một số địa bàn các điểm trường lẻ ngăn cách với điểm trường chính bởi sông, biển, đường sá đi lại phức tạp, không an toàn; một số gia đình cha mẹ đi làm ăn xa, không có điều kiện đưa đón con hàng ngày nên việc đi lại của học sinh gặp khó khăn. Thứ tư, khó khăn trong sắp xếp, bố trí số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư.

 

Giờ học của cô và cháu Trường Mầm non Võ Trứ.

Giờ học của cô và cháu Trường Mầm non Võ Trứ.

 

- Việc sắp xếp sẽ thực hiện như thế nào để đảm bảo mục đích tổ chức hợp lý mạng lưới các cơ sở GDMN, tiểu học và THCS như yêu cầu đề ra, thưa ông?


- Khi đề án được phê duyệt, trong quá trình sắp xếp, Phòng GD-ĐT thành phố sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch rà soát mạng lưới trường, điểm trường phù hợp, khả thi, theo hướng tinh gọn để có thể bố trí đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ thực hiện các nhiệm vụ GD theo yêu cầu mới. Đồng thời, tránh gây xáo trộn lớn, phù hợp với chủ trương chung về tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, thực hiện điều tra, khảo sát, xây dựng bản đồ mạng lưới, đánh giá tác động; rà soát, sắp xếp từng bước đầu tư tập trung cơ sở vật chất, thực hiện chuyển đổi mô hình trường để đảm bảo chế độ chính sách, thực hiện xã hội hóa GD; xây dựng đội ngũ, đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng GD; bố trí các nguồn lực và cơ chế tài chính.


Dự kiến, sẽ thực hiện sáp nhập các trường: MN 20-10 và MN Hoa Hồng (phường Phương Sài) thành MN Phương Sài; Tiểu học Phước Tân 1 và Phước Tân 2 thành Tiểu học Phước Tân; Tiểu học Vĩnh Thọ và THCS Lý Thường Kiệt (phường Vĩnh Thọ) thành Tiểu học - THCS Lý Thường Kiệt; MN Lộc Thọ và MN Hồng Chiêm (phường Lộc Thọ) thành MN Lộc Thọ; MN Vạn Thắng và MN 2-4 (phường Vạn Thắng) thành MN Vạn Thắng; MN Vạn Thạnh (phường Vạn Thạnh) và MN Xương Huân (phường Xương Huân) thành MN Vạn Thạnh; MN Phước Tân và MN Bình Khê (phường Phước Tân) thành MN Phước Tân; MN Phước Tiến và MN Võ Trứ (phường Phước Tiến) thành MN Phước Tiến; MN Tân Lập và MN Ngô Thời Nhiệm (phường Tân Lập) thành MN Tân Lập; MN Vĩnh Hải và MN Hướng Dương (phường Vĩnh Hải) thành MN Vĩnh Hải. Qua sắp xếp các trường trên sẽ giảm 12 lãnh đạo quản lý và 18 nhân viên. Số cán bộ lãnh đạo quản lý và nhân viên dôi dư này sẽ bố trí điều chuyển sang đơn vị khác. Về phương án xử lý trụ sở, tài chính, trang thiết bị khác, các trường sẽ sử dụng trụ sở cũ làm điểm trường.


Khi thực hiện đề án, Phòng GD-ĐT thành phố sẽ chủ trì, phối hợp với Phòng Nội vụ thành phố và các cơ quan liên quan hướng dẫn, tư vấn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện; phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức triển khai thực hiện tại các địa phương; chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ GD, đảm bảo tiếp tục nâng cao chất lượng GD trên địa bàn thành phố; xây dựng các đề án thành lập, giải thể, chuyển đổi, sáp nhập các trường theo phân cấp; rà soát, sắp xếp hệ thống các trường trực thuộc; tham mưu cho UBND thành phố quản lý hiệu quả các trường, đặc biệt quan tâm các mô hình mới: trường bán trú, trường trọng điểm, trường liên cấp; từng bước dồn ghép các trường, điểm trường cho những năm tiếp theo…


- Xin cảm ơn ông!


N.D (Thực hiện)