10:03, 12/03/2019

Không ngọn núi nào quá cao…

Có ước mơ và không ngừng nỗ lực để hiện thực hóa ước mơ của mình, học sinh (HS) Khánh Hòa đã có những dấu ấn đáng ghi nhớ trên hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức.
 

Có ước mơ và không ngừng nỗ lực để hiện thực hóa ước mơ của mình, học sinh (HS) Khánh Hòa đã có những dấu ấn đáng ghi nhớ trên hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức.
 
Chinh phục đỉnh Olympia 
 
Kịch tính, nghẹt thở, xúc động… là những gì người xem nhận xét về cuộc thi quý II Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 vừa phát sóng mới đây. Từ vị trí dẫn đầu “đoàn leo núi” ở phần khởi động, Nguyễn Hải Đăng, lớp 11 chuyên Sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang) đã có những cuộc cạnh tranh điểm số hồi hộp với các thí sinh đến phút chót. Và ngôi sao hy vọng ở câu hỏi tiếng Anh cuối cùng đã biến ước mơ lần đầu tiên mang cầu truyền hình về Khánh Hòa của cậu học trò trở thành hiện thực. Từ sau khoảnh khắc quán quân quý II bật khóc khi nhận giải, cái tên Nguyễn Hải Đăng đã được nhiều người biết đến, trở thành niềm vui và tự hào của HS Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn và HS Khánh Hòa. 

 

Nguyễn Hải Đăng đã đưa cầu truyền hình Đường lên đỉnh Olympia  về Khánh Hòa.
Nguyễn Hải Đăng đã đưa cầu truyền hình Đường lên đỉnh Olympia về Khánh Hòa.
 
Nguyễn Phương Trâm - chị gái, người đã cùng mẹ đồng hành với Hải Đăng trong suốt thời gian quay chương trình ở Thủ đô Hà Nội chia sẻ, Đăng yêu thích sân chơi trí tuệ này khi mới chỉ là cậu nhóc lớp 1. Tháng 8-2017, cả nhà dõi theo trận chung kết truyền hình trực tiếp Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17. Nhà vô địch năm ấy là “cậu bé google” Phan Đăng Nhật Minh, còn Hải Đăng khi đó vừa mới thi đậu vào lớp 10. Thấy em trai trả lời đúng gần 1/3 số câu hỏi trong cuộc thi chung kết năm chỉ với kiến thức 9 năm học, chị gái đã nói đùa: “Tỉnh mình chưa bao giờ có cầu truyền hình trực tiếp, nên Đăng cố lên, mai mốt đăng ký đi thi và mang cầu truyền hình về cho Nha Trang - Khánh Hòa nhé!”. 2 năm sau, câu nói ấy đã trở thành hiện thực. 
 
Những ai đã dõi theo hành trình chinh phục đỉnh Olympia của cậu bé tóc xoăn này, đều biết rằng Đăng đã nỗ lực không ngừng và chiến thắng xứng đáng. Xác định mục tiêu cho mình là đạt thành tích cao tại cuộc thi, Hải Đăng đã tích cực tham gia các cuộc thi online để bắt đầu luyện tập, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm thi đấu. Thế nhưng, do tâm lý căng thẳng khi thi đấu và trước ống kính máy quay, Đăng khiến người thân bất ngờ khi chỉ về nhì cuộc thi tuần, thua người bạn dẫn đầu một khoảng cách khá xa. Vậy nên khi bước vào trận thi tháng 2 với tư cách người có điểm nhì cao nhất, tâm lý của Đăng khá thoải mái. Cộng thêm chú Rồng QooBee được cô bạn thi chung trận tuần tặng làm cậu thấy vui vẻ hơn. Sau chiến thắng thuyết phục ở vòng thi tháng, Đăng bước vào vòng thi quý II và lập thành tích mới, đúng như lời nhắn nhủ của cậu bạn: “Không giành cầu (vòng nguyệt quế) thì đừng về!”. Một điểm trùng hợp khá thú vị là tại cuộc thi “Thắp Lửa Olympia” mùa thứ 2 do Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tổ chức trước đó, Nguyễn Hải Đăng cũng là thí sinh có số điểm nhì cao nhất vòng bảng và sau đó đã lên ngôi quán quân.
 
 Đăng mê sách. Biết mặt chữ từ rất sớm, 4, 5 tuổi đã cầm sách đọc vanh vách, nên cậu gắn bó với sách từ lúc nào không hay. Thấy Đăng mê đọc sách nên cậu thích cuốn nào, mẹ cũng đều mua cho cuốn đó, hết Từ điển Bách khoa toàn thư dành cho trẻ em đến những đầu sách về khoa học, thế giới tự nhiên, động thực vật và vũ trụ, sách tiếng Anh... Đọc nhiều nên vốn kiến thức của Đăng rất phong phú. Trí nhớ của cậu cũng khiến nhiều người quen biết phải nể phục khi chưa đầy 5 tuổi, Đăng đã nhớ hết cờ các quốc gia trên thế giới và thuộc tên thủ đô của hơn 130 quốc gia. Yêu thích tiếng Anh nên Đăng cũng thường xuyên tự học bằng cách đọc những cuốn sách tiếng Anh, xem kênh Discovery trên truyền hình, dịch các video nước ngoài... Và việc Đăng trả lời chính xác câu hỏi tiếng Anh cuối cùng ở vòng thi quý ngay từ những giây đầu tiên không phải là điều khó. 
 
“Chúng ta không hỏi chim hót nhằm mục đích có ích nào, bởi vì hót là cái thú của chim và chúng sinh ra trên đời là để hót. Tương tự như vậy, chúng ta sẽ không hỏi tại sao trí óc con người lại bận tâm dò tìm những bí mật trên trời cao... Các hiện tượng của tự nhiên hết sức đa dạng, các kho báu ẩn giấu trên trời hết sức phong phú, cốt là để trí óc con người không bao giờ thiếu nguồn thức ăn tươi mới cho nó…”. Đó là trích đoạn trong cuốn sách yêu thích nhan đề “Vũ trụ” của nhà thiên văn học nổi tiếng người Mỹ Carl Sagan mà cậu học trò chuyên Sinh tâm đắc, được Đăng chọn để tham dự một cuộc thi về sách của Nhã Nam. Với Đăng, “đọc sách không bao giờ là đủ”. Em tìm niềm yêu thích trong học tập, trong những cuốn sách hay. Chọn học chuyên Sinh cũng là để Đăng đến gần hơn với ước mơ nghiên cứu khoa học của mình. Trước mắt, Đăng là một trong những thành viên của đội tuyển Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tham dự kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 dành cho HS các trường chuyên khu vực phía nam. Em cho biết, sẽ giữ cho mình một tinh thần thoải mái để bước vào trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia diễn ra vào tháng 9.
 
Cô học trò ghi tên trường làng vào bảng thành tích
 
Đóng chân trên địa bàn khó khăn, Trường THPT Tôn Đức Thắng, thị xã Ninh Hòa vốn không phải là ngôi trường có tiếng tăm về chất lượng giáo dục. Hàng năm, điểm đầu vào của trường đều thuộc hàng thấp của thị xã. Thế nên, giải nhì môn Địa lý kỳ thi HS giỏi quốc gia năm học 2018 - 2019 mà em Hồ Thanh Trúc, HS lớp 11 mang về không chỉ là niềm tự hào của em và gia đình, mà còn là niềm tự hào của cả trường. Đây là lần đầu tiên sau 15 năm thành lập, nhà trường có giải HS giỏi quốc gia, và cũng là lần đầu tiên Khánh Hòa có giải nhì quốc gia môn Địa lý. 

 

Hồ Thanh Trúc là học sinh đầu tiên mang về giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cho Trường THPT Tôn Đức Thắng.
Hồ Thanh Trúc là học sinh đầu tiên mang về giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cho Trường THPT Tôn Đức Thắng.
 
Khi được hỏi vì sao học tập tốt mà lại chọn một trường có điểm đầu vào thấp, Trúc chia sẻ, quan điểm của em là học ở đâu không quan trọng bằng người học. Trường THPT Tôn Đức Thắng gần nhà, nên việc đi lại của em sẽ thuận tiện hơn. Cũng như những HS lớp 11 đi thi vượt cấp, Trúc ít nhiều gặp khó khăn về kiến thức so với các anh chị lớp 12. Nhưng cũng chính điều đó càng khiến cô học trò nhỏ thêm quyết tâm không phụ kỳ vọng của thầy cô, cha mẹ. Với Trúc, Địa lý không phải là môn học khô khan như nhiều người vẫn nghĩ. Từ nhỏ, cô bé đã thường đặt câu hỏi trước những sự vật, hiện tượng xung quanh mình. Tại sao trời lại nắng, tại sao lại mưa, tại sao có lũ lụt...? Cô bạn đã yêu thích môn học này ngay từ khi được cầm trên tay cuốn sách Địa lý đầu tiên năm lớp 6. 
 
Trúc chia sẻ: “Em cảm thấy môn Địa lý rất thú vị, đặc biệt là phần tự nhiên có ứng dụng nhiều trong thực tế. Phần kinh tế - xã hội rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Em thường tạo ra các dàn ý, sơ đồ, tổng hợp kiến thức nền để dễ nhớ. Có một số vấn đề sách giáo khoa không giải thích kỹ, em lên mạng tìm hiểu và hỏi thầy cô. Khi được vào đội tuyển HS giỏi quốc gia, thầy cô đã gợi mở cho em những kiến thức mới, tạo động lực cho em tiếp tục niềm đam mê của mình”. Sự ủng hộ của gia đình cũng tạo động lực cho Trúc cố gắng trong những ngày tháng xa nhà để tập trung ôn luyện đội tuyển. 
 
Gần 10 năm tham gia bồi dưỡng HS giỏi môn Địa lý, thầy Văn Đức Thái vui hơn, tự tin hơn trước kết quả giải nhì quốc gia của HS mình. Thầy Thái cho biết, Trúc là HS học tốt tất cả các môn và có đam mê với môn Địa lý. Em là một trong những HS được phát hiện năng khiếu và bồi dưỡng ngay từ năm lớp 10. Ấn tượng về Trúc là một HS ngoan, chăm chỉ, đặc biệt là ý thức tự học rất cao. Mỗi lần thầy đưa đề, bài tập, Trúc đều cố gắng hết sức để hoàn thành, không bỏ cuộc trước những bài tập khó. Có khi, 1 - 2 giờ đêm, cô học trò vẫn nhắn tin nhờ thầy giải đáp thắc mắc trước một câu hỏi hóc búa. Không chỉ vậy, với vai trò Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường, Trúc cũng được xem là một HS tích cực, năng nổ trong các hoạt động phong trào. 
 
Giải nhì HS giỏi quốc gia của Hồ Thanh Trúc đã tạo thêm động lực trong dạy và học cho thầy trò Trường THPT Tôn Đức Thắng. Thầy Nguyễn Nên - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Bồi dưỡng HS giỏi là một chiến lược của nhà trường để xã hội, phụ huynh tin tưởng. Dù mặt bằng tuyển sinh thấp nhất thị xã, nhưng vẫn có những HS giỏi và các em có ý chí vươn lên. Trúc là 1 trong 2 HS của trường được chọn vào đội tuyển môn Địa lý của kỳ thi HS giỏi quốc gia năm nay. Thành tích mà em đạt được là minh chứng cho sự nỗ lực, chuyên cần của em. Đồng thời, tạo niềm khích lệ cho nhà trường tiếp tục quan tâm đầu tư trong việc phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi”. 
 
H.N