10:11, 05/11/2018

Một sân chơi bổ ích

Gần chục năm qua, cuộc thi "Sáng tạo mô hình tàu chiến đấu" của Học viện Hải quân luôn là sân chơi khoa học bổ ích, góp phần phát huy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học của học viên.

Gần chục năm qua, cuộc thi “Sáng tạo mô hình tàu chiến đấu” của Học viện Hải quân luôn là sân chơi khoa học bổ ích, góp phần phát huy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học của học viên.


Học viện Hải quân vừa tổ chức cuộc thi “Sáng tạo mô hình tàu chiến đấu” lần thứ tư. Đây là cuộc thi mang tính đặc thù của học viện, được tổ chức 2 năm/lần. Tham dự cuộc thi năm nay có 5 đội đến từ các tiểu đoàn thuộc học viện. Các mô hình dự thi được thiết kế dựa trên nguyên mẫu tàu chiến đấu có trong biên chế của Quân chủng Hải quân hiện nay. Trong đó, một số mô hình được đánh giá có tính sáng tạo và sát với thực tế cao như: tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, tàu tên lửa tấn công nhanh Monliya… Bên cạnh đó, các đội thi cũng tận dụng tối đa thế mạnh nghiên cứu chuyên ngành của đơn vị mình để đưa công nghệ hiện đại vào sử dụng.

 

Ban giám khảo chấm điểm kỹ thuật.

Ban giám khảo chấm điểm kỹ thuật.


Thượng sĩ Bùi Hoàng Huy (thành viên đội thi của Đại đội 2, Tiểu đoàn 3) cho biết: “Yêu cầu của cuộc thi năm nay là các mô hình được thiết kế không chỉ bảo đảm về hình dáng mà còn phải đúng tỷ lệ thu nhỏ so với kích thước thật của các tàu chiến đấu hiện có trong quân chủng; đồng thời có thể hoạt động dưới nước một cách linh hoạt; các loại vũ khí, trang bị chính trên mô hình tàu cũng phải hoạt động được. Điều tự hào nhất đối với đội chúng tôi ở cuộc thi năm nay là hệ thống bắn trên tàu mô hình. Bởi chúng tôi không sử dụng khí nén hay thuốc đốt mà sử dụng hơi để bắn nên đảm bảo an toàn trong quá trình nghiên cứu chế tạo và trong quá trình bắn đường đạn không đi quá cao hay quá thấp nên bắn trúng các mục tiêu hiệu quả. Kết quả, tàu mô hình của đội chúng tôi đã bắn trúng 5/6 bia”.


Theo Thượng sĩ Huỳnh Ngọc Thiết (thành viên đội thi của Đại đội 1, Tiểu đoàn 4), phần khó nhất trong sáng tạo mô hình tàu chiến đấu là ở phần thiết kế mạch nên để hoàn thiện hệ thống mạch, đội của anh phải mất 4 tháng, các thành viên trong đội luôn tập trung ở mức tối đa, cùng với sự động viên của chỉ huy đơn vị, sự hỗ trợ của các khoa, nhất là Khoa Cơ sở và Khoa Thông tin ra đa. Đây là cuộc thi rất bổ ích, góp phần thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học cũng như phát huy niềm đam mê của học viên tìm hiểu, từng bước làm chủ những loại tàu, vũ khí mới, hiện đại của Quân chủng.


Theo Đại tá Nguyễn Đức Nam - Phó Giám đốc Học viện Hải quân, điểm mới của cuộc thi năm nay là đòi hỏi các học viên phải nghiên cứu chế tạo các mô hình tàu chiến đấu sát với thực tế nhiều hơn so với các năm trước nên các đội thi phải bỏ nhiều thời gian, công sức miệt mài nghiên cứu suốt gần 1 năm. Cuộc thi nhằm tạo một sân chơi khoa học cho học viên sĩ quan hải quân tham gia để nghiên cứu tính năng kỹ chiến thuật từ các con tàu của Hải quân trong thực tế. Qua đó có thể nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất mô hình cũng như áp dụng các thành tựu về công nghệ điều khiển, công nghệ thông tin để đưa vào điều khiển con tàu. Đặc biệt, thông qua cuộc thi này giúp cho học viên nắm bắt được các con tàu chiến đấu của Quân chủng, vun đắp tình yêu biển đảo, từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.


THẾ ANH