05:01, 12/01/2018

Nâng cao hiệu quả hướng nghiệp cho học sinh

Việc nên hay không nên cộng điểm thi nghề phổ thông khi tuyển sinh vào lớp 10 đang được dư luận quan tâm, vấn đề lớn hơn đặt ra là làm thế nào để công tác dạy nghề - hướng nghiệp cho học sinh (HS) đạt được hiệu quả thiết thực.  
 

Việc nên hay không nên cộng điểm thi nghề phổ thông khi tuyển sinh vào lớp 10 đang được dư luận quan tâm, vấn đề lớn hơn đặt ra là làm thế nào để công tác dạy nghề - hướng nghiệp cho học sinh (HS) đạt được hiệu quả thiết thực.  
 
Được quan tâm hơn
 
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Khánh Hòa, những năm gần đây, hoạt động GD hướng nghiệp trong các trường phổ thông đã được chú trọng hơn. Trước mỗi mùa tuyển sinh, sở đã phối hợp với một số báo, đơn vị và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp tổ chức nhiều đợt tư vấn - hướng nghiệp với hàng ngàn HS tham gia. Các em được tư vấn chọn ngành học, được tìm hiểu cơ hội việc làm sau khi ra trường và nhu cầu xã hội đối với các ngành nghề... Các trường đại học, cao đẳng, trường nghề... còn thành lập ban tư vấn và đến từng trường THCS, THPT để giới thiệu về ngành nghề, quy mô đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh và các chính sách dành cho người học. Vài năm trở lại đây, nhiều HS có học lực trung bình, yếu nhờ được tư vấn, động viên và định hướng phù hợp đã chọn con đường học nghề và trung cấp chuyên nghiệp tại địa phương thay vì học lên THPT hoặc chạy đua trong các kỳ thi đại học, cao đẳng. 

 

Học sinh tham gia một chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2017.
Học sinh tham gia một chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2017.
 
Từ năm học 2016 - 2017, để nâng cao chất lượng dạy nghề phổ thông, nhiều trường THCS, THPT đã phối hợp với các trường trung cấp chuyên nghiệp và trường cao đẳng có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp tổ chức cho HS tham quan các cơ sở đào tạo; tổ chức giảng dạy môn học Công nghệ; triển khai các buổi nói chuyện, tư vấn hướng nghiệp cho HS. Sau khi hoàn thành chương trình học, các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp sẽ cấp giấy chứng nhận cho HS để các em được công nhận trên thị trường lao động và được miễn trừ các nội dung này nếu có nguyện vọng học tiếp chương trình trung cấp chuyên nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS, THPT. 
 
Sở GD-ĐT cũng đã tham mưu UBND tỉnh hợp nhất các trung tâm GD thường xuyên với trung tâm kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp huyện, thị xã, thành phố để thành lập các trung tâm GD thường xuyên và hướng nghiệp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ GD thường xuyên - hướng nghiệp và định hướng kỹ năng nghề nghiệp cho HS THCS và THPT. 
 
Đa dạng các hình thức hướng nghiệp
 
Tuy đã được quan tâm hơn, song công tác dạy nghề - hướng nghiệp cho HS phổ thông hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Mục đích của việc dạy nghề phổ thông là giúp HS có cái nhìn cơ bản về nghề, chuẩn bị cho các em một số kỹ năng lao động về lĩnh vực nghề cần thiết và phù hợp với lứa tuổi. Nếu không tiếp tục học lên, các em có thể tham gia lao động sản xuất tại gia đình, cộng đồng hoặc các doanh nghiệp. Song hiện nay, động cơ tham gia các lớp học nghề của HS chưa được định hướng đúng đắn, việc chọn nghề để học chủ yếu là để lấy điểm cộng cho các kỳ xét tuyển. Thời gian cho các giờ học ngoại khóa, thực tế tại các nhà máy, xưởng sản xuất, các loại hình hoạt động quản lý nhà nước để các em tiếp cận với các nghề trong xã hội không nhiều. Việc tổ chức các chương trình như: GD khởi nghiệp, GD kỹ năng sống, GD nghề nghiệp... ở các trung tâm GD thường xuyên - hướng nghiệp cũng chưa phong phú, đa dạng về nội dung, hình thức nên chưa thu hút HS. Đội ngũ giáo viên làm công tác giảng dạy hướng nghiệp cho HS các cấp hiện nay phần lớn là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu nên chất lượng dạy và học còn nhiều hạn chế. 
 
Theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT, sở sẽ tiếp tục đổi mới công tác quản lý, tăng cường nề nếp, kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở GD thường xuyên; mở rộng việc dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề và tổ chức thực hiện chương trình GD khởi nghiệp tại cơ sở GD thường xuyên; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên tại các trung tâm GD thường xuyên - hướng nghiệp. Ngoài việc tuân thủ theo chương trình GD hướng nghiệp của Bộ GD-ĐT, các trường THCS,THPT cần liên kết với các cơ sở GD nghề nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh…để tổ chức cho HS cuối cấp THCS và THPT tham gia các buổi hội thảo, hoạt động tư vấn, hoạt động giới thiệu và tuyên truyền nghề. Từ đó, giúp các em hiểu rõ về khả năng của bản thân và điều kiện gia đình trong việc lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp. Mặt khác, cần vận dụng linh hoạt các hình thức hướng nghiệp cho HS tùy theo đặc điểm tình hình của mỗi đơn vị, trong đó cần tạo điều kiện để HS đến các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp tham quan, tìm hiểu. 
 
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức xã hội về nghề nghiệp cho các bậc cha mẹ HS và bản thân các HS. Từ nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, HS sẽ nhận thức được việc sau khi tốt nghiệp THCS, THPT đi vào các hướng khác nhau là bình thường và hợp lý. 
 
 

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn góp ý

Tại Khánh Hòa, những năm qua các đối tượng HS tham gia xét tuyển vào lớp 10 được cộng điểm khuyến khích gồm: HS có chứng nhận nghề phổ thông; HS đạt giải trong kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa; HS đạt giải cá nhân hoặc đồng đội trong một số cuộc thi do Sở GD-ĐT phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức… Tổng số điểm cộng không quá 4 điểm. Tuy nhiên, theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT vừa được Bộ GD-ĐT công bố, sẽ bỏ quy định sở GD-ĐT cộng điểm khuyến khích cho HS khi tuyển sinh vào lớp 10. Xung quanh vấn đề này, Báo Khánh Hòa mở diễn đàn để bạn đọc cùng tham gia góp ý. Mọi ý kiến xin gửi về Tòa soạn Báo Khánh Hòa - 77 Yersin, TP. Nha Trang hoặc email: toasoan.bkh@gmail.com. 
 

T.VIỆT