10:05, 22/05/2017

Thắp lửa cho các nhà sáng chế trẻ

Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ VII (2016 - 2017) đã thực sự thắp lửa, khơi nguồn sáng tạo cho nhiều bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường.

Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ VII (2016 - 2017) đã thực sự thắp lửa, khơi nguồn sáng tạo cho nhiều bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong nhiều tác phẩm, công trình dự thi, đã có không ít ý tưởng hay, mới mẻ, có thể áp dụng vào thực tiễn để phục vụ cộng đồng.


Nhiều ý tưởng, sáng tạo độc đáo


Hai em Phan Minh Hoàng và Nguyễn Khánh Toàn (học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP. Nha Trang) mang đến hội thi sản phẩm “Máy hiển thị chữ nổi cho người mù”. Khánh Toàn cho biết, với mong muốn giúp cho người khiếm thị dễ dàng hơn trong học tập, các em đã mày mò nghiên cứu, lắp ráp, lập trình và chế tạo ra máy với nhiều ưu điểm hơn các nghiên cứu trước đó. Cụ thể, máy có thể đọc được nhiều thể loại văn bản và nhiều chữ nổi hơn, giúp đọc nhanh. Máy cũng được thiết kế với các vi mạch nhỏ gọn, kết cấu gọn gàng, dễ mang xách, nhưng giá thành lại rẻ và dễ sử dụng. Sản phẩm này có thể ứng dụng vào việc giảng dạy cho người khiếm thị. “Chúng em thấy người mù rất khó khăn trong việc học tập, tiếp nhận những kiến thức từ sách vở. Vì thế, chúng em nghĩ ra ý tưởng làm ra “Máy hiển thị chữ nổi cho người mù”, với mong muốn giúp họ có thể nhìn nhận mặt chữ để tiếp thu kiến thức tốt hơn”, Minh Hoàng chia sẻ.

 

Em Phan Minh Hoàng và Nguyễn Khánh Toàn cùng sáng chế ra máy hiển thị chữ nổi cho người mù.
Em Phan Minh Hoàng và Nguyễn Khánh Toàn cùng sáng chế ra máy hiển thị chữ nổi cho người mù.

 

Em Võ Đức Toàn (Trường THPT Trần Cao Vân, thị xã Ninh Hòa) cho hay, em rất thích môn Tin học, trong khi đó có một số bạn cùng lớp lại tiếp thu chậm môn học này. Với mong muốn giúp các bạn cùng lớp tiến bộ hơn trong môn Tin học, em đã thiết kế thành công “Phần mềm Sortviewer”. Đây là một ứng dụng về thuật toán sắp xếp. Toàn chia sẻ: “Dưới sự hỗ trợ và hướng dẫn nhiệt tình của thầy giáo bộ môn Lê Hoàng Chân, qua mấy tháng mày mò, em đã viết hoàn thiện phần mềm tin học này để dự thi. Nếu được ứng dụng trong trường học, phần mềm sẽ giúp các bạn học sinh hình dung và hiểu tốt hơn về môn học thuật toán sắp xếp”.


Tác giả của “Máy cắt cơm dừa thành sợi” là em Bùi Huyền Tuyết Ngọc (Trường THCS Lương Thế Vinh, Nha Trang). Ngọc cho biết, từ nhỏ em sống với bà, mỗi lần thấy bà cắt cơm dừa làm mứt rất kỳ công, làm chậm, sợi cơm dừa cắt thủ công ngắn và không đều nhau. Vì thế, em có ý tưởng thiết kế máy cắt cơm dừa với mong muốn giúp bà đỡ cực nhọc. Sử dụng máy cắt cơm dừa tiết kiệm thời gian, giảm chi phí nhân công, sợi mứt đẹp và dài. “Với những thiết bị đơn giản, dễ mua, thầy giáo đã hướng dẫn em thiết kế máy cắt cơm dừa thành sợi để tham gia cuộc thi. Em hy vọng nếu được ứng dụng, chiếc máy này sẽ giúp người làm bánh mứt dừa đỡ vất vả hơn”, Ngọc nói.

 

zzCác đại biểu tham quan dây chuyền làm bánh xoài tự động

Các đại biểu tham quan dây chuyền làm bánh xoài tự động

 

Theo lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Khánh Hòa, sản phẩm dự thi của các học sinh rất phong phú và đa dạng. Ở lĩnh vực nào, các em cũng đều có sản phẩm tham gia, có ý tưởng mới, phát hiện được những vấn đề cấp thiết của nhà trường, gia đình và xã hội. Theo đó, ở lĩnh vực đồ dùng học tập có 59 sản phẩm, với nhiều ý tưởng mới mẻ như: bộ sưu tập tiêu bản thực vật khô; máy hiển thị chữ nổi cho người mù; hệ thống chuông báo trường học; thiết bị quan sát ảnh 4 mặt… Phần mềm tin học là lĩnh vực tương đối khó, nhưng cũng có 9 sản phẩm dự thi. Trong đó, có 2 sản phẩm nổi bật là phần mềm Sortviewer về thuật toán sắp xếp; phần mềm Class A Dictionary lập trình trên điện thoại di động, nhằm hệ thống lại kiến thức các môn học khối A.


Ở lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường, có 99 sản phẩm tham gia. Các em đã biết tận dụng các nguyên liệu sẵn có, hoặc bỏ đi để biến thành những vật dụng hữu ích, độc đáo như: dây chuyền làm bánh xoài tự động; đèn báo giao thông dùng năng lượng mặt trời; hệ thống trồng mì; robot vớt rác; chế phẩm thảo dược đuổi côn trùng… Dụng cụ gia đình và trò chơi trẻ em là lĩnh vực các em tham gia nhiều nhất với 240 sản phẩm. Trong đó, có nhiều thiết kế mới lạ như: bộ sạc pin đa năng bằng năng lượng mặt trời; nhà cho người khuyết tật; robot hỗ trợ giám sát sinh hoạt gia đình; máy thái hành tỏi; gậy dẫn đường cho người mù… Lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế có 58 sản phẩm dự thi. Đây là lĩnh vực có nhiều sản phẩm dự thi chất lượng như: máy thu hoạch củ; thiết bị thử nghiệm vớt rác xa bờ; hệ thống tự động làm sạch nhà vệ sinh trường học; mô hình tưới nước thông minh cho sản xuất nông nghiệp; hộp trồng và chăm sóc rau tự động; máy cắt và sấy thực phẩm mini; hệ thống bơm nước không dùng nhiên liệu; mô hình xe nông nghiệp kết hợp…


Chất lượng nhưng chưa đột phá


Qua thống kê, cuộc thi lần thứ VII có sản phẩm tham gia tăng 150% so với cuộc thi lần thứ VI và tăng 227% so với kế hoạch đề ra. Cuộc thi có nhiều khởi sắc, học sinh từ tiểu học đến THPT đều có sản phẩm tham gia, tăng về số lượng và chất lượng. Sản phẩm thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tăng 32%. Điều này cho thấy, nhận thức của các em về môi trường chuyển biến rõ nét. Điều đáng chú ý, học sinh khối tiểu học huyện miền núi Khánh Vĩnh có tới 66 sản phẩm dự thi, chiếm 27% sản phẩm khối tiểu học tham dự; trong khi TP. Nha Trang và huyện Cam Lâm lại có ít sản phẩm tham gia.

 

1

Mô hình hộp trồng và chăm sóc rau tự động.

 

Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ VII được phát động từ tháng 4-2016, thu hút 454 sản phẩm của học sinh thuộc 142 trường tiểu học, THCS, THPT của 6 huyện, thị xã, thành phố tham gia. Cuộc thi không có giải nhất, chỉ có 2 giải nhì, 14 giải ba và 35 giải khuyến khích. Trong đó, đạt giải ở lĩnh vực đồ dùng học tập có 8 sản phẩm; phần mềm tin học có 2 sản phẩm; dụng cụ gia đình, đồ chơi trẻ em có 16 sản phẩm; bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế có 17 sản phẩm; thân thiện với môi trường có 8 sản phẩm.

Ông Bùi Mau - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Khánh Hòa, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban tổ chức hội thi sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết, sản phẩm các em tham gia cuộc thi lần này nhiều, có chất lượng nhưng chưa mang tính đột phá. Kết quả cuộc thi đã phản ánh đúng với thực tế phát triển khoa học công nghệ trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, so với cả nước và khu vực miền Trung thì các em ở Khánh Hòa cần phấn đấu nhiều hơn nữa trong sáng tạo.


Mặt khác, bên cạnh những ý tưởng mới mẻ mang đến cuộc thi, có những sản phẩm đã đạt giải ở những cuộc thi khoa học công nghệ khác cũng được trao giải trong cuộc thi lần này. Điều này đã làm cho giải thưởng có phần trùng lắp, ít mới mẻ.


“Theo tôi, trong thời gian tới, để phát triển khoa học công nghệ tốt hơn trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, nhi đồng, các nhà trường nên quan tâm phát triển mô hình học nhóm, gắn giữa lý thuyết và thực tiễn để các em có điều kiện phát triển tư duy sáng tạo. Bên cạnh đó, giảm bớt thời gian lên lớp, tăng cường các hoạt động giao lưu ngoại khóa với các chuyên đề khoa học, nhằm tạo điều kiện cho các em phát triển các ý tưởng mới, tạo tiền đề để sáng tạo, khởi nghiệp. Các giáo viên cần nâng cao hơn nữa năng lực khoa học công nghệ để giúp học sinh có những công trình nghiên cứu khoa học tốt hơn nữa trong tương lai”, ông Bùi Mau nói.


Minh Thiết