10:03, 30/03/2017

Vườn rau cho các bé

Việc duy trì vườn rau trong khuôn viên trường không chỉ giúp Trường Mẫu giáo Vành Khuyên (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) chủ động nguồn rau sạch, mà còn giúp các bé thêm hiểu biết về thiên nhiên.

 

Việc duy trì vườn rau trong khuôn viên trường không chỉ giúp Trường Mẫu giáo Vành Khuyên (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) chủ động nguồn rau sạch, mà còn giúp các bé thêm hiểu biết về thiên nhiên.


Học bằng trực quan sinh động


Tiếng kẻng báo hiệu giờ tìm hiểu thiên nhiên vừa vang lên, các lớp học đã râm ran tiếng reo hò đầy vui thích của các bé. Ra vườn đầu tiên là lớp 3 - 4 tuổi B. Không chút ngần ngừ, bé Phạm Nguyễn Ái Vy chỉ tay vào luống rau nói: “Rau muống”. Các bé khác cũng mau lẹ trả lời các câu hỏi của cô giáo về lá, hoa, quả. Giờ học về thiên nhiên thật thú vị và dễ nhớ bởi các bé được chạm tay vào trái bầu non ram ráp lông tơ, hay trái cà chua còn xanh nõn…

 

Một góc vườn rau của Trường Mẫu giáo Vành Khuyên
Một góc vườn rau của Trường Mẫu giáo Vành Khuyên


Không giống góc thiên nhiên ở nhiều trường mẫu giáo, mầm non khác, điểm trường chính của trường Vành Khuyên ở thôn Tân Xương có diện tích gần 4.200m2 thì vườn rau chiếm 600m2. Khoảng 5 - 6 năm trước, khi trường chưa xây thêm phòng học, vườn rau còn rộng hơn nhiều. Nhưng với diện tích hiện tại, mùa nào thức ấy, vườn trường vẫn cung cấp đủ loại rau: mùng tơi, muống, cải các loại, dền đỏ, bạc hà, bí xanh, bí đỏ, mướp…


Việc tìm hiểu từng loại rau nảy mầm, sinh trưởng hàng ngày không chỉ giúp các bé ở trường nhận biết các loại rau mà còn hiểu sâu hơn về sự phát triển của cây. Ngoài ra, trong những giờ chơi, các bé còn được quan sát các cô cấp dưỡng tưới rau, bắt sâu, cắt rau… Điều đó cũng tạo cho trẻ niềm yêu thích thiên nhiên.


Tự cung ứng đủ rau sạch


Cô Lê Thị Thùy Yến - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 3 điểm trường, trong đó điểm trường thôn Suối Lau toàn các cháu người Raglai. Để nâng tỷ lệ trẻ học bán trú, một trong những yếu tố quan trọng là phải bảo đảm chất lượng dinh dưỡng bữa ăn. Vì vậy, nhà trường lập vườn rau để các cháu thêm hiểu biết về thiên nhiên, đồng thời chủ động nguồn rau sạch đảm bảo an toàn thực phẩm cho bữa ăn của trẻ và tăng thu nhập cho các cô cấp dưỡng.


Vườn rau được nhà trường giao trực tiếp cho các cô cấp dưỡng chăm sóc và hợp đồng giá bao tiêu theo tháng. Hiện tại, vườn rau đủ cung cấp cho 459 cháu ở cả 3 điểm trường, trung bình 20kg rau/ngày. Những khi thời tiết thuận, đúng vụ, rau xanh của trường còn cung cấp thêm cho một số trường khác như: Tiểu học Khánh Hòa - Jeju, Mầm non Suối Tiên, Mẫu giáo Vàng Anh… Nhờ có vườn rau, thu nhập của 7 cấp dưỡng ở điểm trường chính cũng tăng thêm 70.000 - 200.000 đồng/cô/tháng. “Có rau sạch, lại thêm thu nhập khiến chúng tôi gắn bó với trường hơn. Riêng tôi đã gắn bó với trường 7 năm”, cô Huỳnh Thị Lài (54 tuổi) cho biết.


Theo ông Lê Anh Bằng - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, trên địa bàn cũng có nhiều trường tạo vườn rau nhưng chủ yếu để làm góc thiên nhiên, chưa đủ cung cấp cho bữa ăn của trẻ. Toàn huyện chỉ có Trường Mẫu giáo Vành Khuyên cung cấp đủ và thường xuyên lượng rau sạch phục vụ bữa ăn cho các cháu. Cách làm này đã mang lại hiệu quả trong nhiều năm, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ và thu hút trẻ, đặc biệt trẻ dân tộc thiểu số, đi học bán trú. Việc duy trì vườn rau cũng tăng thêm thu nhập cho đội ngũ cấp dưỡng và phục vụ nhà trường. Phòng luôn khuyến khích các trường có đất rộng tăng gia rau sạch như mô hình của trường Vành Khuyên.


TIỂU MAI - K.NGUYỄN