10:07, 25/07/2021

Cần sớm cắm lại mốc lộ giới đường sắt

Sau gần 25 năm, mốc lộ giới đường sắt mà Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh bàn giao cho địa phương đã không còn phù hợp. Địa phương kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sớm thực hiện cắm lại mốc, bàn giao cho địa phương quản lý, bảo đảm an toàn hành lang đường sắt.

Sau gần 25 năm, mốc lộ giới đường sắt mà Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh bàn giao cho địa phương đã không còn phù hợp. Địa phương kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sớm thực hiện cắm lại mốc, bàn giao cho địa phương quản lý, bảo đảm an toàn hành lang đường sắt.


Mốc giới không còn phù hợp   


Năm 1997, Công ty Đường sắt Phú Khánh (nay là Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh) đã phối hợp với các địa phương có đường sắt đi qua tổ chức bàn giao các vị trí cột mốc chỉ giới an toàn công trình đường sắt với chiều dài toàn tuyến gần 150km.


Thời điểm đó, Nghị định 39/1996 của Chính phủ quy định phạm vi bảo đảm an toàn công trình đường sắt gồm nhiều tiêu chí nhưng chưa có quy định về hành lang an toàn giao thông đường sắt. Nghị định 39 chỉ quy định phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn của nền đường sắt là 5m tính từ chân nền đường đối với nền đường đắp hay tính từ mép đỉnh đối với nền đường đào; hoặc là 3m kể từ chân rãnh dọc hay chân rãnh đỉnh của đường. Đối với nền đường không đắp, không đào là 5,6m tính từ mép ngoài của ray ngoài cùng trở ra.


Đến năm 2018, Nghị định 39 được thay thế bởi Nghị định 56/2018 của Chính phủ. Nghị định 56 có quy định về hành lang an toàn đường sắt. Trong đó, quy định chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên, được áp dụng với 2 trường hợp: Đường sắt tốc độ cao (trong đô thị là 5m, ngoài đô thị là 15m); đường sắt đô thị trên mặt đất và đường sắt còn lại là 3m. Như vậy, các vị trí đã cắm cột mốc lộ giới năm 1997 giữa đơn vị quản lý đường sắt với chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua đã không còn phù hợp với quy định hiện hành.


Công tác quản lý hành lang an toàn đường sắt gặp khó

 

6 tháng đầu năm, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức kiểm soát 81 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, vị trí nguy hiểm, đường ngang, nhà ga; đã phát hiện lập biên bản và xử phạt 53 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt với số tiền gần 21 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết, việc ngành đường sắt chưa bàn giao cho địa phương mốc giới theo quy định mới gây khó khăn trong công tác quản lý hành lang an toàn đường sắt và xử lý các vi phạm của tổ chức, cá nhân cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân liên quan đến các thửa đất dọc đường sắt. Những bất cập này cần sớm được giải quyết để bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm giữa các bên có liên quan.


Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2017, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã xây dựng phương án cắm mốc chỉ giới hành lang an toàn đường sắt theo kế hoạch giai đoạn 2014 - 2017 và đã được Bộ GTVT trình Chính phủ bố trí vốn. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên chưa có kinh phí phân bổ để triển khai phương án này. Vì vậy, đến nay, ngành đường sắt chưa cắm mốc chỉ giới đường sắt để bàn giao cho địa phương quản lý theo kế hoạch đã phê duyệt trong giai đoạn 2014 - 2017. Theo quy định tại Nghị định 56, việc xác định ranh giới dành cho đường sắt phải được xác định cụ thể theo tọa độ và được cập nhật, thống nhất với hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của địa phương nơi đường sắt đi qua. Công việc này được giao cho cơ quan quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt phối hợp với UBND các cấp xác định. Nhưng đến nay, việc tổ chức cắm mốc chỉ giới hành lang an toàn giao thông đường sắt để xác định ranh giới đất dành cho đường sắt qua địa bàn tỉnh vẫn chưa thực hiện được do thiếu vốn.


Mới đây, Ban An toàn giao thông tỉnh đã có văn bản gửi Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị chỉ đạo Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh sớm lập hồ sơ quản lý hành lang an toàn đường sắt, cắm mốc lộ giới và bàn giao cho địa phương quản lý. Sở cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua rà soát diện tích đất trong hành lang an toàn đường sắt đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân để thu hồi đất đã cấp.


THÀNH NAM