09:11, 23/11/2020

10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp: Còn bất cập

Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực ngày 1-7-2010 đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện luật cũng bộc lộ bất cập.

Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) có hiệu lực ngày 1-7-2010 đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện luật cũng bộc lộ bất cập.


Tại buổi tọa đàm về thực tiễn 10 năm thi hành Luật LLTP do Trung tâm LLTP quốc gia phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức vừa qua, nhiều ý kiến đã chỉ ra vướng mắc trong việc cấp phiếu LLTP, nhất là cấp phiếu LLTP cho người đương nhiên được xóa án tích.

 

Ông Trần Hữu Viên - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh nêu, có một số trường hợp, công văn của Sở Tư pháp đề nghị cung cấp thông tin LLTP, đặc biệt về xóa án tích nhưng công văn không thể hiện rõ công dân đó đã bị tòa án xét xử hay chưa, hoặc bị xét xử vào năm nào, nên tòa án rất khó tra cứu. Việc số hóa hồ sơ thông tin LLTP của tòa còn chậm. Cơ sở vật chất để bảo quản tài liệu còn sơ sài. Cán bộ lưu trữ, cung cấp thông tin LLTP chủ yếu kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, chưa được đào tạo bài bản…


Theo bà Hoàng Thị Mỹ Hạnh - Trưởng phòng Hành chính tư pháp (Sở Tư pháp), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, trong 5 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đương nhiên xóa án tích, nếu thấy đủ điều kiện, cơ quan quản lý dữ liệu LLTP cấp phiếu LLTP là họ không có án tích. Nhưng đến nay, chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục cụ thể để áp dụng quy định này. Sở Tư pháp vẫn đang giải quyết theo Luật LLTP. Quá trình giải quyết phát sinh rất nhiều khó khăn khi xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích. Phần lớn thông tin LLTP của sở có sau ngày 1-7-2010 (thời điểm xây dựng cơ sở dữ liệu) vì vậy, sở không đủ dữ liệu xác định người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án chưa. Sở phải mời công dân làm việc, đề nghị bổ sung thông tin, tài liệu đồng thời xác minh tại nhiều cơ quan, làm kéo dài thời gian giải quyết. Thực tế, có khi phải xác minh tại nhiều cơ quan trong tỉnh, thậm chí ngoài tỉnh. Nhưng một số trường hợp kết quả là không có thông tin lưu trữ, hoặc có nhưng tài liệu lưu trữ quá mờ, bị hỏng, không xác định được nội dung. Do đó, sở không có căn cứ xác định tình trạng án tích để cấp phiếu LLTP.

 

Người dân làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp.

Người dân làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp.

 

Từ ngày 1-7-2010 đến 30-6-2020, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 74.711 thông tin LLTP và gần 15.000 thông tin khác (cải chính hộ tịch, chứng tử) do các cơ quan, tổ chức liên quan cung cấp để phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP. Sở cũng đã đề nghị phối hợp cung cấp thông tin đối với 57.964 hồ sơ, còn lại được tra cứu tại cơ sở dữ liệu LLTP, qua đó cấp phiếu LLTP đối với 63.080 hồ sơ, số trễ hạn chỉ chiếm 0,05%. Tổng số người được xóa án tích là 489 người.

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới. Cơ quan quản lý dữ liệu LLTP có trách nhiệm cập nhật án tích của người bị kết án, khi có yêu cầu thì cấp phiếu LLTP xác nhận không có án tích nếu đủ điều kiện. Nhưng hiện nay, cơ sở dữ liệu LLTP chỉ có thông tin người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật, không có thông tin về hành vi phạm tội mới (nếu có).


Hiến pháp năm 2013 quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân. Luật LLTP quy định, phiếu LLTP số 2 ghi đầy đủ thông tin cá nhân, cả thông tin về án tích và cấp theo yêu cầu của cá nhân “để người đó biết được nội dung về LLTP của mình”, không được ủy quyền thực hiện thủ tục này. Nhưng theo đại diện Sở Tư pháp, thực tế, tất cả trường hợp yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2 đều nhằm bổ túc hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức khác, chưa từng phát sinh hồ sơ yêu cầu nhằm “biết được nội dung về LLTP của mình”. Ngoài ra, một số trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục cấp phiếu LLTP số 1 nhưng kết quả tra cứu, cấp phiếu lại cho thấy có án tích, nên chưa bảo đảm được bí mật cá nhân. 

 
Bà Đỗ Thị Thúy Lan - Phó Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia thừa nhận, những vướng mắc trên không riêng ở Khánh Hòa. Trung tâm LLTP quốc gia sẽ tổng hợp báo cáo vướng mắc và các đề xuất về: Bổ sung quy định về thủ tục cấp phiếu LLTP khi cần xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích; có văn bản hướng dẫn các trường hợp đương nhiên xóa án tích; ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp, trao đổi thông tin LLTP, kết nối dữ liệu của các ngành với cơ sở dữ liệu LLTP.


Nguyễn Vũ