10:10, 15/10/2020

Triển khai nhiều chính sách giảm nghèo

Những năm qua, nhờ triển khai thực hiện tốt nhiều chính sách dành cho người nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) giảm nhanh. Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo ở Khánh Sơn vẫn còn khó khăn.

 

Những năm qua, nhờ triển khai thực hiện tốt nhiều chính sách dành cho người nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) giảm nhanh. Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo ở Khánh Sơn vẫn còn khó khăn.


Kết quả tích cực


Để giúp các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, những năm qua, huyện Khánh Sơn đã tích cực hỗ trợ các hộ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế. Cụ thể, giai đoạn 2018 - 2020, thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, toàn huyện đã có 240 hộ được hỗ trợ tổng kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng để thực hiện 11 mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Với Chương trình 135, toàn huyện có 171 hộ được hỗ trợ sản xuất, với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 1.112 hộ được hỗ trợ hơn 50 tỷ đồng để chuyển đổi gần 578ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, các mô hình trồng cây sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm, quýt… trên địa bàn đang phát triển tốt, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho các hộ được thụ hưởng các chương trình.

 

Một hộ nghèo xã Sơn Hiệp được hỗ trợ mô hình trồng mía tím để phát triển kinh tế.

Một hộ nghèo xã Sơn Hiệp được hỗ trợ mô hình trồng mía tím để phát triển kinh tế.


Cùng với hỗ trợ trực tiếp cho các hộ xây dựng các mô hình sản xuất, địa phương còn tích cực thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi nhằm giúp người nghèo phát triển sản xuất kinh doanh. Từ năm 2018 đến nay, với thủ tục vay đơn giản, không thế chấp, miễn lệ phí làm thủ tục vay…, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho 4.763 lượt hộ gia đình vay với tổng số tiền hơn 164 tỷ đồng, trong đó cho 1.614 lượt hộ nghèo vay hơn 54,7 tỷ đồng, 579 lượt hộ cận nghèo vay hơn 22,5 tỷ đồng, 54 lượt hộ mới thoát nghèo vay hơn 2,5 tỷ đồng, 8 hộ nghèo vay 200 triệu đồng làm nhà ở… Từ nguồn vốn vay này, nhiều hộ nghèo đã đầu tư cây, con giống để phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Không chỉ vậy, để giảm nghèo bền vững, UBND huyện còn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện hiệu quả các chính sách khác dành cho người nghèo như: Hỗ trợ về giáo dục, dạy nghề, mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ nhà ở…

 
Theo bà Phan Thị Thanh Nhàn - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Khánh Sơn, giai đoạn 2018 - 2020, bình quân mỗi năm, toàn huyện giảm được 305 hộ nghèo, tỷ lệ giảm bình quân mỗi năm 5%, vượt chỉ tiêu bình quân 3%/năm mà huyện đề ra. Nếu như năm 2018, toàn huyện có 3.235 hộ nghèo, chiếm 48,32% số hộ trong toàn huyện thì đến nay chỉ còn 2.320 hộ, chiếm 33,3%.


Còn khó khăn


Tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng thực tế, việc triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn huyện Khánh Sơn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, việc phối hợp để rà soát, thẩm định đối tượng được hưởng chính sách chưa thực hiện tốt nên dẫn đến bỏ sót đối tượng được thụ hưởng. Trong khi đó, việc thực hiện các chính sách: Hỗ trợ vay vốn nhân rộng mô hình sản xuất, hỗ trợ lãi suất vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất còn chậm do thiếu vốn, vốn được phân bổ chậm; việc thẩm định phương án vay và hiệu quả sử dụng vốn còn bất cập; lựa chọn mô hình đầu tư phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa phù hợp với điều kiện từng hộ, định mức hỗ trợ thấp, thời gian ngắn nên chưa mang lại hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững.


Ngoài ra, vẫn còn những hộ đồng bào dân tộc thiểu số ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa thực sự muốn thoát nghèo bền vững. Hiện nay, một số chính sách hỗ trợ cho người nghèo không còn phù hợp với thực tế như: Tiền ăn trưa cho học sinh mầm non, tiểu học là người dân tộc hiểu số ở mức 290.000 đồng/em/tháng là thấp; hay đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn có mức hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ đối với đất ở và 15 triệu đồng/hộ đối với đất sản xuất là rất thấp, không thể mua được đất…


Qua giám sát tình hình thực hiện các chính sách cho người nghèo trên địa bàn huyện, mới đây, HĐND huyện Khánh Sơn đề nghị UBND huyện chỉ đạo UBND cấp xã, các phòng, ban chuyên môn tiếp tục tập trung tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực để thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo của huyện; tăng cường phối hợp trong việc rà soát đối tượng, lựa chọn mô hình hỗ trợ phù hợp với từng hộ để nâng cao hiệu quả đầu tư. UBND huyện cần kiến nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung kinh phí để sớm triển khai các nội dung của chính sách giảm nghèo chưa thực hiện; điều chỉnh các mức hỗ trợ chưa phù hợp với điều kiện thực tế…


Đối với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, cần rà soát, thẩm định kỹ các hồ sơ để đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước. Trên cơ sở thực tế của địa phương, của các hộ dân, có kế hoạch hỗ trợ, lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với năng lực của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó triển khai đến các hộ thực hiện cho hiệu quả. Ngoài ra, chính quyền cơ sở cần tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân để người dân hiểu và nỗ lực vươn lên thoát nghèo…


Hải Lăng