10:04, 09/04/2020

Kè sông Trường: Ngăn sạt lở, bảo vệ khu dân cư

Từ khi kè sông Trường (xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) giai đoạn 1 (2015 - 2018) được xây dựng, tình trạng sạt lở bờ sông, gây khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt của các khu dân cư ven sông được ngăn chặn. 

Từ khi kè sông Trường (xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) giai đoạn 1 (2015 - 2018) được xây dựng, tình trạng sạt lở bờ sông, gây khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt của các khu dân cư ven sông được ngăn chặn. Hiện tỉnh đang thực hiện giai đoạn 2 (2018 - 2020), dự kiến hoàn thành trước mùa mưa lũ 2020. 
 
Hiệu quả bước đầu
 
Theo ông Phan Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Cam Hòa, những năm trước, tình trạng sạt lở bờ sông Trường diễn ra thường xuyên khiến nhiều diện tích hoa màu, lúa, vườn cây, đìa nuôi trồng thủy sản của người dân Cam Hòa bị trôi, chìm xuống sông. Đặc biệt, mùa lũ nước sông lớn, cùng với việc xả đập hồ chứa nước Cam Ranh khiến tình trạng sạt lở càng thêm nghiêm trọng. Trước tình hình đó, UBND xã Cam Hòa và huyện Cam Lâm đã kiến nghị tỉnh đầu tư kè bảo vệ sông Trường. Năm 2015, tỉnh bắt đầu thi công giai đoạn 1, những khu vực xung yếu nhất được xây dựng và bước đầu các tuyến kè đã phát huy hiệu quả. 

 

Một đoạn kè sông Trường được kiên cố hóa.
Một đoạn kè sông Trường được kiên cố hóa.
 
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, kè sông Trường có điểm đầu là khu vực cầu Bà Triên trên Quốc lộ 1 đổ về ngã ba sông Trường (Trường Tiểu học Cam Hòa 1), rồi sau đó phân làm 2 nhánh đến đầm Thủy Triều. Do tình hình vốn khó khăn, tỉnh đồng ý chủ trương ưu tiên đầu tư từng đoạn, theo đó các hạng mục xung yếu nhất được làm trước và đoạn còn lại làm sau. Từ năm 2015 - 2018, kè được đầu tư 4 đoạn gồm: từ Trường Tiểu học Cam Hòa 1 - cầu Ké; cầu Ké - cầu Làng; cầu Làng - cầu Mới; cầu Mới - đập Ông Tán. Trong đó, tổng chiều dài bờ hữu 1,8km, bờ tả 1,3km. Đồng thời, năm 2016, một số hạng mục bị lũ quét trong năm 2015 cũng được bổ sung xử lý như: bể tiêu năng sau đập dâng Ông Tán; tuyến kè từ Cửu Lợi đến sông Trường; xử lý sạt lở mái kè bờ tả cầu Làng và mái kè cầu Ké. Kết cấu kè gồm: mái ta luy bằng khung dầm bê tông lát đá khan; rọ đá đáy kè nơi xung yếu; mặt đê kết hợp giao thông bằng bê tông… 
Công trình có tổng mức đầu tư hơn 109 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 87,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương; thời gian thực hiện từ 2015 - 2020. 
 
Theo ông Nguyễn Duy Quang - Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình, Sở NN-PTNT, việc đầu tư giai đoạn 1 đã mang lại kết quả quan trọng, tình trạng xói lở bờ sông được ngăn chặn, các khu dân cư không còn bị uy hiếp bởi tình trạng xả lũ, gây mất an toàn như trước. Người dân bên trong vòng đai kè phát triển sản xuất, sinh sống mà không còn lo tình trạng xói lở bờ sông.
 
Dự kiến hoàn thành trong tháng 9
 
Ông Nguyễn Văn Phước - kỹ thuật viên Công ty Cổ phần Tập đoàn 315 (tỉnh Hà Tĩnh) liên danh cùng Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Gia Lộc (Nha Trang) cho biết, công trường xây dựng kè đang đẩy nhanh thi công giai đoạn cuối. Một ngày công trường huy động thường xuyên 15 - 20 công nhân làm việc. Bên cạnh đó, còn huy động 2 xe đào, 2 xe múc và 10 - 15 xe tải vận chuyển vật liệu ra vào. Trong giai đoạn 2, đơn vị thực hiện 4 đoạn gồm: cửa biển (đầm Thủy Triều) - ngã ba sông; ngã ba sông - Trường Tiểu học Cam Hòa; đoạn kè gia cố bờ tại ngã ba sông Trường; đập ông Tán - cầu Bà Triên. Tổng chiều dài bờ hữu 0,8km, bờ tả 1,04km. Hiện tại, công trường đang nỗ lực hoàn thiện những hạng mục được giao. Do một số đoạn gần cầu Bà Triên còn vướng giải tỏa nên thi công có bị gián đoạn. Nếu việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, đơn vị sẽ hoàn thành và bàn giao công trình sớm hơn kế hoạch. 
 
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, việc hoàn thành dự án kè sông Trường sẽ đáp ứng các mục tiêu đề ra là chống sạt lở bờ sông, cửa biển, bảo vệ khu dân cư, đất sản xuất, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển, thích nghi nguy cơ nước biển dâng. Hiện nay, sở yêu cầu các đơn vị thi công huy động nhân lực, thiết bị đẩy nhanh tiến độ; sở cũng phối hợp với huyện Cam Lâm và xã Cam Hòa vận động xong một số hộ dân trong khu vực di dời để có mặt bằng thi công công trình. Dự kiến tháng 9-2020, các hạng mục công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ theo đúng kế hoạch. 
 
V.L