08:03, 24/03/2020

Hồi sinh những vườn dừa

Những năm gần đây, nhờ nỗ lực áp dụng các biện pháp sinh học, đặc biệt là việc nhân nuôi, phóng thích bọ đuôi kìm, ngành Bảo vệ thực vật đã ngăn chặn được nạn phá hoại của bọ cánh cứng, đem lại màu xanh cho những rặng dừa.

Những năm gần đây, nhờ nỗ lực áp dụng các biện pháp sinh học, đặc biệt là việc nhân nuôi, phóng thích bọ đuôi kìm, ngành Bảo vệ thực vật (BVTV) đã ngăn chặn được nạn phá hoại của bọ cánh cứng, đem lại màu xanh cho những rặng dừa.


70% vườn dừa hồi phục


Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, từ năm 2000, bọ cánh cứng xuất hiện rải rác, đến năm 2002, bọ cánh cứng đã lây lan nhanh và gây hại đến 90% diện tích dừa toàn tỉnh. Trước tình hình đó, người dân đã phun thuốc để phòng trừ, tuy nhiên biện pháp này gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và dễ gây tái phát. Chưa kể, nhiều vườn dừa lâu năm, cây cao tới 10 - 15m rất khó cho việc sử dụng thuốc hóa học.

 

Vườn dừa ở công viên bờ biển Nha Trang đã hồi phục.

Vườn dừa ở công viên bờ biển Nha Trang đã hồi phục.


Để giúp nông dân xử lý bọ cánh cứng, bảo vệ các vườn dừa, Chi cục Trồng trọt và BVTV (lúc đó là Chi cục BVTV) đã triển khai các biện pháp phòng trừ tích cực như: sử dụng chế phẩm nấm xanh Metarhizium anisopliae, nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh, bọ đuôi kìm, sử dụng thuốc hóa học… Trong đó, biện pháp sinh học như nuôi ong ký sinh, bọ đuôi kìm phát huy tác dụng rõ rệt, chi phí thấp, an toàn cho môi trường và dễ sử dụng. Từ đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV khuyến cáo nông dân phòng trừ bằng các biện pháp sinh học và tập trung kinh phí để nhân nuôi, phóng thích bọ đuôi kìm.


Ông Trần Thiện Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, toàn tỉnh có 1.800ha dừa tập trung tại Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh. Cây dừa có giá trị kinh tế cao, đem lại nhiều lợi ích cho nông dân. Qua áp dụng các biện pháp sinh học, đặc biệt là nhân nuôi, phóng thích bọ đuôi kìm cho thấy rất hiệu quả, bọ cánh cứng hại dừa bị đẩy lùi, màu xanh các vườn dừa hồi phục 70% sau thời gian dài bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Duy trì 50 cơ sở nhân nuôi


Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV, thời gian gần đây, việc phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa có chiều hướng chững lại do một số nguyên nhân như: nắng hạn kéo dài; cơn bão số 12 năm 2017 làm hư hại một số cơ sở nhân nuôi của nông dân; tuy được tập huấn nhưng nông dân nhân nuôi, phóng thích không liên tục; vẫn còn một số trường hợp nông dân sử dụng thuốc hóa học trên vườn dừa đã thả bọ đuôi kìm khiến cho quần thể bọ đuôi kìm khó phát triển…


Bà Huỳnh Thị Ngọc Chi - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng BVTV, Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, việc nhân nuôi bọ đuôi kìm hiện nay là giải pháp hàng đầu nhằm bảo vệ những vườn dừa. Hàng năm, chi cục mở 6 lớp tập huấn cho nông dân các địa phương hướng dẫn kỹ thuật nhân nuôi và phóng thích bọ đuôi kìm. Phương pháp nuôi mới có hệ số nhân nuôi cao hơn, kỹ thuật khá đơn giản và dễ áp dụng. Thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục tập huấn cho nông dân, triển khai và nhân rộng mô hình.


Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi cục đã xây dựng kế hoạch “Ứng dụng biện pháp sinh học phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa, giai đoạn 2017 - 2020”. Theo đó, đến năm 2020, xây dựng 50 cơ sở nhân nuôi tại các hộ trồng dừa ở các địa phương trong tỉnh. Người dân được hỗ trợ 100% giống, vật tư, thường xuyên có cán bộ kỹ thuật đến nhà hướng dẫn, hỗ trợ. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 50 cơ sở, đạt mục tiêu đề ra. Tổng số bọ đuôi kìm nhân nuôi là 165.000 con, phóng thích hơn 135.000 con, đạt mật độ 10 - 15 con/cây, tương đương số lượng thả trên 50ha dừa. Nhiều khu vực bọ cánh cứng gây hại nặng đã hồi sinh như: khu vực công viên bờ biển Nha Trang, các vườn dừa của người dân ở Xuân Sơn, Vạn Hưng (Vạn Ninh), Vĩnh Ngọc (Nha Trang), Cam Thịnh Đông (Cam Ranh)… Giai đoạn 2, chi cục tiếp tục duy trì các cơ sở này để tạo nguồn giống bọ đuôi kìm lan tỏa, góp phần bảo vệ, giữ gìn màu xanh cho các vườn dừa, chống lại sự xâm hại của bọ cánh cứng.


V.L