09:04, 18/04/2019

Nắng nóng, nhiều nơi thiếu nước

Tuy các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đang có mức nước đủ dùng, nhưng với tình hình nắng nóng, cùng dự báo thời tiết khô hạn sẽ tiếp tục kéo dài, việc tiết kiệm nước đang là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu hiện nay.

Tuy các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đang có mức nước đủ dùng, nhưng với tình hình nắng nóng, cùng dự báo thời tiết khô hạn sẽ tiếp tục kéo dài, việc tiết kiệm nước đang là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu hiện nay.
 
Thiếu nước cục bộ
 
Thời gian này, chính quyền và người dân huyện Khánh Sơn đang phải đối diện với không ít khó khăn do nguồn nước trên các sông suối giảm mạnh. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn hầu như không có mưa nên mực nước các con suối đã thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Một số suối nhỏ thậm chí đã cạn khô. Vì vậy, cuối tháng 3, huyện đã có công văn đề xuất tỉnh hỗ trợ địa phương hơn 1,2 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp như: đào 20 ao chứa nước, tổ chức nạo vét các ao, đập hiện hữu; tổ chức ngăn dòng tích nước; trang bị bơm nước. Trên cơ sở đề xuất này, ngày 10-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng một số sở, ngành đã phối hợp với UBND huyện Khánh Sơn tổ chức khảo sát thực tế.
 

 

Nhiều nơi ở huyện Khánh Sơn đang đào ao tích trữ nước.

Nhiều nơi ở huyện Khánh Sơn đang đào ao tích trữ nước.

 
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh, qua khảo sát cho thấy, tình hình khô hạn ở Khánh Sơn đang ngày một gay gắt hơn, đặc biệt là các địa phương có diện tích cây ăn quả lớn như: Sơn Bình, Sơn Lâm, Sơn Hiệp… Khu vực này đang đối diện với nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thậm chí nhiều khu vực đã bắt đầu thiếu nước sinh hoạt. 
 
Tại huyện Cam Lâm, tuy có nhiều hồ chứa nước như: hồ Tà Rục, Cam Ranh, Suối Dầu… nhưng không ít xã hệ thống kênh thủy lợi chưa phủ tới, một số xã dù đã được hưởng lợi từ hạ du các hồ chứa nhưng nhiều công trình kênh mương đang hư hỏng, giảm khả năng cung cấp nước nên nhiều hộ đã phải đầu tư khoan giếng, đào ao để tích trữ nước. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, kế hoạch ứng phó với nắng hạn đã được huyện triển khai. Trong đó, cùng với việc điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, các đoạn kè, kênh mương nội đồng bị hư hỏng đã được lên kế hoạch tu sửa, khắc phục.
 
Các xã cánh tây thị xã Ninh Hòa cũng đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi nắng hạn do nguồn nước hạn chế, trong khi hồ thủy điện EaKrongRou không phục vụ mục đích chính cho tưới tiêu, hồ Đá Bàn với sức chứa lớn nhất tỉnh cũng đang giảm lượng nước đáng kể. Hồ Đá Bàn khả năng chứa được 75 triệu m3 nước, vào tháng 2-2019, hồ có gần 58 triệu m3 nước, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 45 triệu m3 nước. Hồ Suối Trầu đã từng đầy ắp nước, vượt ngưỡng tràn vào đầu năm hiện cũng chỉ còn 47% lượng nước.
 
Tập trung chống hạn
 
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, tình hình nắng hạn năm nay sẽ gay gắt hơn so với mọi năm. Nhiệt độ trung bình từ tháng 4 đến tháng 8-2019 trên toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 1,00C. Nắng nóng xuất hiện sớm và kéo dài hơn. Mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn. Ở khu vực Nam Trung bộ, tổng lượng mưa từ tháng 4 đến tháng 8-2019 sẽ ít hơn so với trung bình nhiều năm, nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng cửa sông.
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 31 hồ chứa nước, hồ thủy điện, tổng sức chứa là 250 triệu m3. Tuy nhiên, số lượng hồ chứa lớn, có khả năng chứa hơn 10 triệu m3 không nhiều. Những hồ chứa lớn như: Hoa Sơn, Đá Bàn, Cam Ranh, Suối Dầu, Tà Rục… hầu hết đều rộng về diện tích, nhưng lại hạn chế về chiều sâu, vì vậy mức độ bốc hơi bề mặt lớn, các hồ nhanh cạn khi xảy ra nắng nóng. Ngoài ra, do liên tiếp hứng chịu mưa bão trong 2 năm 2017 và 2018, nhiều hệ thống kênh mương đã lún sụp, hư hỏng, ảnh hưởng đến hiệu quả cấp nước. Vì vậy, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng tổ chức theo dõi sát sao thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để vận hành tích nước các hồ đập, đảm bảo nước phục vụ sinh hoạt, công nghiệp, sản xuất nông nghiệp; thường xuyên cập nhật tình hình mực nước tại các hồ chứa, sông suối để chủ động triển khai các giải pháp tiết kiệm nước; thực hiện các giải pháp công trình như: đào ao, khoan giếng, sửa chữa, nâng cấp, nạo vét hệ thống kênh mương, các cửa lấy nước, trạm bơm tưới…
 
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan triển khai quyết liệt những giải pháp chống hạn. Đồng thời tổng hợp, trình UBND xem xét hỗ trợ kinh phí cho các địa phương đầu tư các công trình chống hạn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do nắng hạn gây ra.
 
Hồng Đăng