11:09, 10/09/2017

Khánh Vĩnh: Nỗ lực tạo việc làm cho người dân

Trước đây, công tác giải quyết việc làm cho người lao động ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) gặp nhiều khó khăn do người dân ngại đi làm xa. 

Trước đây, công tác giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) gặp nhiều khó khăn do người dân ngại đi làm xa. Thế nhưng, thời gian qua, bằng nhiều giải pháp tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến tích cực, giúp NLĐ nhận thức được vấn đề có việc làm mới ổn định cuộc sống.


Ông Nguyễn Thu - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Khánh Vĩnh cho biết, trên địa bàn huyện chỉ có một vài doanh nghiệp (DN) nhỏ nên nhu cầu tuyển dụng lao động hàng năm rất ít. Đồng thời, phần lớn người dân địa phương là đồng bào dân tộc thiểu số nên những năm trước đây, công tác giải quyết việc làm là vấn đề nan giải của huyện. Để giúp người dân có việc làm, huyện đã tổ chức dạy nghề và liên kết với một số DN ở TP. Hồ Chí Minh ra tận nơi tuyển dụng rồi đưa đi làm việc với mức lương hơn 5 triệu đồng/người/tháng lo ăn, ở, đưa đón. Thế nhưng, họ chỉ làm được một thời gian ngắn thì bỏ về với lý do ngại đi làm xa nhà.

 

Trước thực trạng đó, huyện Khánh Vĩnh đã đưa ra nhiều giải pháp để NLĐ thay đổi suy nghĩ, thấy được lợi ích của việc làm. Cụ thể, nắm bắt được nhu cầu cần nhân lực của một số công ty ở Khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm), lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh đã trực tiếp liên hệ và vận động DN tạo điều kiện tuyển dụng lao động địa phương. Sau đó, huyện giao trách nhiệm cho các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đến tận những hộ có người trong độ tuổi lao động để giải thích, vận động. Nhờ đó, hiện nay, đã có hơn 200 NLĐ xin đi làm việc tại 2 DN là Công ty TNHH Thông Thuận và Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu với mức lương hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Để tạo thuận lợi cho NLĐ đi lại, 2 DN này đã bố trí xe đưa đón tận nơi, hỗ trợ ăn trưa; hàng tuần đều cho NLĐ ứng lương để họ có điều kiện lo cho gia đình. Bà Cà Thị Nương (xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh) cho biết: “Trước đây, tôi đi làm thuê, làm mướn mỗi ngày được 60.000 đồng nên cuộc sống rất vất vả. Từ khi được đi làm công ty, có xe đưa đón hàng ngày, có tiền lo cho gia đình, tôi rất mừng”.

 

Dạy nghề mộc tại Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Khánh Vĩnh

Dạy nghề mộc tại Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Khánh Vĩnh

 

Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, từ đầu năm đến nay, huyện đã giải quyết việc làm cho gần 400 người, vượt 138,9% so với kế hoạch. Bên cạnh đó, huyện còn kịp thời giải quyết cho 37 NLĐ vay hơn 4 tỷ đồng từ Chương trình Quỹ quốc gia việc làm để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, thực hiện đề án hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, toàn huyện đã có 12 người đăng ký đi làm việc với thời hạn 5 năm tại Nhật Bản. Hiện nay, có 3 người đã làm xong các thủ tục, học tiếng và chuẩn bị xuất cảnh vào tháng 11-2017. Ông Nguyễn Thu cho biết: “Lần đầu tiên trên địa bàn huyện có NLĐ đăng ký đi làm việc ở nước ngoài. Điều này cho thấy bước chuyển biến và sự nỗ lực của các cấp, ngành trong huyện. Từ số lao động này, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng để mọi người dân thấy được lợi ích khi đi làm việc”.


Ông Lê Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, hiện nay, Cụm công nghiệp Sông Cầu đang khẩn trương thi công, dự kiến hoàn thành vào quý III/2018. Cụm công nghiệp này có diện tích khoảng 40ha, là nơi tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ, các ngành công nghiệp sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ mới như: chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, cơ khí sửa chữa máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến nông lâm sản... Đây là những ngành nghề truyền thống ở địa phương sẽ được ưu tiên phát triển. “Sau khi hoàn thiện, trước mắt nơi đây có 9 DN hoạt động và sẽ cần một số lượng lớn lao động, nhất là lao động địa phương. Do vậy, huyện đang rất kỳ vọng vào cụm công nghiệp này”, ông Hoa cho hay.


PHÚ VINH