09:05, 10/05/2017

Sẽ lắp đặt thêm các trạm đo mưa

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa đồng ý cho phép cơ quan chức năng lắp đặt thêm 16 trạm đo mưa tự động trên toàn tỉnh để phục vụ tốt hơn cho công tác khí tượng, cảnh báo thiên tai.

 

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa đồng ý cho phép cơ quan chức năng lắp đặt thêm 16 trạm đo mưa tự động trên toàn tỉnh để phục vụ tốt hơn cho công tác khí tượng, cảnh báo thiên tai.


Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), toàn tỉnh chỉ có 8 trạm đo mưa, trong đó bố trí ở huyện Vạn Ninh 1 trạm, huyện Khánh Sơn 1, thị xã Ninh Hòa 3 và huyện Khánh Vĩnh 3. Đồng thời, toàn tỉnh mới có 4 trạm khí tượng đặt ở TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh, TP. Cam Ranh và Ninh Hòa. So với diện tích của tỉnh, số lượng trạm đo mưa như vậy là quá thưa thớt, chưa đáp ứng được nhu cầu cung cấp số liệu mưa cụ thể của từng khu vực.

 

Đo đạc thời tiết tại trạm khí tượng Nha Trang
Đo đạc thời tiết tại trạm khí tượng Nha Trang

 

Được biết, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường đầu tư kinh phí để thực hiện “Dự án xây dựng mạng lưới trạm đo mưa phục vụ công tác dự báo”, trong đó Khánh Hòa được đề xuất lắp đặt trạm đo mưa ở 33 vị trí. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án này chưa được triển khai. Vì thế, trước mắt, Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh xin chủ trương cho phép lắp đặt 16 trạm đo mưa nằm trong 33 trạm đo mưa đã được quy hoạch.


Tại cuộc họp giữa UBND tỉnh với các sở, ngành, đơn vị liên quan vào sáng 10-5, do ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, Sở NN-PTNT đã trình UBND tỉnh phương án lắp đặt thêm trạm đo mưa và hình thức vận hành các trạm này. Theo đó, 16 trạm đo mưa với kinh phí khoảng 3,2 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC), đơn vị chuyên lắp đặt, vận hành các trạm đo mưa tự động chuyên dùng đảm trách, bao gồm cả kinh phí lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng… Sau khi hoàn thiện việc lắp đặt thiết bị, phía WATEC sẽ cung cấp toàn bộ số liệu đo được cho phía sử dụng, bao gồm: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ, Sở Tài nguyên Môi trường… để quản lý, điều hành hệ thống đo mưa, khai thác số liệu lượng mưa… phục vụ cho công tác ứng phó với mưa lũ, dự báo khí tượng thủy văn… Toàn bộ dữ liệu đo đạc được sẽ cung cấp cho các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND tỉnh chịu kinh phí theo hình thức mua dữ liệu đo đạc này. Kinh phí để thực hiện hợp đồng thuê cung cấp dữ liệu của 16 trạm đo mưa này mỗi năm khoảng 230 triệu đồng. Khi được thông qua, nguồn ngân sách sẽ dùng từ Quỹ phòng chống thiên tai của tỉnh.

 

Đo mực nước trên sông cái Nha Trang

Đo mực nước trên sông cái Nha Trang


Tại cuộc họp, theo lãnh đạo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ và một số sở, ngành liên quan, việc bổ sung lắp đặt các trạm đo mưa hết sức cần thiết, nhất là tại các khu vực trọng yếu như: đầu nguồn các con sông, hồ chứa nước nhằm chủ động hơn trong việc nắm bắt lượng mưa, từ đó tính toán ra được lưu lượng dòng chảy một cách kịp thời để phục vụ cho công tác ứng phó với mưa lũ tốt hơn. Đồng thời, kết quả của hoạt động đo mưa còn phục vụ cho công tác dự báo thời tiết trong thời gian tiếp theo. Vì vậy, một khi công tác dự báo, cảnh báo được nâng lên và có độ chính xác cao hơn thì sẽ hạn chế được những thiệt hại do thiên tai gây ra.


Dự kiến, trong số 16 trạm đo mưa được bổ sung trên toàn tỉnh, sẽ có 4 trạm được lắp đặt tại Khánh Vĩnh và 4 trạm tại Ninh Hòa, nâng số trạm tại 2 địa phương này lên con số 14. Đây là việc làm cần thiết, bởi trong thời gian qua, do việc nắm bắt tình hình mưa lũ chưa thật sự chủ động, phần lớn là do chưa có các trạm đo mưa được phân bổ với mật độ cần thiết nên công tác đo lường, dự báo mưa còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, các hồ chứa nước, thủy điện cũng bị động trong việc điều tiết mực nước kịp thời, hợp lý. Trong khi đó, Ninh Hòa và Khánh Vĩnh là 2 địa phương đầu nguồn của các con sông lớn và có hệ thống thủy điện nên công tác đánh giá, dự báo khí tượng cần được quan tâm nhiều hơn.


Sau khi nghe ý kiến của các sở, ngành, ông Đào Công Thiên đã kết luận: Đồng ý với chủ trương bổ sung 16 trạm đo mưa theo hình thức mà Sở NN-PTNT đề xuất. Trước mắt, giao Sở NN-PTNT làm việc với các sở, ngành liên quan và nhà đầu tư để hoàn thiện toàn bộ các thủ tục theo quy định của pháp luật, trình UBND tỉnh để ký kết với nhà đầu tư thực hiện dự án này dưới hình thức thí điểm trong vòng 3 năm. Sau thời gian đó, tiến hành đánh giá hiệu quả của dự án để tính toán các bước tiếp theo.


H.Đ