04:06, 15/06/2013

Thiệt đơn, thiệt kép

Cho rằng người mua bảo hiểm kê khai không chính xác trước khi ký hợp đồng bảo hiểm, Công ty bán bảo hiểm từ chối chi trả bảo hiểm họ khi gặp rủi ro. Thậm chí, ngay cả khoản tiền đã đóng cũng bị mất trắng. Người mua bảo hiểm thiệt đơn, thiệt kép là quá rõ. Tuy nhiên, dư luận cũng thắc mắc về trách nhiệm của bên bán bảo hiểm…

Cho rằng người mua bảo hiểm (BH) kê khai không chính xác trước khi ký hợp đồng BH, Công ty bán BH từ chối chi trả BH họ khi gặp rủi ro. Thậm chí, ngay cả khoản tiền đã đóng cũng bị mất trắng. Người mua BH thiệt đơn, thiệt kép là quá rõ. Tuy nhiên, dư luận cũng thắc mắc về trách nhiệm của bên bán BH…


Theo đơn khiếu nại của bà Trần Thị Lẫm (trú Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang), vào năm 2008, chồng bà là ông Phạm Đức Hưng mua BH nhân thọ của Công ty Bảo Việt Nhân thọ (BVNT) Khánh Hòa. Đến năm 2011, ông Hưng phát bệnh và được chẩn đoán bị xơ gan giai đoạn đầu. Suốt một thời gian dài, chồng bà được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa và Bệnh viện Quân y 87. Tháng 4-2013, chồng bà qua đời vì bệnh xơ gan.


Bà Lẫm đem hợp đồng BH đến BVNT Khánh Hòa để thanh toán BH nhưng không được. BVNT giải thích, chồng bà đã khai báo không trung thực về bệnh tật trước lúc ký hợp đồng. Bà Lẫm không đồng tình, bởi trước khi bán BH, nhân viên Công ty đã đưa chồng bà đi khám bệnh. Qua kết quả khám, chồng bà có bị bệnh nhẹ và nhân viên Công ty vẫn chấp nhận bán BH.


Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, loại BH mà ông Phạm Đức Hưng mua của BVNT Khánh Hòa là loại BH An khang Trường thọ (BH trọn đời). Thời gian BH là 15 năm (2008 đến 2023) với mức phí gần 200.000 đồng/kỳ. Trong thời gian BH, nếu người được BH gặp tai nạn hay tử vong do bệnh tật sẽ được chi trả số tiền hơn 36 triệu đồng. Trước khi ký hợp đồng, ông Hưng có làm giấy yêu cầu mua BH. Tại phần kê khai về tình trạng sức khỏe (bắt buộc), ông Hưng khai không mắc bất cứ chứng bệnh gì.


BVNT cũng đã đưa ông Hưng đi khám bệnh tổng quát nhưng không phát hiện ra bệnh. Ngày 21-2-2008, 2 bên chính thức ký hợp đồng BH và ông Hưng đã đóng hơn 10 triệu đồng tiền phí.


Bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên - Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng BVNT Khánh Hòa cho biết: “Ngay sau khi ông Hưng mất, gia đình ông có đem hồ sơ lên để thanh toán tiền BH. Phía BVNT đã nhanh chóng hoàn tất thủ tục chuyển ra Tổng Công ty để chi trả tiền cho người tham gia BH. Tuy nhiên, trong quá trình sao hồ sơ lưu bệnh án, BVNT Khánh Hòa phát hiện trước ngày tham gia BH, ông Hưng từng nằm điều trị 10 ngày tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh với các biểu hiện áp huyết cao, viêm gan B và viêm túi mật. Tuy bị bệnh như vậy nhưng khi kê khai về sức khỏe bản thân, người tham gia BH đã cố tình không kê khai thông tin này. Căn cứ điều khoản trong hợp đồng thì BVNT Khánh Hòa không trả BH và cũng không hoàn trả phí BH về những rủi ro đã phát sinh. BVNT Khánh Hòa đã gặp trực tiếp bà Lẫm để giải thích.


Bà Duyên cho hay: “Nếu thời điểm đó, BVNT biết được ông Hưng bị bệnh viêm gan B và áp huyết cao thì chắc chắn phía Bảo Việt sẽ không ký hợp đồng BH. Bởi theo quy định của Tổng Công ty Bảo Việt, người cùng một lúc vừa bị áp huyết cao vừa bị viêm gan B sẽ không thuộc đối tượng được BH. Tuy trước khi hợp đồng được ký kết, BVNT Khánh Hòa có đưa ông Hưng đi khám bệnh tổng quát nhưng chúng tôi không phát hiện bệnh vì người tham gia BH mới trải qua một đợt điều trị dài ngày. Việc ông Hưng không được chi trả tiền BH là trường hợp đáng tiếc. Bản thân chúng tôi cũng rất áy náy nhưng biết làm sao được khi phải tuân thủ các điều khoản hợp đồng mà Tổng Công ty BVNT đề ra”. Vậy nhưng, khi nghe được những thông tin này, bà Trần Thị Lẫm lại khẳng định: “Trước khi ký hợp đồng với Bảo Việt, chồng tôi chưa hề bị bệnh cao áp huyết và viêm gan B. Bệnh tình chỉ mới phát hiện vào năm 2011”.


Đối chiếu các quy định cũng như hồ sơ bệnh án, BVNT Khánh Hòa từ chối không chi trả tiền BH cho gia đình ông Phạm Đức Hưng là có lý do của mình. Tuy nhiên, trong sự việc này, nổi lên một số vấn đề:


Thứ nhất, việc người mua BH có thể kê khai không đúng nhưng công ty bán BH cũng phải thẩm tra để hạn chế rủi ro. Vì thế, kết quả khám bệnh là cơ sở pháp lý để 2 bên ký kết hợp đồng và khi rủi ro xảy ra, kết quả khám bệnh này có giá trị đến đâu? Công ty bán BH không thể đổ hết trách nhiệm cho khách hàng vì trước khi hợp đồng được ký kết, BVNT Khánh Hòa đã đưa ông Hưng đi khám bệnh tổng quát.


Thứ hai, xét về mặt pháp luật, hợp đồng của các bên thực chất là quan hệ về kinh tế. Bên bán và bên mua BH đều bình đẳng với nhau về mặt pháp luật. Vì thế, khi có tranh chấp xảy ra, phía BVNT vận dụng các điều lệ của Tổng Công ty và các quy định của hợp đồng, song phía mua BH không đồng ý, thì có thể nhờ Tòa án phân xử bởi điều lệ hay điều khoản hợp đồng đều phải tuân thủ những quy định về pháp luật.


Qua trường hợp này, có thể thấy, khách hàng khi mua BH thường không nắm được các điều khoản ràng buộc nên thường kê khai mang tính chiếu lệ. Bản thân các tư vấn viên cũng không giải thích rõ ràng mà chỉ cốt bán được sản phẩm BH. Chính vì vậy, có không ít trường hợp người mua BH đã phải chịu thiệt thòi khi gặp rủi ro. Do đó, trước khi mua sản phẩm BH, người tham gia cần tìm hiểu thấu đáo các điều khoản trong hợp đồng để tránh những vướng mắc về sau.


Đình Lâm