10:06, 16/06/2013

Nan giải với ô nhiễm

Cảnh những khu nhà chồ đầy rác hay các hộ chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư đang những là vấn đề nan giải về môi trường của TP. Nha Trang, nhưng để giải quyết được tình trạng này lại không hề đơn giản…

Cảnh những khu nhà chồ đầy rác hay các hộ chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư đang những là vấn đề nan giải về môi trường của TP. Nha Trang, nhưng để giải quyết được tình trạng này lại không hề đơn giản…


Ô nhiễm vì  thói quen  xả rác


Hiện nay, khu nhà chồ ở các phường Vĩnh Phước, Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang) là những khu vực bị đang ô nhiễm. Chỉ tính riêng phường Vĩnh Phước, có đến vài trăm hộ ở nhà chồ. Loanh quanh trong những con hẻm như khu bàn cờ, mỗi con đường dẫn ra sông đều tràn ngập rác thải. Ven đường, rồi dưới gầm của những căn nhà chồ, đâu đâu cũng thấy rác. Hộp giấy, túi ni-lông và rất nhiều loại rác thải sinh hoạt khác vương vãi khắp nơi, chực chờ dòng nước sông đen ngòm tràn lên cuốn trôi. Ông Lê Văn Em (Tổ trưởng tổ dân phố 6 Hà Ra, phường Vĩnh Phước) cho biết: “Do đường sá đi lại trong khu vực ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp, xe rác không thể vào tận nơi thu gom nên người dân ở nhà chồ thường xả thẳng rác ra khu vực mình sinh sống. Tuy được nhắc nhở nhiều, nhưng phần vì tập quán sinh hoạt lâu đời, phần vì nhận thức về tác hại của ô nhiễm môi trường còn hạn chế nên người dân vẫn xả thải dưới sàn nhà hay vứt rác xuống sông. Chúng tôi chỉ có thể khuyến khích người dân tự ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống của mình nhưng xem ra cũng chẳng ăn thua”.


Ông Cao Chín (tổ 6 Hà Ra, phường Vĩnh Phước), gần nửa cuộc đời sống ở nhà chồ cho biết: “Người dân sinh sống ở nhà chồ chủ yếu làm nghề biển. Vì thế, họ định cư gần biển, gần sông để tiện mưu sinh. Xã hội phát triển, người dân đã được dùng nước máy thay cho nguồn nước giếng, nước sông trước kia. Thế nhưng, thói quen xả thải xuống dòng sông của người dân nơi đây vẫn chưa thay đổi”. Có một điểm chung, ở các khu nhà chồ dường như không nhà nào có nhà vệ sinh tự hoại. Tất cả mọi nhu cầu vệ sinh cá nhân đều được xả thẳng xuống sông Cái hoặc xuống biển, ngay bên dưới nơi ở của các hộ dân. Điều này khiến cho môi trường ở đây vốn đã ô nhiễm nay càng ô nhiễm nghiêm trọng. Thói quen xả thải của người dân khiến cho họ đứng trước nhiều nguy cơ bệnh tật do môi trường sống ô nhiễm.


Đã nhiều năm nay, vấn đề ô nhiễm từ những khu nhà chồ đang là bài toán khá hóc búa đối với cơ quan chức năng. Ông Huỳnh Kỳ Trầm - Trưởng Ban quản lý Dự án các công trình trọng điểm tỉnh cho biết: “Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm ở khu vực nhà chồ thì chúng ta phải xây dựng bờ kè ở khu vực này, hoặc phải giải tỏa toàn bộ dân cư ở đây đi nơi khác. Vấn đề này lâu nay là điều mong mỏi của nhiều cấp lãnh đạo. Tuy nhiên, cái khó ở đây là vấn đề về vốn. Muốn xây dựng bờ kè phải mất khoảng 500 tỷ đồng, còn để di dân thì phải có khoảng 1.000 tỷ đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ trong điều kiện kinh tế hiện nay”.

 Nhiều hộ dân ở khu vực nhà chồ phường Vĩnh Phước đang sống trong điều kiện ô nhiễm.
Nhiều hộ dân ở khu vực nhà chồ phường Vĩnh Phước đang sống trong điều kiện ô nhiễm.


Chăn nuôi trong khu dân cư


Dù không phải là đại trà, tại các phường Vạn Thắng, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hải, Phước Long, Phước Hải... hiện vẫn đang tồn tại tình trạng chăn nuôi xen lẫn trong khu dân cư. Điều này cũng đã gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, phần lớn các hộ chăn nuôi đều không có hệ thống xử lý chất thải theo quy chuẩn khiến cho những người dân sống xung quanh phải gánh chịu mùi hôi thối khó chịu. Cá biệt, có những hộ chăn nuôi heo hàng ngày còn xả thẳng chất thải không được xử lý trực tiếp vào hệ thống thoát nước, kênh mương trong vùng. Điều này khiến nguy cơ về bệnh tiêu chảy, bệnh về mắt và các bệnh ngoài da rất cao. Ô nhiễm do chất thải chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng nặng tới môi trường sống dân cư mà còn gây ô nhiễm nguồn nước cũng như tài nguyên đất. Ông Phạm Văn Phước (trú tổ 22, Tây Bắc, phường Vĩnh Hải) bức xúc: “Ở phường tôi, hiện vẫn còn nhiều hộ gia đình chăn nuôi heo trong khu dân cư. Đa số các gia đình này đều sử dụng bể chứa lộ thiên gây mùi hôi thối rất khó chịu. Nhiều khi vì tình nghĩa xóm giềng chúng tôi cũng phải cố chịu đựng, nhưng cứ sống trong môi trường như vậy thì thật sự không thể chịu được”. Bà Huỳnh Thị Thông cũng cho biết: “Ngay trong thành phố mà người ta chăn nuôi heo là không thể chấp nhận được. Bản thân gia đình tôi có một nhà trọ ở phường Vạn Thắng, nhưng do bên cạnh có một hộ nuôi heo nên không ai dám thuê. Hàng ngày, mùi hôi thối bốc lên từ hộ chăn nuôi này khiến những gia đình xung quanh rất khó chịu”. Được biết, hiện nay ở xã Phước Đồng có hàng trăm hộ nuôi heo. Trong số đó, chỉ một số gia đình xây hầm biogas, còn lại vẫn sử dụng bể chứa lộ thiên để chứa chất thải chăn nuôi. Cá biệt, có hộ còn xả thẳng chất thải ra suối, gây ô nhiễm môi trường.


Tuy Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Nha Trang liên tục kiểm tra và xử lý, song rất khó để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Ông Nguyễn Chí Danh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Phòng Tài nguyên và Môi trường thường xuyên thành lập các đội liên ngành để kiểm tra các hộ gia đình chăn nuôi trong khu dân cư. Phòng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giám sát nhằm hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm từ các hộ chăn nuôi. Nếu có điện báo của người dân hoặc báo cáo của các phường là chúng tôi ngay lập tức cử cán bộ xuống hiện trường để kiểm tra. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng này là không hề đơn giản”. Việc chăn nuôi trong khu dân cư, gây ô nhiễm là không được phép, tuy nhiên hiện vẫn chưa có một khu chăn nuôi tập trung nên cấm hẳn người dân chăn nuôi là việc làm rất khó. Tuy quy chuẩn kỹ thuật về công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, giết mổ đã được bổ sung nhưng còn thiếu và bất cập. Các biện pháp xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường còn thiếu, bất cập. Chính điều này gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thực hiện. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền phổ biến các văn bản luật  chưa kịp thời, sâu rộng và sự thực thi chưa được triệt để nên tình trạng chăn nuôi tự phát gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra.


Đã đến lúc cần phải giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường từ những khu nhà chồ và các hộ chăn nuôi tự phát. Trước khi làm dứt điểm, trước mắt, chính quyền địa phương cần có những giải pháp để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường như hiện nay.


Đình Lâm