11:05, 31/05/2013

Tạo điều kiện để thoát nghèo

Thực hiện Quyết định 596 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở miền núi, 2 năm qua, huyện Khánh Sơn đã có hơn 3.000 lượt hộ nghèo được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, cải thiện đời sống.

Thực hiện Quyết định 596 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở miền núi, 2 năm qua, huyện Khánh Sơn đã có hơn 3.000 lượt hộ nghèo được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, cải thiện đời sống.


Quyết tâm để xóa nghèo


Hộ ông Cao Văn Xiếng (thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp) thuộc diện nghèo, các con ở xa, nhà chỉ còn hai ông bà già yếu. Cũng như nhiều hộ nghèo khác trong thôn, ông vừa được cấp hỗ trợ giống bắp VN 10 và lúa Ma Lâm 48 để gieo trồng vụ Hè Thu. Nhờ đó, gia đình ông có điều kiện sản xuất kịp thời ngay sau khi thời tiết có mưa. Ông Xiếng tâm sự: “Năm trước, khi trồng bắp xong, xã mới cấp giống nên không kịp thời vụ. Năm nay, Nhà nước đầu tư giống bắp sớm nên rất thuận lợi. Hiện nay, bà con đã trồng xong, tôi và người dân trong thôn quyết tâm phát triển sản xuất để thoát đói nghèo”.

1
Năng suất cây trồng của hầu hết người dân đều đạt thấp.


Nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 596, trước khi cấp các loại giống vật tư nông nghiệp cho người dân, UBND các xã, thị trấn đã chỉ đạo các thôn tổ chức họp dân để người dân tự nguyện đăng ký xin hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu và điều kiện sản xuất thực tế của hộ mình. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, đôn đốc người dân gieo trồng cho kịp thời vụ sau khi nhận được nguồn giống.

     
Mức hỗ trợ còn thấp


Tuy việc thực hiện Quyết định 596 đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng đối với nhiều hộ nghèo ở Khánh Sơn, việc hỗ trợ này mới chỉ dừng lại ở cung cấp nguồn giống để người dân trồng trọt, chăn nuôi, còn năng suất, chất lượng cây trồng vẫn rất thấp. Đối với cây lúa và bắp, những năm qua, năng suất thu hoạch chỉ ở mức 30 - 35 tạ/ha.  

1
Cấp giống lúa, bắp cho người dân.


 Những cây ăn quả lâu năm như: sầu riêng, mít nghệ... sinh trưởng, phát triển chậm; còn vật nuôi như: gà H’mông phần lớn chết sau một thời gian ngắn. Nguyên nhân chính là do người dân vẫn giữ thói quen canh tác lạc hậu, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Theo ông Mấu Xuân Thủy - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Khánh Sơn, với mức hỗ trợ hiện nay: 200.000 đồng/người ở khu vực 3; 150.000 đồng/người ở khu vực 2 và 100.000 đồng/ người ở khu vực 1 là quá thấp, chỉ đủ mua muối iốt, giống bắp, lúa, cây ăn quả hoặc vật nuôi. Số tiền còn lại không đáng kể nên không đủ chi phí để đầu tư chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Vì điều kiện khó khăn nên người dân cũng không thể tự bỏ vốn mua phân bón cho cây trồng. Thậm chí, một số diện tích lúa sau khi gieo sạ, nhiều người phó mặc cho trời. Bên cạnh đó, việc nguồn giống được cấp về muộn làm gieo trồng không kịp thời vụ, gặp thời tiết hạn hán cũng là những nguyên nhân dẫn đến năng suất cây trồng đạt thấp. “Giống bắp VN10 chỉ thích hợp ở đất nà, đất soi, nhưng ở một số khu vực như: xã Thành Sơn, người dân lại đem giống bắp này trồng lên đồi cao nên hiệu quả thấp, mặc dù giống này rất tốt. Đối với giống lúa Ma Lâm 48, năm ngoái cho năng suất không đạt do người dân làm theo tập quán, ít bón phân, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Bên cạnh đó, do nguồn giống đến muộn nên bị trễ vụ đầu” - ông Mấu Xuân Thủy cho biết.


Năm 2013, huyện Khánh Sơn có 1.404 hộ nghèo được hỗ trợ giống cây trồng theo Quyết định 596. So với 2 năm trước, năm nay, người dân được cấp giống sớm hơn nên đã xuống giống kịp thời vụ, tuy nhiên chỉ dừng lại ở đó vẫn chưa đủ. Để nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh phát huy hiệu quả, chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể cần tăng cường vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, và điều quan trọng hơn là ý thức tự vươn lên của hộ nghèo, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước.


ĐINH LUẬN