11:07, 05/07/2022

Chuyện về một cây cầu

Những ngày cuối tháng 3 năm nay, người ta thông báo đóng cầu Xóm Bóng để bắt đầu dự án xây cầu mới. Ngay khi hai đầu cầu được gắn bảng cấm xe qua lại, có nhiều người vội vàng chạy ra cầu chụp lại tấm hình cây cầu cũ rồi đăng lên trang mạng xã hội với những dòng tâm trạng bày tỏ sự tiếc nuối.

Những ngày cuối tháng 3 năm nay, người ta thông báo đóng cầu Xóm Bóng để bắt đầu dự án xây cầu mới. Ngay khi hai đầu cầu được gắn bảng cấm xe qua lại, có nhiều người vội vàng chạy ra cầu chụp lại tấm hình cây cầu cũ rồi đăng lên trang mạng xã hội với những dòng tâm trạng bày tỏ sự tiếc nuối. Con người ta cũng kỳ, có những thứ ngay bên cạnh mình, rất gắn bó nhưng nó quá quen thuộc nên hầu như người ta không mấy quan tâm, cũng không thấy thương yêu gì đặc biệt. Nhưng chỉ cần có một chút động tĩnh liên quan đến nó, lập tức ai cũng cảm thấy không cam tâm nếu một ngày không nhìn thấy nó nữa. Đó là tình cảm bình thường của con người, kiểu như ai đó hay nói xa thương gần thường.

 


Làm sao không tiếc nhỉ khi cây cầu đã gắn bó với người Nha Trang hơn nửa thế kỷ rồi. Trong ký ức của nhiều người, cây cầu luôn tồn tại với những hình ảnh tiêu biểu của thành phố. Dòng sông Cái chạy ngang thành phố có hai cây cầu là cầu Hà Ra và cầu Xóm Bóng. Ngày xưa Nha Trang còn rất bé nhỏ, chỉ là một thị xã được biết đến với bờ biển hiền lành thơ mộng. Cũng bởi thành phố nhỏ xíu như thế nên những con đường cũng hẹp và ngắn, cây cầu trở thành xa, từ bên này muốn sang bên kia thành phố phải đi bằng xe lam. Cứ qua con dốc trên đầu cầu là nhìn thấy Tháp Bà Ponagar ẩn hiện trong những tàng lá xanh. Cây cầu không dài cũng không ngắn lắm, đủ để người đi nhìn qua nhìn lại ngắm ghe thuyền ở hai bên bờ sông.


Hồi tôi còn nhỏ, cầu Xóm Bóng không rộng như bây giờ, đầu cầu có cột đèn xanh, đèn đỏ, xe cộ chỉ đi một chiều, xe cộ phía bên này chạy thì bên kia phải dừng lại chờ. Cứ mỗi đêm ba mươi đến sáng mùng một Tết, người dân Nha Trang thường sang Tháp Bà thắp hương nên lưu lượng người qua lại rất đông. Những ngày ấy, cầu thường bị kẹt xe, dòng xe đậu hai bên đường thường kéo dài hết con đường hai bên cầu. Hồi đó ba tôi có một chiếc xe tải, sáng mùng một Tết, ông lấy chiếc xe đó để chở cả nhà ra nghĩa trang Phật học ở đầu phía bắc thành phố, dưới chân đèo Rù Rì để thăm mộ ông bà. Lúc đó chưa có nhiều phương tiện giao thông công cộng như bây giờ, nên chị em chúng tôi rất thích thú khi được du xuân trên cái thùng xe tải của ba, cứ đứng lúc lắc, nghiêng ngả nhìn ra hai bên đường ngắm người xe xuôi ngược. Tôi còn nhớ Tháp Bà vào sáng mùng một Tết rất đông người, đi ngang dưới đường mà vẫn nghe mùi hương của nhang đèn thoang thoảng. Cảm giác của đứa trẻ lúc đó rất khó tả, vừa cảm thấy hào hứng, vừa có chút thành kính trong lòng.


Về sau này, khi lớn thêm chút nữa thì hình ảnh cây cầu Xóm Bóng thường gắn liền với Tháp Bà Ponagar cùng những truyền thuyết về vị nữ thần đầy quyền lực mà tôi hay nghe má kể. Những chuyện đó người Nha Trang nào cũng thuộc lòng và được nhà văn Quách Tấn ghi lại trong tác phẩm Xứ Trầm hương.


Bây giờ thì hai đầu cầu Xóm Bóng đã được đóng lại để người ta dỡ bỏ cây cầu cũ, người dân hai bên đầu cầu muốn ra vào thành phố phải đi vòng qua cầu Trần Phú. Nghe nói bây giờ phía cầu Trần Phú thường bị kẹt xe vì khách du lịch đến Nha Trang đã bắt đầu rất đông. Nhiều người phàn nàn về sự bất tiện này thì ít mà vì tiếc nhớ cây cầu cũ thì nhiều. Ai đã từng sinh ra và lớn lên ở thành phố xinh đẹp này ít nhiều đều có những kỷ niệm với cây cầu ấy.


Cuộc đời như dòng sông chảy qua thành phố, sự thay đổi không thể nào tránh khỏi. Đó là một sự thay đổi tích cực, cây cầu được xây lại mới hơn, vững vàng hơn và có lẽ sẽ đẹp hơn. Trên cây cầu mới, người ta sẽ mắc những dây đèn màu và trong đêm tối cầu Xóm Bóng sẽ lộng lẫy hơn cùng những ánh đèn trong thành phố. Khi đó những người trẻ tuổi sẽ nhìn ngắm cây cầu và theo ngày tháng nó sẽ trở thành biểu tượng cho lứa trẻ con hôm nay nhớ về thành phố của mình. Lúc đó chúng ta khi leo lên những bậc cấp bằng gạch đỏ của Tháp Bà, chọn một góc và nhìn xuống. Thấp thoáng sau tàng phượng đỏ thắm sẽ là cây cầu Xóm Bóng mới, vẫn như một cái gạch nối thẳng băng đẹp đẽ nối liền hai bờ sông Cái.


Và, thành phố của chúng ta bao giờ cũng đẹp.


Lưu Cẩm Vân