10:07, 20/07/2021

Bầy chim sẻ trong công viên bờ biển

Những ngày này, những ngày thành phố giãn cách, còn họ, những đứa con trong lòng thành phố, bỗng một sáng, một chiều bâng quơ nhìn và cảm theo cách của mình. Một lối về quen thuộc, một đôi bóng người quen thuộc, một bầy chim sẻ có lẽ cũng quen nốt. Họ chừng như đang nhớ. Hẳn là nhớ biển, nhớ những thanh âm ồn ã hôm nao… Ừ, thì chỉ là một chút tìm quen…

Những ngày này, những ngày thành phố giãn cách, còn họ, những đứa con trong lòng thành phố, bỗng một sáng, một chiều bâng quơ nhìn và cảm theo cách của mình. Một lối về quen thuộc, một đôi bóng người quen thuộc, một bầy chim sẻ có lẽ cũng quen nốt. Họ chừng như đang nhớ. Hẳn là nhớ biển, nhớ những thanh âm ồn ã hôm nao… Ừ, thì chỉ là một chút tìm quen…

 

Dọc theo công viên bờ biển Nha Trang, hoặc sáng, hoặc chiều, nếu đi dạo ta sẽ gặp rất nhiều chim sẻ. Cứ từng đàn, từng đàn bay nhảy trên những thảm cỏ xanh rờn hay tụ lại, ríu rít trên những ngọn dừa, những ngọn cây bàng, cây tra sum suê cành lá. Thật dễ chịu làm sao, giữa cuộc sống nhộn nhịp, tất bật với những lo toan, những lúc rảnh ra ngồi ở đây, trên chiếc ghế đá, đón từng cơn gió biển và chung quanh là cảnh đàn chim sẻ với những chú chim nho nhỏ, xinh xinh, hiền lành đang lích chích, đùa giỡn với nhau. Đàn chim như góp phần tạo nên sự an lành, như đang kéo ta từ cuộc sống gấp gáp trở lại chậm hơn, tĩnh tại hơn.

 

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet


Không rõ bắt đầu từ ai, nhưng dần dà, một số người đã bắt chước nhau, mang gạo, thóc hoặc cơm khô ra công viên, rải trên những tấm đá. Thế là chim sẻ tụ lại. Có con ban đầu e dè, sợ sệt, chỉ sà xuống mổ vội vàng mấy hạt rồi vỗ cánh bay lên thăm dò. Nhưng tất cả đã quen dần, để rồi từng đàn, từng đàn tụ lại, vừa ăn vừa gọi bạn. Có chú dạn dĩ, lon ton chạy nhảy, cái đầu nghiêng nghiêng như muốn đùa giỡn ngay dưới chân người.


Như nhiều người dân Nha Trang, với chúng tôi, biển là một phần của cuộc sống và công viên quen thuộc chạy dọc theo đường Trần Phú là nơi quá quen thuộc, gần gũi. Sáng đi tắm biển, chiều đi bộ dọc theo những lối nhỏ, chúng tôi như đã thuộc lòng vị trí từng gốc cây, từng chiếc ghế đá. Ở đoạn công viên nằm cạnh nhà hàng Sailing Club, có hai vợ chồng già, ngày nào cũng vậy, cứ hơn 4 giờ chiều, ông cụ lại đèo bà cụ trên chiếc xe máy cũ tới đây cùng một con chó Nhật nhỏ xíu có thắt chiếc nơ màu xanh trên cổ. Lần trước tựa lần sau, trước khi ngồi vào chiếc ghế quen thuộc, bao giờ ông cũng lấy trong túi ra một bọc cơm khô và bước tới, trút xuống một khoảng đất trống giữa đám cỏ xanh rờn. Lạ thật, ông cụ không hề lên tiếng, nhưng có vẻ như đàn chim đã chờ ông, nên khi ông vừa quay đi, từ các ngọn cây, cả bầy bất ngờ sải cánh sà xuống… Thế là hai ông bà vừa nhìn đàn chim vừa trò chuyện, trong khi con chó nhỏ lăng xăng chạy quanh chiếc ghế.


Có lần trò chuyện với ông bà, chúng tôi được biết, cả hai ông bà đều rất thích đàn chim này. Ông bảo, ngày nào, ông bà cũng nấu cơm nhiều hơn một chút. Ăn xong, số còn lại đem phơi, để chiều chiều mang ra biển. Ông còn nói, những ngày mưa bão, không ra biển được, thỉnh thoảng bà lại thở dài, than với ông: “Mưa gió thế này, đám chim sẻ chắc đói lắm!”.


Những ngày này, cả thành phố phải thực hiện giãn cách. Đường phố vắng tanh. Công viên bờ biển cũng vắng bóng người. Nhớ biển, chúng tôi lại nhớ tới những đàn chim sẻ. Có lẽ ông bà cụ có con chó Nhật thắt nơ xanh kia cũng vậy. Chắc ông bà đã để dành nhiều cơm khô lắm rồi, chỉ chờ những ngày hết dịch.


Phi Thanh