05:02, 28/02/2021

Có một thời in ronéo

Một hôm con trai tôi, thế hệ 9X bỗng hỏi: "In ronéo là gì vậy mẹ?". Giải thích cho con về nguyên lý một loại hình in ấn thịnh hành ở Việt Nam từ hơn 30 năm trước, bao nhiêu kỷ niệm ùa về trong tôi.

Một hôm con trai tôi, thế hệ 9X bỗng hỏi: “In ronéo là gì vậy mẹ?”. Giải thích cho con về nguyên lý một loại hình in ấn thịnh hành ở Việt Nam từ hơn 30 năm trước, bao nhiêu kỷ niệm ùa về trong tôi.

 

Lần đầu tiên tôi biết đến hình thức in ronéo vào mùa hè năm lớp 6 (1970 - 1971), Trường Trung học Diên Khánh xuất bản một tập san có tên Mây ngàn. Tuyển tập thơ văn của giáo viên và học sinh trong trường. Khi ấy thầy Lê Viết Minh là người phụ trách chính vì thầy viết chữ bay bướm và vẽ rất đẹp. Niên khóa 1971 - 1972, trường xuất bản đặc san Đi giữa mưa thu, tuyển tập thi ca của liên lớp 10, gồm những bài bình giảng thơ. Chủ biên là thầy Đinh Thư, trình bày chính vẫn là thầy Minh. Tôi còn giữ bản photo tập san Mây ngàn, riêng Đi giữa mưa thu tôi chưa tìm lại được.


Hồi ấy, trong nhà tôi có cây bút stencil để viết trên giấy sáp in ronéo. Thầy Minh viết và vẽ trên giấy stencil làm nên cuốn đặc san có hình thức rất đẹp. Tuy nhiên, kiến thức của tôi khi đó chỉ dừng lại ở tờ giấy stencil và cây bút. Mãi đến khi làm việc ở Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật tôi mới tiếp cận máy in ronéo.


Dòng thời gian ngược trở về thời điểm cơ quan tôi có trụ sở ở 50 Trần Phú - Nha Trang, một biệt thự kiểu Pháp, trong khuôn viên rộng toàn những cây bàng. Đến mùa, lá bàng rơi dày. Khó quên được những chiều thứ Bảy cả cơ quan dọn vệ sinh mà chủ yếu là quét lá bàng rồi gom lại đốt. Vui ơi là vui!

 

 

Nhớ những buổi trưa mùa đông của cái thời “ngủ bàn”, nằm nghe tiếng sóng biển ầm ầm và lạnh thì thôi rồi. Bạn đồng nghiệp nằm co nói chuyện suốt trưa.


Phía sau phòng hành chính có một phòng nhỏ cửa mở ra bên hông tòa nhà, bên trong đặt một máy in ronéo. Văn thư là chị Lộc. Thỉnh thoảng giải lao, tôi đến phòng chị và xem chị in ấn. Sau này, vì yêu cầu công việc, tôi cũng tự in ronéo được. Đầu tiên là đánh máy trên giấy stencil. Phần đầu giấy stencil là bìa cứng có đục lỗ để gắn vào máy ronéo. Có 3 lớp: Giấy sáp màu trắng, giấy than và giấy bìa. Gắn giấy stencil vào máy đánh chữ (không kẹp ru-băng), mục đích đục lỗ giấy sáp. Chữ hiện lên nhờ lớp giấy than. Giấy bìa dày để giữ cho stencil không bị lệch. Sau đó xé bỏ lớp giấy bìa, giấy than, gắn stencil vào máy in ronéo và bôi mực lên rồi quay và đếm. Người đánh máy phải rất cẩn thận không để sai sót, vì sai là hư mất tờ giấy stencil. In cũng vậy, phải chú ý để giấy in ra không bị nhòe chữ, xiên xẹo, gấp nếp…


In ronéo là một nghề “làm ăn” rất được những năm ấy. Ở Thành có nhà sách Hàm Thụ và Nha Trang nổi tiếng có nhà Tiên Ronéo ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thế hệ tôi chắc nhiều người còn nhớ.


Còn nữa, thịnh hành vào giai đoạn từ năm 1976 ở Sài Gòn có nghề in ronéo những bản nhạc trẻ Anh, Pháp... Một tập nhạc khoảng 10 bài. Thế hệ tôi đi học ở Sài Gòn (năm 1977) khó quên được những bến xe có nhiều người bán sách, báo dạo và thêm những tập nhạc này. Những người thích hát hay chơi đàn thường tìm mua những bản nhạc yêu thích.


Rồi máy vi tính bắt đầu đưa vào cơ quan (khoảng năm 1989) với phần mềm tiếng Việt rất “sơ khai” là Vietrex, chạy trên hệ điều hành MS-DOS. Máy đánh chữ nhường chỗ cho máy tính và máy in kim. Hình thức in ronéo vẫn còn. Giấy stencil được in trên máy in kim rồi in ronéo. Chữ trên văn bản đẹp hơn rất nhiều. Cho đến khi Windows thay thế MS-DOS, Vietrex cáo chung và máy ronéo cũng thành cổ vật khi máy photocopy giải quyết nhanh chóng những hạn chế của in Litho (in thạch bản) đầu thế kỷ XX và in ronéo cuối thế kỷ XX.


Tôi nói chuyện với Thanh, bạn tôi làm văn thư ở Sở Xây Dựng từ năm 1976. Bạn kể vanh vách quy trình in ấn ronéo và những kỷ niệm cười đau ruột khi đặt giấy stencil bị ngược in ra 50 văn bản chữ ngược, cứ lo bị sếp mắng.


Dòng thời gian trôi, khó tổng kết hết về sự phát triển của công nghệ. Bạn tôi ở Mỹ, một hôm gửi cho tôi tấm hình một máy vi tính “khổng lồ” vào thập niên 1940 với dòng chú thích: Máy tính này cấu hình thua xa lắc cái điện thoại thông minh bé tí chúng ta đang cầm trong tay bây giờ.


Và, tôi cảm thấy mình thật sự hạnh phúc khi được sống và chứng kiến sự phát triển của công nghệ. Một trong những phép mầu nhiệm của thời gian!


ĐÀO THỊ THANH TUYỀN