09:03, 07/03/2021

Phát huy giá trị di tích Hòn Hèo, Đá Bàn

Ở vùng đất Ninh Hòa, 2 di tích cách mạng Hòn Hèo và Đá Bàn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện, chiến công hiển hách của các thế hệ cha ông trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Việc phát huy giá trị của 2 di tích này có ý nghĩa to lớn đối với thế hệ hôm nay và mai sau.

Ở vùng đất Ninh Hòa, 2 di tích cách mạng Hòn Hèo và Đá Bàn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện, chiến công hiển hách của các thế hệ cha ông trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Việc phát huy giá trị của 2 di tích này có ý nghĩa to lớn đối với thế hệ hôm nay và mai sau.


Nơi ghi dấu son lịch sử


Theo tài liệu ghi lại, Hòn Hèo có tổng diện tích gần 200km2, chủ yếu thuộc địa phận các xã: Ninh Vân, Ninh Phước, Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hòn Hèo là chỗ dựa vững chắc của cơ quan lãnh đạo, nơi trú quân an toàn của các đơn vị vũ trang. Dựa vào căn cứ Hòn Hèo, quân ta đã tổ chức nhiều cuộc tấn công quy mô vào quân Pháp và gây cho chúng nhiều thiệt hại. Đến giữa năm 1948, Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh, Mặt trận Việt minh tỉnh, Tỉnh đội và các ngành của tỉnh dời về căn cứ Hòn Hèo. Tháng 3-1950, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần 1 với gần 150 đại biểu tổ chức tại Hòn Ngang (thuộc căn cứ Hòn Hèo), ông Tôn Thất Vỹ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Đến tháng 3-1951, do tình hình cuộc kháng chiến đang lên cao, Hòn Hèo không còn đủ tầm phục vụ, vì vậy, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chuyển các cơ quan lãnh đạo của tỉnh, huyện về căn cứ Đá Bàn.

 

Bia lưu niệm đặt tại khu vực căn cứ cách mạng Đá Bàn.

Bia lưu niệm đặt tại khu vực căn cứ cách mạng Đá Bàn.


Việc chọn Đá Bàn làm căn cứ kháng chiến, đồng thời mở thêm các tuyến đường Dốc Nón, Dốc Chanh đã giúp việc liên lạc với Liên khu V và các địa phương trong vùng tự do Khu V được thuận lợi hơn. Tại căn cứ Đá Bàn, lực lượng của ta đã tăng gia sản xuất trồng các loại cây lương thực nên căn bản giải quyết được nạn đói cho cán bộ và nhân dân trong căn cứ. Tháng 12-1951, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 2 tổ chức tại căn cứ Đá Bàn đã khẳng định sự đúng đắn và tác dụng to lớn của việc di chuyển đến căn cứ mới. Ngày 16-6-1953, tại căn cứ Đá Bàn đã khai mạc Đại hội mừng công, bầu chiến sĩ thi đua cấp huyện, tỉnh và chọn 6 người đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua Liên khu V.


Đúng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng năm nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận di tích lịch sử cách mạng đối với 2 di tích Hòn Hèo và Đá Bàn. Đây là niềm vui đối với chính quyền, nhân dân các xã: Ninh Phú, Ninh Vân, Ninh Phước, Ninh Sơn. “Chúng tôi đã nhận được bằng xếp hạng di tích và quyết định công nhận di tích cấp tỉnh đối với căn cứ cách mạng Đá Bàn. Đây là niềm vui đặc biệt đối với địa phương. Chính quyền xã đang chọn thời điểm thích hợp tổ chức lễ công bố để toàn thể nhân dân cùng biết”, ông Bùi Đình Khương - Phó Bí thư Đảng ủy xã Ninh Sơn cho biết.


Cần những công trình xứng tầm


Ngày 5-3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức đoàn khảo sát thực tế 2 căn cứ cách mạng Hòn Hèo (tại địa phận xã Ninh Vân) và Đá Bàn (xã Ninh Sơn). Qua chuyến khảo sát, các thành viên thêm một lần khẳng định những giá trị lịch sử to lớn của 2 căn cứ này. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề trăn trở đối với việc phát huy giá trị của 2 di tích cách mạng. Làm sao để giới thiệu, quảng bá giá trị, ý nghĩa của 2 di tích đến thế hệ trẻ địa phương và du khách trong, ngoài tỉnh là câu chuyện cần được quan tâm. “Căn cứ cách mạng Hòn Hèo và Đá Bàn có tầm vóc lịch sử to lớn, nhưng theo cảm nhận của tôi thì việc khai thác, tôn vinh giá trị các di tích chưa xứng tầm. Chúng ta cần có sự nâng cấp, tôn tạo, thể hiện sự quan tâm đúng mức đối với 2 di tích cách mạng này. Thị xã Ninh Hòa cũng chưa có một chủ trương nào bàn về vấn đề này. Tất cả chỉ mới dừng lại ở một số hoạt động tự phát do các hội, đoàn thể thực hiện”, ông Đoàn Hương - Trưởng ban Tuyên giáo thị xã Ninh Hòa cho biết. Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, 2 căn cứ cách mạng ở thị xã Ninh Hòa quả thực vẫn còn nhiều việc phải làm để phát huy giá trị. Địa phương cần có những đề xuất cụ thể về vấn đề này. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh sẵn sàng phối hợp với địa phương trong các vấn đề liên quan.


Theo ông Trần Mộng Điệp - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, giá trị lịch sử cách mạng của 2 căn cứ Hòn Hèo, Đá Bàn rất to lớn, thể hiện rõ nét tinh thần vượt qua gian khổ, hy sinh để đấu tranh cho nền độc lập, tự do của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng nước nhà. Vì thế, chúng ta cần quan tâm đầu tư xây dựng các công trình ghi nhớ có quy mô xứng tầm.


Giang Đình