09:12, 04/12/2020

Sáng mãi câu chuyện lịch sử

Tối 2-12, Đoàn Tuồng thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa diễn báo cáo vở tuồng Lửa Thiên Trường - Trần Bình Trọng. Câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ dũng khí, lòng yêu nước của Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng.
 
 

Tối 2-12, Đoàn Tuồng thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa diễn báo cáo vở tuồng Lửa Thiên Trường - Trần Bình Trọng. Câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ dũng khí, lòng yêu nước của Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng.
 
Cảnh tướng quân Trần Bình Trọng điều binh ra trận.
Cảnh tướng quân Trần Bình Trọng điều binh ra trận.
 
Khoảng 50 năm trước, vở diễn Lửa Thiên Trường - Trần Bình Trọng do cố tác giả Nguyễn Kim Hùng viết kịch bản từng được Đoàn Tuồng Liên khu V, Đoàn Tuồng Giải phóng khu Trung Trung Bộ dàn dựng, biểu diễn phục vụ người dân, chiến sĩ trong chiến trường. Trong lần phục dựng này, vở tuồng được NSƯT Hoàng Ngọc Đình làm đạo diễn, có nội dung chính nói về Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng, vị danh tướng gắn với một giai đoạn lịch sử bi hùng của quân dân Đại Việt trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2. Hình ảnh danh tướng Trần Bình Trọng một lòng trung thành với nước, phò vua đánh giặc thể hiện cho khí phách của quân tướng nhà Trần thời bấy giờ. Khi rơi vào tay địch, trước âm mưu chiêu hàng của Thoát Hoan, ông vẫn một mực kiên trung. Chứng kiến cảnh vợ con bị tra tấn dã man, đối diện với cái chết, lòng ông đau như xé. Nhưng tình yêu Tổ quốc lớn lao, chí khí của người anh hùng đã giúp ông vượt lên nỗi đau cá nhân, quyết không chịu đầu hàng quân giặc. Không khuất phục được, Thoát Hoan đã cho người xử tử ông. Tấm gương tướng quân Trần Bình Trọng mãi sáng ngời sử sách cùng câu nói nổi tiếng của ông: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”. 
 
Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Vở tuồng Lửa Thiên Trường - Trần Bình Trọng  được dàn dựng trên nền tảng của một kịch bản đã sống trong lòng khán giả. Tuy thời gian dàn dựng, tập luyện cho vở diễn không dài nhưng đạo diễn đã thể hiện được tay nghề của mình, các diễn viên đều nỗ lực diễn xuất tốt. Từ đầu đến cuối vở diễn, các nhân vật, tuyến diễn, lớp diễn, mảng miếng đều đầy đặn, trọn vẹn. Âm nhạc cũng là một điểm cộng vào thành công chung của vở diễn này.
Vở tuồng Lửa Thiên Trường - Trần Bình Trọng mang nhiều giá trị lịch sử và nhân văn sâu sắc, có tác dụng giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Nhìn chung, vở diễn được dàn dựng, biểu diễn tương đối tốt; các nghệ sĩ, diễn viên đảm nhận trọn vẹn vai diễn của mình. Trong gần 2 giờ, khán giả theo dõi vở diễn đã được dẫn dắt, lôi cuốn với những tình tiết, lớp diễn có chất lượng nghệ thuật tốt. “Đây là lần đầu tôi được xem vở tuồng này. Tôi thấy các nghệ sĩ, diễn viên đã nhập vai nhân vật tốt. Nội dung vở diễn vừa thể hiện được giá trị lịch sử bi hùng của dân tộc ta, vừa phù hợp với xã hội hiện tại, đề cao những con người trung trực, tài năng và không bị cám dỗ bởi những lợi danh tầm thường”, khán giả Nguyễn Xuân Nam (đường Phương Sài, TP. Nha Trang) cho biết. 
 
Theo nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức, vở diễn có kịch bản tốt với chủ đề tư tưởng, câu chuyện hấp dẫn. Thông qua kịch bản đã phát huy được nét đặc trưng, thế mạnh của nghệ thuật tuồng là đi vào các đức tính trung - hiếu - tiết - nghĩa của con người. Cụ thể ở đây, khán giả cảm nhận được phẩm chất trung - tiết - nghĩa của nhân vật Trần Bình Trọng. Đạo diễn dựng vở đã thể hiện tốt năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của cá nhân trong viêc quản lý, dàn dựng. Các nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát đã có nhiều nỗ lực trong diễn xuất. 
 
Trong bối cảnh eo hẹp về kinh phí dựng vở, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã chọn cách phục dựng một vở diễn trước đây. Tuy là phục dựng nhưng đây là lần đầu đơn vị làm vở này. Chính vì thế, trong quá trình dàn dựng, ê kíp thực hiện đã gặp những khó khăn từ âm nhạc đến phục trang, trang trí… Qua đêm diễn báo cáo, khán giả vẫn có thể nhận thấy một số chi tiết nhỏ cần được hoàn thiện hơn. Ở những lớp diễn mang yếu tố trữ tình, bi kịch, diễn xuất của diễn viên vẫn chưa lấy được nước mắt của người xem. Chẳng hạn, trong cảnh danh tướng Trần Bình Trọng chứng kiến vợ mình bị tra tấn, bị giết, diễn viên vẫn chưa làm bật lên được sự giằng xé nội tâm đến tột đỉnh của nhân vật giữa tình riêng với nghĩa chung... Về sử dụng đạo cụ, việc dùng cờ tam giác đen đối với quân giặc Nguyên Mông được cho là chưa phù hợp. Hay như việc để nhân vật Thoát Hoan đội mũ lông trĩ vô hình trung làm cho nhân vật trở nên yếu thế hơn, bởi mũ lông trĩ thường dùng cho vai nữ. Với một vở diễn về cơ bản đã thành công, nếu được khai thác, điều chỉnh một vài chi tiết nhỏ như trên sẽ đem đến cảm xúc trọn vẹn hơn cho khán giả.  
 
Nhân Tâm