11:12, 08/12/2020

Đề án bảo vệ, phát huy di sản bài chòi: Những thành quả bước đầu

Sau gần 6 tháng triển khai, đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, tạo tiền đề cho việc thực hiện các nội dung tiếp theo của đề án.

Sau gần 6 tháng triển khai, đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, tạo tiền đề cho việc thực hiện các nội dung tiếp theo của đề án.


Khôi phục bài chòi ở Ninh Hòa


Trong số 7 nhiệm vụ trọng tâm của đề án, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đảm nhận nhiệm vụ phục dựng 1 điểm trò chơi dân gian hô bài chòi giàn 9 chòi, xây dựng nơi đây thành điểm sinh hoạt văn hóa. Đồng thời, trao truyền nghệ nhân tham gia hội thi, hội diễn, bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật bài chòi; tổ chức hô bài chòi giàn vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, lễ kỷ niệm, lễ hội, Tết cổ truyền của dân tộc; tuyển chọn, tập huấn, bồi dưỡng nghệ nhân thành thục các kỹ năng hoạt động hô bài chòi giàn…

 

Hoạt động hô bài chòi giàn ở thị xã Ninh Hòa.

Hoạt động hô bài chòi giàn ở thị xã Ninh Hòa.


Theo báo cáo của UBND thị xã Ninh Hòa, thực hiện các nội dung công việc được giao, địa phương đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức tập huấn cho 18 nghệ nhân về kỹ năng, cách thức tổ chức, điều hành hoạt động hô bài chòi giàn. Thị xã cũng đã tiếp nhận trang thiết bị, dụng cụ phục vụ hoạt động hô bài chòi giàn. Trên cơ sở nhân sự và phương tiện đã được chuẩn bị, thị xã đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) bài chòi cổ Ninh Hòa. Từ đầu tháng 10, tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thị xã đã diễn ra hoạt động trình diễn hô bài chòi phục vụ nhân dân vào mỗi dịp cuối tuần. Ngoài ra, địa phương đã chọn được 3 địa điểm khác để các thành viên CLB đi lưu diễn gồm: Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Tiên Du 2 (xã Ninh Phú), Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Thanh Mỹ (xã Ninh Quang), Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Ninh Phụng.


Tính đến cuối tháng 11, CLB đã trình diễn 15 đêm, bình quân mỗi đêm có từ 150 đến 200 lượt người đến xem và tham gia chơi. Địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền về nghệ thuật trình diễn bài chòi dân gian trên hệ thống đài truyền thanh địa phương. Thông qua đó, những giá trị, nét đặc sắc của nghệ thuật bài chòi dần được phổ biến đến đông đảo nhân dân… “Trong năm 2021, tiếp nối những kết quả đã đạt được, thị xã Ninh Hòa tiếp tục tổ chức hoạt động trình diễn hô bài chòi của CLB bài chòi cổ. Trong đó, sẽ ưu tiên tổ chức trình diễn tại các xã, phường, trường học; thành lập thêm 1 CLB bài chòi cho lứa tuổi thanh thiếu niên; đưa nội dung thi hô bài chòi vào các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ của thị xã tổ chức”, ông Nguyễn Thanh Hưng - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa cho biết.


Thực hiện nhiều nhiệm vụ


Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi diễn ra từ năm 2020 đến 2023. Riêng năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ đều đã cố gắng hoàn thành đúng tiến độ. Cụ thể, việc tuyên truyền về di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi đã được thực hiện trên Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa,  Cổng thông tin điện tử tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở. Sở Văn hóa và Thể thao đã bắt tay phục dựng một số tuồng, tích tiêu biểu về nghệ thuật bài chòi dân gian do các nghệ nhân tiêu biểu diễn xướng. Trên cơ sở đó, thực hiện việc quay phim tư liệu, in sang đĩa DVD nhằm lưu trữ, quảng bá, tuyên truyền.


Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã triển khai hoạt động tuyên truyền sân khấu hóa học đường với nghệ thuật bài chòi trong trường học. Trung tâm đã đến 15 trường THCS, THPT ở Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh để thực hiện. Theo bà Nguyễn Duy Tường Vi - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, thông qua hoạt động sân khấu hóa với thời lượng 45 phút, học sinh sẽ được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về nghệ thuật bài chòi, xem trích đoạn dân ca bài chòi và tham gia hội chơi bài chòi.


Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, từ năm 2021, đơn vị sẽ sưu tầm, tư liệu hóa các tài liệu, hiện vật về kịch bản bài chòi, các lớp hô, tuồng, tích, nhạc cụ, trang phục của nghệ thuật bài chòi để bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh; nghiên cứu hoàn thiện và số hóa cơ sở dữ liệu về tư liệu, công trình nghiên cứu, nghệ nhân, CLB diễn xướng bài chòi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi. Đơn vị sẽ phối hợp với Sở Du lịch và các doanh nghiệp du lịch nghiên cứu đưa nghệ thuật bài chòi thành dịch vụ để phục vụ du khách.


GIANG ĐÌNH