04:09, 02/09/2020

Hào khí ngày Quốc khánh trong "Ba Đình nắng"

Dòng chảy âm nhạc cách mạng Việt Nam đã ghi nhận nhiều tác phẩm xuất sắc viết về ngày Quốc khánh - ngày Tết độc lập của dân tộc, một trong số đó có ca khúc "Ba Đình nắng" của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, phổ thơ Vũ Hoàng Địch…

Dòng chảy âm nhạc cách mạng Việt Nam đã ghi nhận nhiều tác phẩm xuất sắc viết về ngày Quốc khánh - ngày Tết độc lập của dân tộc, một trong số đó có ca khúc “Ba Đình nắng” của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, phổ thơ Vũ Hoàng Địch…


Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ được công chúng yêu nhạc biết đến là đồng tác giả với nhạc sĩ Đặng Thế Phong trong ca khúc “Giọt mưa thu”. Sau đó, ông có thêm tác phẩm “Hồn Việt Nam”. Đến năm 1947, trong dịp kỷ niệm 3 năm ngày Quốc khánh, ca khúc “Ba Đình nắng” đã ghi dấu ấn tên tuổi Bùi Công Kỳ vào nền âm nhạc cách mạng nước nhà. Trong một chia sẻ về bài hát này, nhạc sĩ Dân Huyền - người bạn của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ đã nói đại ý: Dù nhạc sĩ Bùi Công Kỳ không có mặt ở vườn hoa Ba Đình như Vũ Hoàng Địch vào ngày 2-9 năm ấy, nhưng ông đã thăng hoa trong sáng tác, để lại cho đời một “Ba Đình nắng” bất hủ mà đến nay, nhiều thế hệ người Việt Nam vẫn hát vang.

 

Hình ảnh ngày Quốc khánh 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. (Ảnh tư liệu)

Hình ảnh ngày Quốc khánh 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. (Ảnh tư liệu)


Năm 1947, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ công tác tại tỉnh Phú Thọ và được cấp trên giao nhiệm vụ viết một ca khúc nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh lần thứ 3. Đây cũng chính là điều ông ấp ủ từ 2 năm trước đó nhưng chưa thực hiện được. Khi ông đọc được bài thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Địch thì những suy tư, cảm xúc về đề tài trên bỗng chốc được mở ra. Sự đồng điệu đã giúp cho nhạc sĩ nhanh chóng viết nên những nốt nhạc để phổ nguyên vẹn lời thơ.


Ca khúc “Ba Đình nắng” được mở đầu với những hình ảnh quen thuộc nhưng rất đỗi thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam: “Gió vút lên ngọn cờ trên kỳ đài phơi phới/Gió vút lên đây bao nguồn sống mới dạt dào/Tôi về đây lắng nghe bao tiếng gọi/Của mùa thu cách mạng, mùa vàng sao/Tôi về đây trong nắng nhớ thu nào/Sao vàng mọc muôn sao vàng tung cánh”. Giai điệu âm nhạc chậm, nhẹ như càng khắc họa rõ nét hơn bầu không khí trang nghiêm, tự hào trong ngày hội dân tộc. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên kỳ đài giữa Quảng trường Ba Đình lộng gió và chan hòa ánh nắng mùa thu như một biểu tượng cho niềm tin và thắng lợi của dân tộc. Bài hát không chỉ thể hiện tình cảm của tác giả, đó còn là tiếng lòng của lớp lớp người dân khi nhớ về giây phút trọng đại, thiêng liêng của đất nước. Đó là giây phút cả dân tộc Việt Nam “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, giây phút công bố với toàn thể nhân loại: nước Việt Nam đã thành một nước tự do độc lập.

 

Nhạc sĩ Bùi Công Kỳ (1919 - 1985) quê gốc ở Nam Định, từng làm Trưởng đoàn Văn công Sư đoàn 316, Trưởng đoàn Văn công Tổng cục Hậu cần, Trưởng ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam. Bên cạnh những ca khúc đã nói ở trên, ông còn sáng tác một số ca khúc như: Anh và tôi, Nông dân ơn Đảng ơn Bác Hồ, Tây Bắc mừng chiến thắng, Bài ca biên giới…

Giữa bầu không khí của ngày đất nước độc lập, hình ảnh Bác Hồ - người cha già dân tộc đã được tác giả khắc ghi thật gần gũi, giản dị nhưng cũng thật vĩ đại. Đặc biệt, nhạc sĩ đã đưa được câu nói bất hủ của Bác Hồ trong ngày khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không/Ôi tha thiết lời cha già dân tộc/Bộ kaki đã bạc với gió sương/Người hiện thân sức mạnh của hòa bình”. Tiếp theo là những lời hát rất chân thật, đó như là lời tự sự của bất cứ ai được sống và chứng kiến khoảnh khắc trọng đại trong lịch sử đất nước. Ý nghĩa hơn khi đến tận hôm nay, với bao người không được trực tiếp tham gia sự kiện đó vẫn có thể hình dung được phần nào bầu không khí đó qua những hình ảnh: “Nắng Ba Đình đây tia sáng anh linh/Còn ghi lại trên cỏ hoa đương nở/Chiều nay về lòng ta vẫn nhớ/Tiếng cha già xen lẫn tiếng hoan hô”. Đây không hẳn là bài hát viết riêng về chủ đề ca ngợi Bác Hồ, nhưng những lời hát và giai điệu âm nhạc về Bác trong đó đủ để cho khán giả cảm nhận được tình cảm kính yêu của người dân đối với Bác. Có lẽ vì thế, nhạc sĩ đã thay đổi tiết tấu âm nhạc trở nên nhanh, vui, náo nhiệt để thể hiện tâm trạng của quốc dân đồng bào khi nhìn thấy Bác trên khán đài. Bài hát kết thúc với những lời ca đầy tinh thần lạc quan, tin tưởng vào tương lai đất nước: “Nhìn cờ trên kỳ đài phơi phới/Anh thầm tin nhớ tới thu nào/Thu ngày mai, thu thanh bình/Đời đời sẽ hết điêu linh/Thu ngày mai, thu chiến thắng/Cờ vươn lên trong nắng hồng tươi”.


Giai điệu hào hùng, lời ca mượt mà sâu lắng, nhịp 2/4 có lúc chuyển thành 3/4 khỏe mạnh, dồn dập, ca khúc “Ba Đình nắng” đã được khá nhiều nghệ sĩ thể hiện thành công. Từ lần đầu được vang lên trong lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh năm 1947, sau đó được các nghệ sĩ Trần Khánh, Trần Thụ thể hiện trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Về sau, các nghệ sĩ như: Quang Thọ, Tuấn Phong, Trọng Tấn cũng thể hiện khá thành công ca khúc này. Các nghệ sĩ có thể hát tốp ca, hay biểu diễn hợp xướng với dàn nhạc. Mỗi dịp Quốc khánh, nghe lại ca khúc “Ba Đình nắng”, công chúng lại như được sống cùng những ngày thu ở Quảng trường Ba Đình năm xưa.  


Giang Đình