12:10, 30/10/2019

Vẫn cần tiếng loa phường…

Dù còn có những ý kiến khác nhau, nhưng thực tế, hệ thống loa phát thanh ở các xã, phường (người dân quen gọi là loa phường) có vai trò nhất định trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến người dân.

Dù còn có những ý kiến khác nhau, nhưng thực tế, hệ thống loa phát thanh ở các xã, phường (người dân quen gọi là loa phường) có vai trò nhất định trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến người dân.


Mỗi ngày phát 2 giờ


Đã thành thói quen, tầm 6 - 7 giờ sáng hàng ngày, bà Bùi Thị Hải (tổ 3 Vĩnh Điềm, phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) lại chú ý lắng nghe những thông tin được phát qua 2 chiếc loa của phường. Nhờ đó, bà nắm được khá nhiều tin tức thời sự hữu ích cũng như kiến thức về những vấn đề liên quan đến phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, phòng cháy chữa cháy, quy hoạch nhà đất, pháp luật… “Mấy ngày này, tôi quan tâm đến diễn biến áp thấp nhiệt đới. Nghe phát thanh của phường, tôi biết được những việc cần làm trước khi bão đến; công tác đảm bảo an toàn nhà ở…”, bà Hải cho biết.

 

Phát thanh viên đọc bản tin phường Ngọc Hiệp.

Phát thanh viên đọc bản tin phường Ngọc Hiệp.


Trên địa bàn TP. Nha Trang, hệ thống loa phát thanh được duy trì hoạt động ở 27/27 xã, phường. Các loa phát thanh từ 6 đến 7 giờ và từ 16 đến 17 giờ. Khoảng 45 phút đầu của mỗi lần phát thanh là tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền thanh TP. Nha Trang, thời lượng còn lại được đài truyền thanh xã, phường sử dụng để thông tin, thông báo đến người dân những nội dung liên quan đến hoạt động diễn ra trên địa bàn. Cũng có nhiều ý kiến về tác dụng của hệ thống “loa phường”. Thực tế, chỉ có vài hộ quá gần loa cảm thấy chút khó chịu vì tiếng ồn. Nhìn chung, hệ thống này vẫn có những tác dụng nhất định bởi nội dung phát thanh gần gũi, sát thực, cần thiết với đời sống người dân. Trong những tình huống khẩn cấp, qua hệ thống loa phát thanh, chính quyền địa phương kịp thời thông tin, tuyên truyền, vận động người dân.  


Phường Ngọc Hiệp có 22 cụm phát thanh được phân bố ở 15 tổ dân phố. Mỗi cụm loa thường được lắp đặt trên các trụ điện nằm ở vị trí đông dân cư. 10 năm kinh nghiệm với công tác này, ông Hà Minh Phát - cán bộ Đài Truyền thanh phường Ngọc Hiệp có nhiều cách thức tuyên truyền hiệu quả nên hoạt động phát thanh của phường luôn ổn định. “Cùng với việc thường xuyên bảo trì, sửa chữa thiết bị, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến cách truyền đạt những nội dung cần phát thanh. Điều đó đòi hỏi chúng tôi phải bám sát các vấn đề thời sự trên địa bàn. Nhờ làm tốt điều này nên người dân khá quan tâm đến thông tin được phát”, ông Phát cho biết.

Còn nhiều hạn chế


Qua báo cáo kết quả kiểm tra hoạt động đài truyền thanh xã, phường của Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Nha Trang vào đầu tháng 10 cho thấy, một trong những hạn chế của công tác này là cán bộ phụ trách đài ở các xã, phường thường xuyên thay đổi. Thậm chí có xã, phường từ 2 đến 3 tháng lại thay đổi cán bộ phụ trách đài. Nhiều xã, phường cán bộ phụ trách đài chỉ mang tính chất kiêm nhiệm nên không phát nội dung tuyên truyền do thành phố chỉ đạo, chủ yếu chỉ tiếp âm vì không có người phát thanh. Nguyên nhân chính dẫn đến việc này do mức thu nhập thấp, khó được xét vào biên chế. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị ở nhiều địa phương xuống cấp, hư hỏng nên hoạt động của nhiều đài chưa đúng quy trình chuyên môn.


Theo ông Đinh Văn Cường - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP. Nha Trang, đơn vị đã có kiến nghị gửi chính quyền địa phương và ngành chức năng xem xét về vai trò, vị trí của đài truyền thanh cơ sở. Từ đó, có chế độ phù hợp cho cán bộ phụ trách, ổn định bộ máy hoạt động đài truyền thanh cơ sở để thực hiện đầy đủ các nội dung hướng dẫn của Phòng Văn hóa và Thông tin trong công tác chuyên môn, tuyên truyền.


Giang Đình