10:08, 26/08/2019

Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số

Thời gian qua, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm gìn giữ, phát huy. Qua đó, những sắc màu văn hóa lại có dịp phô diễn, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân.


 

Thời gian qua, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm gìn giữ, phát huy. Qua đó, những sắc màu văn hóa lại có dịp phô diễn, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân.


Tái hiện nhiều lễ hội


Thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh đã tập trung tái hiện các lễ hội văn hóa như: lễ cưới, ăn mừng lúa mới, mừng nhà mới, lễ bỏ mả (của đồng bào Raglai), lễ cưới (đồng bào T’rin), lễ bỏ mả (dân tộc Ê Đê), hội tung còn (dân tộc Tày). Những tiết mục hát múa mang đậm nét văn hóa đặc trưng của ĐBDTTS cũng được thể hiện như: những màn hòa tấu cồng chiêng, mã la; biểu diễn các loại nhạc cụ đinh năm, đinh chót; hát các làn điệu Arai, Ma diêng, Xú ri, hát then, múa công tua...

 

Một tiết mục văn nghệ trong ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2019.

Một tiết mục văn nghệ trong ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2019.


Đối với huyện Khánh Sơn, địa phương đã tổ chức 8 lớp truyền dạy đánh mã la cho 90 học viên; 1 lớp học hát sử thi cho 25 thanh thiếu niên; phối hợp nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu, làn điệu dân ca, dân vũ, biên dịch các loại sách về con người và văn hóa Raglai trên địa bàn. Phòng truyền thống của huyện đang trưng bày giới thiệu hơn 100 hiện vật mang giá trị văn hóa, lịch sử của đồng bào Raglai như: đàn đá, đàn chapi, mã la, dụng cụ lao động - sinh hoạt. Địa phương cũng tổ chức các hoạt động văn hóa để ĐBDTTS thể hiện nét đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc như: Liên hoan hòa tấu mã la và múa dân gian Raglai, hội thi già làng khéo tay, thi các trò chơi dân gian...


Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, thời gian qua, ngành Văn hóa và các địa phương đã triển khai thực hiện rất nhiều đề án, kế hoạch, dự án, mô hình về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS, nhất là đối với dân tộc: Raglai, Ê Đê, T’rin. Tình trạng “chảy máu” di sản văn hóa vật thể của ĐBDTTS đã được ngăn chặn. Hàng trăm bộ mã la, cồng chiêng, trống, ché, đồ dùng sinh hoạt… của đồng bào đã được gìn giữ trong các nhà dân hoặc nhà truyền thống. Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã trang bị 85 bộ mã la cho 85 thôn, tổ dân phố trong tỉnh. Bảo tàng tỉnh sưu tầm được hơn 300 hiện vật có giá trị về ĐBDTTS ở Khánh Hòa. Riêng tại huyện Khánh Sơn hiện nay có 92 bộ mã la với 622 chiếc thuộc sở hữu của các gia đình, thôn xóm.


Nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa


Công tác bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là việc phục hồi các lễ hội của đồng bào như: Lễ cúng bến nước của người Ê Đê (thị xã Ninh Hòa), lễ bỏ mả của người Raglai, lễ ăn đầu lúa mới của dân tộc Raglai, nghệ thuật trình diễn đàn đá, sử thi (huyện Khánh Sơn). Trong đó, lễ bỏ mả của người Raglai đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Bên cạnh đó, các nghi lễ như: Lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ của người Ê Đê, nghi lễ cưới hỏi của người T’rin cũng đang được nghiên cứu, tìm hiểu. Toàn tỉnh có 4 nghệ nhân người DTTS được Nhà nước phong tặng nghệ nhân ưu tú. Sở Văn hóa và Thể thao, các huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm đã mở nhiều lớp dạy tiếng nói, chữ viết đồng bào Raglai với hàng trăm lượt cán bộ, công chức, giáo viên, bác sĩ tham gia. Hàng năm, tỉnh tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ để thu hút ĐBDTTS tham gia. Ngày hội văn hóa các dân tộc, Liên hoan các làng văn hóa, Hội thi tìm hiểu di sản văn hóa... thực sự là những sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa đối với ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, những giá trị văn hóa của đồng bào có dịp trình diễn và đó cũng là cơ hội để mọi người giao lưu, học hỏi.


Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh: “Những kết quả đạt được trong nỗ lực giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh là rất khả quan. Điều đó đến từ sự quan tâm của các ngành, địa phương trong việc triển khai các chương trình, chính sách về văn hóa. Vì thế đã phát huy được sự đồng thuận, nhất trí của đồng bào trong nỗ lực bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình”.


NHÂN TÂM