10:07, 14/07/2019

Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng: Phải nâng cao chất lượng

Trong thời gian tới, hoạt động của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng sẽ phải không ngừng được nâng cao chất lượng theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, gắn với việc giảm dần cấp phát từ ngân sách, tăng cường tính tự chủ. Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để tập thể đoàn tự khẳng định mình.

Trong thời gian tới, hoạt động của Đoàn Ca múa nhạc (CMN) Hải Đăng sẽ phải không ngừng được nâng cao chất lượng theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, gắn với việc giảm dần cấp phát từ ngân sách, tăng cường tính tự chủ. Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để tập thể đoàn tự khẳng định mình.


Không qua được cái bóng của chính mình


Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, Đoàn CMN Hải Đăng đã để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lòng khán giả. Đã có những ca sĩ trưởng thành từ đoàn như: Ánh Tuyết, Long Nhật, Anh Đào… Từ khi thành lập, đoàn đã tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện lớn của tỉnh và đất nước trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân ở các vùng miền. Đoàn đã tạo dựng được thương hiệu, tên tuổi cho riêng mình.

 

Một tiết mục biểu diễn của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng.

Một tiết mục biểu diễn của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng.


Tuy nhiên, khi xã hội có bước phát triển nhanh chóng thì đoàn chưa thực sự đổi mới để thích nghi với tình hình mới. Mọi hoạt động của đoàn chủ yếu trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, trong khi đó công tác tổ chức dịch vụ biểu diễn nghệ thuật chưa được phát huy. Những hạn chế đó dẫn đến đời sống của tập thể nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên trong đoàn còn gặp nhiều khó khăn. Đoàn đã không thu hút, giữ chân được những nghệ sĩ, diễn viên có trình độ để cùng tham gia xây dựng, phát triển đơn vị.


Ông Nguyễn Khắc Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: “Những hạn chế trên đến từ nhiều nguyên nhân: qua các thế hệ, xuất phát từ tư duy ỷ lại ngân sách... Trong tình hình mới, chủ trương xã hội hóa đoàn đã có từ lâu, nhưng thực hiện không dứt khoát nên tạo thêm gánh nặng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được đầu tư thỏa đáng; chế độ cho nghệ sĩ, diễn viên còn nhiều bất cập. Một phần nguyên nhân khác đến từ sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng các loại hình giải trí hiện nay”.



Sắp xếp lại

 

Phát biểu tại cuộc họp về đề án sắp xếp lại, nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn CMN Hải Đăng, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn CMN Hải Đăng là điều rất cần thiết, phù hợp với xu thế hiện nay, cũng như các văn bản chỉ đạo liên quan của Trung ương và địa phương. Đoàn cần có sự năng động, chủ động trong tất cả các hoạt động để có thể tự đứng vững và khẳng định mình; mạnh dạn tham gia việc đăng ký tổ chức những sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn của tỉnh.

Việc sắp xếp lại Đoàn CMN Hải Đăng có mục tiêu vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, vừa nâng cao năng lực tự chủ, đẩy mạnh tổ chức dịch vụ để giảm dần việc phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước. Để làm được điều đó, đoàn phải không ngừng nâng cao chất lượng các chương trình của mình mang đậm tính dân tộc và hiện đại; nâng cao chất lượng đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên gắn với công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ, chính sách đãi ngộ xứng đáng. Bộ máy tổ chức của đoàn phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới, chú trọng năng lực điều hành, quản trị. Cùng với đó, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, chú trọng sự đầu tư ban đầu về trang thiết bị, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng cho đoàn.


Đối với cơ chế tài chính, đoàn phải đẩy mạnh thực hiện việc tự chủ trên cơ sở tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cũng như về nguồn thu. Trong đó, phát huy mọi khả năng của đoàn để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao, tăng nguồn thu nhằm từng bước giải quyết thu nhập cho người lao động, thu hút nhân tài. Lộ trình tự chủ cụ thể của đoàn trong năm 2019: phấn đấu đạt doanh thu 1,5 tỷ đồng; năm 2020 là 2,2 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2025, mỗi năm tăng thêm khoảng 10% so với mức của năm 2020. Cùng với đó, ngân sách cấp cho các khoản tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp cho người lao động cũng giảm dần theo từng năm. Ngoài ra, đoàn vẫn phải thực hiện cơ chế trích lập 40% chênh lệch thu - chi từ hoạt động dịch vụ để thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo quy định.


Theo lãnh đạo Đoàn CMN Hải Đăng, để dần thích ứng với tình hình mới, thời gian gần đây, đoàn cũng đã đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ biểu diễn. Cụ thể, đoàn đã xây dựng các gói sản phẩm với những tiết mục và mức giá khác nhau, phù hợp với các sự kiện, hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị; có nhiều đổi mới trong việc dàn dựng các tiết mục, chương trình biểu diễn phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của từng đối tượng khán giả. Đoàn cũng đã đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để đẩy mạnh khai thác hoạt động dịch vụ. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ nghiên cứu những mô hình liên kết với các đơn vị tổ chức tour du lịch nhằm xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch.


GIANG ĐÌNH