09:12, 14/12/2018

Nhìn lại văn học thiếu nhi Khánh Hòa

Trong cuốn sách "Tác giả - tác phẩm" do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản nhân kỷ niệm 60 năm thành lập có giới thiệu hơn 1.000 tác giả thơ văn đã in sách ở NXB dành cho thiếu nhi. Đây thực sự là một bức tranh của văn học dành cho thiếu nhi được hình thành hơn 60 năm qua, trong đó có những mảng màu đậm nét được tô điểm bởi các nhà văn, nhà thơ đã từng ở trên đất Khánh Hòa.

Trong cuốn sách “Tác giả - tác phẩm” do Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng xuất bản nhân kỷ niệm 60 năm thành lập có giới thiệu hơn 1.000 tác giả thơ văn đã in sách ở NXB dành cho thiếu nhi. Đây thực sự là một bức tranh của văn học dành cho thiếu nhi được hình thành hơn 60 năm qua, trong đó có những mảng màu đậm nét được tô điểm bởi các nhà văn, nhà thơ đã từng ở trên đất Khánh Hòa.


Từ trang sách “Tác giả - tác phẩm”, chúng ta gặp các tác giả có in sách được NXB Kim Đồng thống kê, bắt đầu từ nhà thơ Giang Nam, nhà văn Võ Hồng, nhà văn Cao Linh Quân, nhà văn Nguyễn Đức Linh, nhà thơ - nhà dịch thuật Đào Xuân Quý, nhà văn Đỗ Kim Cuông, nhà văn Ái Duy và các nhà văn lớp sau như: Khuê Việt Trường, Đào Thị Thanh Tuyền, Lê Đức Dương… Tuy nhiên, trong danh sách này lại thiếu những cây bút rất tài năng: Nguyễn Khắc Phục, Đồng Xuân Lan, Quý Thể, Hoàng Nhật Tuyên, Lưu Cẩm Vân, Nguyễn Hoa Lư, Vĩnh Hữu… Nếu thống kê đầy đủ thì rõ ràng những cây bút viết cho thiếu nhi Khánh Hòa một thời thực sự rất hùng hậu và phong phú.

 

Bìa sách tác phẩm Đảo thần kiếm của Lê Đức Dương.

Bìa sách tác phẩm Đảo thần kiếm của Lê Đức Dương.


Tuy nhiên, hơn 15 năm trở lại đây, đội ngũ những cây bút viết cho thiếu nhi đã sút giảm lớn. Trong số những tác giả nói ở trên phần lớn đã mất, số còn lại cũng không viết cho mảng này nữa. Theo chúng tôi được biết, hiện nay chỉ vài tác giả còn viết, đó là nhà văn Nguyễn Đức Linh - chuyên viết những cuốn truyện dài mang màu sắc đồng thoại hay động vật, đặc biệt là thú rừng. Nhà văn Nguyễn Đức Linh có thể xếp sau 2 nhà văn nổi tiếng là Võ Hồng và Đồng Xuân Lan chuyên viết dạng đồng thoại và ngụ ngôn. Sau khi nhà văn Võ Hồng và Đồng Xuân Lan mất, Nguyễn Đức Linh thực sự là cây bút gạo cội viết nhiều nhất cho thiếu nhi ở Khánh Hòa. Nhà văn Quý Thể sức khỏe yếu nên ông không còn cơ hội để viết những tác phẩm cho thiếu nhi. Ông đã đạt được nhiều giải thưởng viết cho thiếu nhi thập niên 90 nhưng tất cả chỉ dừng lại ở thể loại truyện ngắn.


Hiện nay, viết cho thiếu nhi có vợ chồng tác giả Khuê Việt Trường - Lưu Cẩm Vân. Anh chị đã ra gần chục tập sách cho tuổi mới lớn và thiếu nhi, chủ yếu là truyện ngắn. Ngoài ra, cây bút Lê Đức Dương với 8 tác phẩm in trong vòng 20 năm nay đã có 7 tác phẩm dành cho thiếu nhi, in ở NXB Kim Đồng. Đặc biệt, tác giả bắt đầu tiếp nối nhà văn Nguyễn Đức Linh viết truyện dài với 2 tiểu thuyết: Đảo Thần Kiếm (năm 1997), Cá voi Ê ren ở Hòn Mun (năm 2018). Đây là điều đáng mừng vì kể từ khi nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết cuốn tiểu thuyết mang hơi thở sắc thái của Nha Trang có tên “Sơn Ca trong thành phố” thập niên 1980 đến nay đã có Lê Đức Dương tiếp nối viết tiểu thuyết thiếu nhi mang hơi thở cuộc sống mảnh đất này.


Đó cũng chính là bức tranh về văn học thiếu nhi của Khánh Hòa hôm nay. Nên chăng, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức trại viết, cuộc thi về văn học thiếu nhi để khơi gợi nguồn cảm hứng cho các cây bút, đặc biệt lớp trẻ. Vì kể từ cuộc thi mang chủ đề thiếu nhi do Ủy ban Chăm sóc bảo vệ trẻ em cùng Hội Văn học Nghệ thuật đồng tổ chức năm 1992, từ đó đến nay đã gần 30 năm chưa có cuộc thi dành cho cây bút viết đề tài thiếu nhi.


Dương My Anh