10:12, 19/12/2017

Thù lao cho công tác khảo cổ: Lạc hậu với thời giá

Thù lao cho công tác khảo cổ đã được quy định cách đây 10 năm nên không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Mức thù lao quá thấp khiến lực lượng khảo cổ không được khuyến khích, trả công đúng mức, ảnh hưởng đến công tác khảo sát, khai quật các di chỉ khảo cổ học.

Thù lao cho công tác khảo cổ đã được quy định cách đây 10 năm nên không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Mức thù lao quá thấp khiến lực lượng khảo cổ không được khuyến khích, trả công đúng mức, ảnh hưởng đến công tác khảo sát, khai quật các di chỉ khảo cổ học.


Tại buổi làm việc với Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa mới đây, ông Lê Chí Hướng - Giám đốc Bảo tàng tỉnh phản ánh, mức chi thù lao đối với “chuyên gia tư vấn khoa học cho công tác thăm dò, khai quật khảo cổ” tối đa không quá 200.000 đồng/ngày/người; cán bộ khoa học, kỹ thuật (thuộc cơ quan có chức năng thực hiện dự án thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc được cử tham gia thường xuyên và trực tiếp vào dự án thăm dò, khai quật khảo cổ) tối đa không quá 120.000 đồng/người/ngày. Đặc biệt, mức chi thuê khoán nhân công phục vụ công tác điều tra, đào thăm dò, khai quật khảo cổ, phân loại chỉnh lý di vật; chi thuê khoán bảo vệ công trường và kho tạm 24/24 giờ tối đa không quá 80.000 đồng/ngày/người. Đó là nội dung được quy định tại Thông tư liên tịch số 104 năm 2007 của Bộ Tài chính -Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về mức chi cho công tác thăm dò, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách Nhà nước. Thông tư đã được ban hành 10 năm nên mức thù lao theo quy định đã quá lạc hậu.

 

Khai quật di chỉ khảo cổ học Gò Miễu (xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh)

Khai quật di chỉ khảo cổ học Gò Miễu (xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh)


Trước đây, người viết đã từng đi thực địa tìm hiểu việc khai quật di chỉ khảo cổ học Vĩnh Yên (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh). Khảo cổ là công việc rất vất vả, ngoài các chuyên gia, cán bộ làm công tác khảo cổ còn phải thuê lao động phổ thông để làm những việc nặng nhọc. Được biết, trong các dự án thăm dò, khai quật khảo cổ những năm trước đây, Bảo tàng tỉnh đã phải linh động, vận dụng hết cỡ mới có thể có đủ tiền để thuê nhân lực. “Trước đây còn có thể vận dụng, nhưng hiện nay, nếu có dự án, chúng tôi cũng đành bó tay”, ông Hướng nói.


Bên cạnh quy định về mức chi nhân công, một số quy định về mức chi cho công tác lập hồ sơ khoa học, viết báo cáo khoa học... cũng không còn phù hợp với đời sống hôm nay. Theo thông tư, mức chi ảnh chụp di tích và di vật tối đa không quá 15.000 đồng/ảnh (bao gồm công chụp, chỉnh sửa và chi phí làm ảnh cỡ 9x12);  bản dập hoa văn và văn bia: tối đa không quá 50.000 đồng/bản khổ A4, không quá 100.000 đồng/bản khổ A3, không quá 200.000 đồng/bản khổ A2, không quá 400.000 đồng/bản khổ A0.


Theo ông Hoàng Trọng Thức - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, Khánh Hòa là địa bàn có nhiều khảo cổ. Trong tương lai, khi các dự án kinh tế được triển khai, chắc chắn sẽ cần phải tiến hành một số di chỉ khảo cổ học để bảo tồn hiện vật, nếu không có sự điều chỉnh về quy định mức thù lao công tác khảo cổ sẽ rất khó khăn.


Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho biết, vì đây là quy định của liên Bộ Tài chính - Văn hóa - Thể thao và Du lịch nên khi phê duyệt dự án sở không thể làm khác. Vấn đề quy định về thù lao cho người làm khảo cổ cũng đã từng được phản ánh ở những hội nghị hàng năm của ngành Văn hóa nhưng chưa được giải quyết.  


Tại cuộc họp,ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận kiến nghị của lãnh đạo Bảo tàng tỉnh. ông cho biết “sẽ nghiên cứu thêm một số chế độ chính sách của ngành Văn hóa” để có ý kiến với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong các kỳ họp sắp tới của Quốc hội.


XUÂN THÀNH