11:12, 15/12/2017

Người tâm huyết với văn hóa Raglai

Nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số là công việc kỳ công và gian khó. Biết vậy nhưng nhà nghiên cứu Trần Kiêm Hoàng (sinh năm 1962, công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Cam Ranh) vẫn miệt mài với những công trình nghiên cứu về văn hóa Raglai như trả nợ mảnh đất đã cưu mang anh một thời trai trẻ.

Nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số là công việc kỳ công và gian khó. Biết vậy nhưng nhà nghiên cứu Trần Kiêm Hoàng (sinh năm 1962, công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Cam Ranh) vẫn miệt mài với những công trình nghiên cứu về văn hóa Raglai như trả nợ mảnh đất đã cưu mang anh một thời trai trẻ.

 

 

Cách đây chừng 15 năm, lần đầu tiên lên Khánh Sơn công tác, tôi gặp nhà nghiên cứu Trần Kiêm Hoàng (khi ấy còn là cán bộ của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Khánh Sơn). Ngày đó, anh đã cung cấp, giảng giải cho tôi nhiều kiến thức về văn hóa của đồng bào Raglai. Sau này, gặp anh ở những hội diễn nghệ thuật quần chúng, hội thao ngày văn hóa Raglai… chuyện trò nhiều hơn, tôi lại càng cảm phục sự hiểu biết của anh về văn hóa đồng bào vùng cao. Cứ nghĩ, anh sẽ tiếp tục cuộc sống của một cán bộ văn hóa bình thường như bao nhiêu người khác. Bẵng đi một thời gian, khi thấy cái tên Trần Kiêm Hoàng xuất hiện dưới những bài viết, công trình nghiên cứu về văn hóa Raglai, tôi mới vỡ lẽ, anh đã âm thầm tích góp kiến thức, nghiên cứu về văn hóa Raglai từ rất lâu.


Hỏi chuyện, Trần Kiêm Hoàng cho biết anh bén duyên với việc nghiên cứu văn hóa dân gian từ những năm giữa thập niên 90 thế kỷ trươc. “Thời đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sang (đã mất) từ Nha Trang lặn lội lên Khánh Sơn để sưu tầm sử thi, nghiên cứu luật tục Raglai... Tôi cùng Mấu Quốc Tiến được theo phụ việc rồi dần đam mê với việc nghiên cứu từ lúc nào không hay”, anh Hoàng nhớ lại. Những ngày còn công tác ở Khánh Sơn, cứ rảnh rỗi là anh đi gặp các nghệ nhân, già làng để sưu tầm và dịch thuật sử thi, dân ca, truyện cổ Raglai. Từ năm 2007, khi chuyển về công tác ở Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Cam Ranh, anh vẫn tiếp tục với đam mê của mình. Anh còn dành thời gian theo học cao học về văn hóa học để có thể nghiên cứu một cách bài bản hơn.

 

Đồng bào Raglai huyện Khánh Sơn biểu diễn làn điệu dân ca trong ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Đồng bào Raglai huyện Khánh Sơn biểu diễn làn điệu dân ca trong ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam


Đến nay, anh đã có nhiều công trình nghiên cứu giá trị về văn hóa Raglai được giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam như: Tín ngưỡng của người Raglai ở Khánh Hòa; Yếu tổ biển trầm tích trong văn hóa Raglai ở Khánh Hòa; Tri thức bản địa của người Raglai ở Khánh Hòa; Các làn điệu dân ca Raglai (viết chung với Mấu Quốc Tiến); Văn hóa mẫu hệ trong sử thi Raglai ở Khánh Hòa… Ngoài ra, anh còn phối hợp với nhà nghiên cứu văn hóa Mấu Quốc Tiến sưu tầm, dịch truyện cổ và các sử thi của dân tộc Raglai như: Awơi Nãi Tilơr, Amã dam Cuvau Vongcơi, Amã dam ChiSa… Những công trình nghiên cứu của Trần Kiêm Hoàng và Mấu Quốc Tiến đã làm rõ hơn về đặc trưng văn hóa Raglai; đặc biệt là dấu ấn của biển trong văn hóa Raglai. Đơn cử như công trình Yếu tố biển trầm tích trong văn hóa Raglai (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2010) đã phân tích một cách kỹ lưỡng yếu tố biển sử thi, truyện cổ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca của người Raglai; đồng thời chỉ ra yếu tố biển trong các thành tố khác như: tang ma, kiến trúc nhà ở, nhà mồ, phong tục tập quán, lễ nghi cho đến hệ thống các thần linh. Những nghiên cứu này đã củng cố thêm cho nhận định dân tộc Raglai có xuất xứ từ biển, có mối liên hệ khá chặt chẽ với dân tộc Chăm.


So với một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian khác, công trình nghiên cứu của Trần Kiêm Hoàng có thể không bằng về số lượng, nhưng không ai có thể phủ nhận những đóng góp của anh về mảng nghiên cứu văn hóa dân tộc Raglai. Sự hiện diện của Trần Kiêm Hoàng cùng với Mấu Quốc Tiên chính là sự tiếp nối con đường nghiên cứu về văn hóa Raglai mà nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sang đặt nền móng. Trong xã hội đang biến đổi rất nhanh, nhiều nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một, việc có những công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian Raglai là hết sức đáng quý. “Tôi ước gì mình có nhiều thời gian hơn để có thể làm được nhiều hơn. Nhìn những nghệ nhân, già làng Raglai khuất núi mang theo nhiều kiến thức về văn hóa truyền thống mà không khỏi tiếc nuối”, anh bày tỏ.


XUÂN THÀNH