10:05, 02/05/2017

Biển của một thời

Trong làng văn nghệ Khánh Hòa, nhà báo Lê Đức Dương (bút danh Dương Trang Hương) không xa lạ. Nhắc đến anh, nhiều người nghĩ đến cây bút chuyên viết truyện cho thiếu nhi với các tập truyện ngắn như: Ơi con sáo mùa hạ, Cào cào áo đỏ, Chú ve sầu mùa thu, Thám tử tìm mèo…

Trong làng văn nghệ Khánh Hòa, nhà báo Lê Đức Dương (bút danh Dương Trang Hương) không xa lạ. Nhắc đến anh, nhiều người nghĩ đến cây bút chuyên viết truyện cho thiếu nhi với các tập truyện ngắn như: Ơi con sáo mùa hạ, Cào cào áo đỏ, Chú ve sầu mùa thu, Thám tử tìm mèo… Mới đây, anh cho in tiếp 2 tập truyện: Con tim mùa phượng vỹ và Biển một thời xa vắng.

 


Khác với các tập truyện trước đây, Biển một thời xa vắng (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) là tập truyện ngắn dành cho người lớn, mà ở đó độc giả nếm đủ vị mặn đắng của cuộc đời. Cuốn sách có 12 truyện ngắn được viết rải rác từ năm 1995 - 2017 với gần 160 trang in gần như đã khắc họa được những biến thiên về đời sống của thành phố biển Nha Trang. Từ một Nha Trang hoang sơ khi bác sĩ A.Yersin đặt chân đến, những năm đầu giải phóng đến thời hiện tại. Những trang viết ngắn ngủi của Lê Đức Dương đã giúp hậu thế nhìn nhận rõ hơn sự hy sinh thầm lặng của bác sĩ Yersin - người công dân danh dự của Việt Nam.


Sau khúc dạo đầu đó, tác phẩm đi vào những câu chuyện “đời” hơn. Truyện ngắn Biển một thời  là dòng hồi ức về câu chuyện “tình trong như đã mặt ngoài còn e” giữa anh lính giải phóng quân và người bạn gái con nhà tư sản trong những ngày Nha Trang vừa giải phóng. Cũng trong dòng chảy của ký ức, nhưng Hoa bồ công anh trong mưa có chút gì đó về sự hụt hẫng, đổ vỡ khi quá tin vào kỷ niệm xưa. Cây thùy dương không hát và Người ở chợ tái hiện không khí ngột ngạt những năm đầu sau giải phóng với chuyện thuế má, buôn lậu, xếp hàng mua mậu dịch, những phi vụ vượt biên, những cuộc tình dang dở của kẻ ở người đi... Các truyện ngắn dù viết ở ngôi thứ nhất (tôi) hay ngôi thứ ba đều mang tính hoài niệm khá rõ nét, giọng văn có chút gì đó nuối tiếc, bâng khuâng u hoài.


Trong Biển một thời xa vắng, những câu chuyện tưởng như không ăn nhập gì với nhau nhưng khi chắp nối lại người đọc có thể hình dung ra dòng chảy, sự biến thiên đời sống xã hội của một thành phố biển. Ở đó không chỉ có những hoài niệm về “thời thanh niên sôi nổi” nghèo khó, mà còn có những đổ vỡ, những biến đổi của đời sống, lòng người theo thời cuộc.  Theo dòng thời gian, bức tranh đời sống của phố biển nhích dần về với thì hiện tại với những sắc màu đầy chất hiện thực. Góc này là những cô gái quê đang muốn bám trụ lại thành phố với những nỗi lo toan về việc làm, kiếm sống; góc kia lại thấp thoáng hình bóng cô gái mới lớn có lối sống phóng túng quá mức, những mối tình vụng trộm trong những cuộc đi du lịch tập thể (Trăng ở biển), sự nhạt nhẽo của đời sống gia đình hiện tại (Vườn chuối)…


Lê Đức Dương có kiểu viết rất nhẹ nhàng nhưng thấm sâu. Anh thường kết thúc câu chuyện bằng những dòng trữ tình ngoại đề đầy sức gợi, kiểu như: “Tìm mãi nhưng tôi không sao tìm được cây thùy dương không hát của mình năm xưa. Chỉ có điều tất cả những cây dương cụt ngọn ở đây đều không hát trưa nay”. Người đọc có thể thấy tác giả đang nuối tiếc những gì đẹp đẽ của thành phố biển. Nếu để ý kỹ sẽ thấy trong tập truyện ngắn của anh, con người ngày càng thực dụng hơn, vô cảm hơn và cũng nhiều toan tính hơn... Biển một thời xa vắng là những trang viết u hoài về những gì đẹp đẽ đang trôi dần vào lãng quên!


XUÂN THÀNH