10:06, 21/06/2016

Từ "chị Thỏ Bông" đến "người cưỡi ngựa"

Năm 2004, nhà văn Phan Thị Vàng Anh cho ra mắt cuốn tạp văn Nhân trường hợp chị Thỏ Bông (bút danh Thảo Hảo). Cuốn sách với những bài viết gai góc, giọng văn sắc sảo, đôi chỗ còn cay nghiệt đã khiến người đọc hả hê khi đề cập đến những chuyện tiêu cực trong xã hội. ...

Năm 2004, nhà văn Phan Thị Vàng Anh cho ra mắt cuốn tạp văn Nhân trường hợp chị Thỏ Bông (bút danh Thảo Hảo). Cuốn sách với những bài viết gai góc, giọng văn sắc sảo, đôi chỗ còn cay nghiệt đã khiến người đọc hả hê khi đề cập đến những chuyện tiêu cực trong xã hội. Những ai từng đọc cuốn tạp văn của Thảo Hảo chắn hẳn sẽ không quên được những bài viết kiểu như: Tôi cũng muốn ăn cắp, Có đức mà không có tài, Ai cho mày chê con tao xấu?, Nếu tao là nhà nước...

 

Bìa sách Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa
Bìa sách Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa


12 năm sau, Phan Thị Vàng Anh mới cho ra mắt tập tản văn mới Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa. Tập sách gồm 19 bài được viết rải rác từ năm 2011 đến đầu năm 2016 (in trong chuyên mục Văn hóa - cuộc sống của Báo Nhân Dân), đề cập đến các vấn đề của xã hội, những câu chuyện đời quanh mình. So với những sắc sảo, tinh quái ngày trước, giờ nhà văn Vàng Anh đã đằm thắm ôn hòa hơn rất nhiều. Âu đó cũng là quy luật của thời gian khi người có tuổi thường nhìn mọi việc nhẹ nhàng hơn. Đơn cử như trong bài viết Đi tàu hỏa khi chưa đủ “5 sao”, tác giả đã vẽ nên sự nhếch nhác, lôm côm của đường sắt Việt Nam. Sau khi điểm lại những nét không đẹp, người viết nhỏ nhẹ nhắc nhở: “Chỉ cần được quan tâm hơn một chút, thay đổi đi một chút là đường sắt đã mang một diện mạo khác, lấy lại đúng vị thế của một phương tiện vốn mang lại nhiều mộng mơ cho trẻ con và các nhà thơ, mà không cần lắp thêm hệ thống đèn vàng lẫn những nhân viên xinh đẹp”. Nếu như hơn 10 năm trước, chắc chắn nhà văn sẽ không nhẹ nhàng như vậy. Còn nhớ thời ấy, khi xảy ra chuyện một cô giáo bắt 47 học sinh liếm ghế của cô (Cuối cùng là lè lưỡi), Phan Thị Vàng Anh có đặt giả tưởng, nếu có con trong lớp học ấy, chị sẽ “quật cho cháu nó một trận đến thụt cả lưỡi vào. Bởi vì, cái nỗi xấu hổ có con mất dạy đánh thầy, làm sao bằng nỗi nhục có con ngoan ngoãn liếm ghế cô!”.


Lấy tên Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa với ngụ ý mình chỉ là người “cưỡi ngựa xem hoa”, nhưng những câu chuyện trong tập tản văn này không hề hời hợt. Dù không còn quyết liệt nhưng vẫn là những trang viết đầy trăn trở, nhẩn nha mà vẫn rất sắc sảo theo kiểu gợi vấn đề cho người đọc suy ngẫm hơn là đi đến tận cùng như thời trước. Có thể bắt gặp lối viết ấy trong những bài viết: Về quê trước Tết, Một lần gói bánh chưng, Linh tinh quanh chuyện trồng cây, Quanh chuyện sống với người già, Nghĩ ngợi trong lúc dọn nhà… Chị kể về những đứa trẻ nhà quê không thuộc bài đồng dao nào, cũng chẳng biết trò chơi nào của trẻ con. Rồi những nghĩ ngợi khi dọn nhà, nấu bánh chưng đón Tết hay chuyện trồng cây. Những điều đó không xa lạ với mỗi người, điều khác là sau khi nhắc nhớ những chuyện ấy, tác giả đặt ra cách giải quyết vấn đề rất nhẹ nhàng. Thay vì than thở hãy trồng một cái cây dù lớn hay bé, hãy cố đọc 30 trang sách mỗi ngày, hãy ít nhìn màn hình máy tính, điện thoại để hướng đôi mắt ra xung quanh, nhìn cuộc đời tha nhân để hiểu thêm đời sống. Hay như trong bài viết Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa, nhà văn đã ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến đi Nhật, đó là những bài học quý giá về lịch sử, văn hóa, di sản…, nó khác với kiểu làm du lịch sinh thái - văn hóa vô hồn ở xứ ta.


Có thể nói, Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa, là sự già dặn về ngòi bút theo kiểu “gừng càng già càng cay”. Chị vẫn chứng tỏ được lối tư duy sắc sảo, ngòi bút có khả năng đánh động vấn đề, khiến không ít người đọc giật mình. Tuy nhiên, với nhiều người đọc đã trót yêu “chị Thỏ Bông” sẽ không thoát khỏi chút tiếc nuối, hụt hẫng. Văn cũng như người, cái ấn tượng lần đầu bao giờ cũng sâu đậm, khó phai.


THÀNH NGUYỄN