09:09, 20/09/2019

Bóng đá futsal: Thiếu sân chơi cho tuyến trẻ

Vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh, VFF tổ chức hội thảo Futsal chuyên nghiệp 2019 với sự góp mặt đông đủ của các đội bóng futsal mạnh cả nước. Tại hội thảo, ông Trần Duy Hiếu - Trưởng đoàn Futsal Sanvinest Sanatech Khánh Hòa có ý kiến về việc thiếu sân chơi cho tuyến trẻ. Ý kiến này đã nhận được nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn.

Vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh, VFF tổ chức hội thảo Futsal chuyên nghiệp 2019 với sự góp mặt đông đủ của các đội bóng futsal mạnh cả nước. Tại hội thảo, ông Trần Duy Hiếu - Trưởng đoàn Futsal Sanvinest Sanatech Khánh Hòa có ý kiến về việc thiếu sân chơi cho tuyến trẻ. Ý kiến này đã nhận được nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn.

 

Một cầu thủ trẻ của Sanvinest Sanna Khánh Hòa (bên phải) thi đấu tại giải vô địch quốc gia.

Một cầu thủ trẻ của Sanvinest Sanna Khánh Hòa (bên phải) thi đấu tại giải vô địch quốc gia.


Futsal Việt Nam 13 năm qua vẫn chậm tiến - đó là chia sẻ rất thẳng thắn của ông Trần Anh Tú - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Futsal Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trong buổi hội thảo. Theo ông Tú, kể từ giải đấu đầu tiên 2007 đến nay đã 13 năm nhưng cách thức tổ chức môn bóng đá futsal của chúng ta vẫn chỉ trên một sân trung lập, đá đúng một hạng duy nhất. Các đội tập trung đá trong vòng 2 tháng, nhiều nhất là 22 trận nhưng lại nghỉ đến 10 tháng, không phù hợp với yêu cầu của AFC. Do vậy, futsal Việt Nam muốn phát triển cần phải có sự thay đổi để tránh việc các đội bóng đứng trên đôi chân không chuyên nghiệp dự giải chuyên nghiệp.


Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đóng góp rất nhiều ý kiến xung quanh các vấn đề về cách thức tổ chức giải, thể thức, tần suất các trận đấu dày đặc khiến cầu thủ quá tải, những khó khăn về điều kiện cơ sở tập luyện, sân bãi… Trong đó, ý kiến của ông Trần Duy Hiếu - Trưởng đoàn Futsal Sanvinest Sanatech Khánh Hòa về việc thiếu sân chơi dành cho tuyến trẻ được giới chuyên môn quan tâm. Theo ông Hiếu, hiện nay, các đội bóng futsal Việt Nam như trường hợp của Savinest Sanna Khánh Hòa, Sanvinest Sanatech Khánh Hòa đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cầu thủ kế cận. Bởi một đội bóng dù có lứa cầu thủ hay đến mức nào nhưng theo thời gian, các cầu thủ này dần luống tuổi, nền tảng thể lực, phong độ bắt đầu giảm sút, cần có lứa cầu thủ trẻ thay thế. Song, để các cầu thủ trẻ trẻ bắt kịp trình độ của các đàn anh đòi hỏi cần có thời gian rèn giũa. Vấn đề ở chỗ, hiện nay bóng đá futsal nước ta chỉ có 1 giải duy nhất là giải vô địch quốc gia mà không có giải dành cho lứa tuổi U18, U19. Khi đưa các cầu thủ trẻ vào thi đấu với các anh lớn, chỉ cần thua một vài trận là các em bị khớp. Điều đó khiến tài năng bị thui chột. Do đó, rất cần một giải đấu dành cho lứa trẻ, không chỉ giúp các đội bóng đẩy mạnh công tác đào tạo trẻ mà còn là sân chơi để các cầu thủ có cùng trình độ được thể hiện tài năng, cọ xát, tích lũy kinh nghiệm.


Được biết, hiện nay, hầu hết các câu lạc bộ futsal cả nước đều rất chú trọng công tác đào tạo trẻ. Song với thực trạng chung là thiếu sân chơi, việc tìm kiếm, đào tạo được cầu thủ trẻ chất lượng đối với các câu lạc bộ futsal như “tìm kim đáy bể”. Không nói đâu xa, ngay tại giải futsal vô địch quốc gia HDBank 2019 năm nay, Sanvinest Sanna Khánh Hòa gặp rất nhiều khó khăn trong việc trẻ hóa đội hình. Cách đây 5 năm, Sanvinest Sanna Khánh Hòa (tên cũ là Sanna Khánh Hòa) bước lên ngôi vô địch giải đấu với lứa cầu thủ như: Quốc Chí, Văn Thanh, Thành Đạt… đạt phong độ đỉnh cao trong sự nghiệp. Thế nhưng, ở giải quốc gia năm nay, các cầu thủ này vẫn phải gồng gánh ở hầu hết các trận đấu của đội bóng, trong khi đó lứa cầu thủ trẻ của đội như: Quốc Hiền, Minh Hiếu, Kon So My Sor, Thế An… lại chưa bắt nhịp được với đàn anh. Do vậy, dù đã rất nỗ lực thi đấu nhưng đội bóng cũng chỉ cán đích vị trí thứ 7 mùa giải này.


Nhìn lại hệ thống đào tạo và thi đấu của bóng đá futsal, có thể thấy còn một khoảng trống mênh mông. Ngoài giải quốc gia thì các yếu tố khác để tạo ra được một phong trào mạnh là đào tạo trẻ, hệ thống thi đấu giải từ cấp cơ sở đều chưa có. Những thành quả hiện có chỉ là nỗ lực của một vài địa phương, một vài doanh nghiệp tâm huyết với bộ môn này. Nếu muốn phát triển bóng đá futsal trẻ thì phải có cơ sở hạ tầng thống nhất, hoàn chỉnh chung cho hệ thống các tuyến trẻ. Nhưng để làm được điều này không thể chỉ trông chờ vào “bầu sữa ngân sách”, mà đòi hỏi những nhà quản lý có tầm nhìn dài hơi và chiến lược hơn.


AN NHIÊN