10:02, 25/02/2019

Phải đi từng bước!

Vậy là đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam đã phải dừng bước ở trận bán kết vòng chung kết U22 Đông Nam Á, trước đội tuyển U22 Indonesia. Đây cũng không phải là điều gì quá bất ngờ, khi đội tuyển U22 Việt Nam vốn không được đánh giá cao.

Vậy là đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam đã phải dừng bước ở trận bán kết vòng chung kết U22 Đông Nam Á, trước đội tuyển U22 Indonesia. Đây cũng không phải là điều gì quá bất ngờ, khi đội tuyển U22 Việt Nam vốn không được đánh giá cao.


Những gì đội tuyển U22 Việt Nam trình diễn tại vòng chung kết U22 Đông Nam Á 2019 có thể đánh giá tóm tắt bởi 2 chữ: nghèo nàn. Các cầu thủ trẻ đội tuyển Việt Nam tuy vẫn có sự nhỉnh hơn về trình độ kỹ thuật cá nhân, nhưng không chỉ thể lực thể hình không có gì vượt trội, mà tư duy chiến thuật cũng như các mảng miếng phòng ngự lẫn tấn công đều tương đối nghèo nàn. Lối chơi đơn giản, không có khả năng tạo nên đột biến cao, yếu trong các pha bóng chết… khiến cho đội tuyển U22 Việt Nam không thể đạt được mục tiêu là đi tới trận chung kết.


Vậy, người ta có thể thấy gì từ giải đấu này? Đây chính là lứa cầu thủ trẻ kế cận, là những người sẽ kế tục lớp cầu thủ đã lên ngôi vô địch AFF Cup 2018 và lọt vào nhóm 8 đội mạnh nhất Asian Cup 2019. Nếu không tính tới những cầu thủ còn trong lứa U22 nhưng đã sớm là trụ cột của đội tuyển quốc gia như: Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng… thì vòng chung kết U22 Đông Nam Á 2019 này, có bao nhiêu cái tên của U22 Việt Nam có thể đọng lại được trong lòng người hâm mộ, có thể chứng tỏ được tài năng xứng đáng là một lứa cầu thủ kế cận? Chắc chắn đó sẽ là điều rất khó nói.


Với một lứa cầu thủ kế cận như thế, với 2 lần vô địch AFF Cup, lần đầu tiên trong lịch sử có một vị trí trong nhóm 8 đội mạnh nhất Asian Cup, chúng ta đã mạnh dạn đặt kỳ vọng cao cho rất nhiều mục tiêu. Đó là đội tuyển Việt Nam thay thế đội tuyển Thái Lan cho vị trí đội tuyển mạnh nhất khu vực Đông Nam Á; đó là mục tiêu của đội tuyển Việt Nam phải chuyển sang tầm cỡ châu lục, chứ không để mắt tới những giải đấu khu vực; đó là hy vọng vào khả năng tham dự vòng chung kết World Cup 2022… Tức là, chỉ với 1 lứa cầu thủ “thế hệ vàng”, chúng ta tự cho rằng mình đã đứng đầu khu vực, có thể “tung hoành” tầm cỡ châu lục, có thể nghĩ tới những mục tiêu mà người Thái còn chưa dám mơ tới?


Hãy nhìn vào đội tuyển Thái Lan và xem lý do tại sao họ được đánh giá là đội tuyển mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Đó là 1 lần hạng ba Asian Cup, 2 lần hạng tư ASIAD, 5 lần vô địch AFF Cup, 9 lần vô địch SEA Games… Ngoài ra, còn vô số thành tích từ các cấp đội tuyển trẻ như U19, U20, U22, U23… Đánh giá đội tuyển mạnh nhất khu vực Đông Nam Á không phải đến từ một hai chức vô địch, một hai mùa giải thành công, mà nó đến từ rất nhiều chức vô địch, đến từ sự thành công của nhiều thế hệ cầu thủ nối tiếp nhau, đến từ một hệ thống đào tạo trẻ không ngừng cung cấp dòng máu mới cho đội tuyển quốc gia, đến từ cách làm bóng đá rất căn cơ và bài bản.


Còn chúng ta thì sao? Chỉ với 2 chức vô địch AFF Cup, 1 lần lọt vào nhóm 8 đội mạnh nhất Asian Cup mà chúng ta đã tự huyễn hoặc nhau rằng chúng ta đã vượt qua người Thái, chúng ta không cần phải quan tâm đến “ao làng” Đông Nam Á, phải nhắm tới những mục tiêu cao hơn, xa hơn, mà dường như quên rằng, thậm chí chúng ta còn chưa từng vô địch SEA Games, chưa từng vượt qua được vòng bảng ASIAD, thậm chí còn không quan tâm chúng ta có thế hệ kế cận tương xứng hay chưa. Nói đó là lối suy nghĩ “ăn xổi ở thì”, là căn bệnh thành tích cũng không hề quá. Đường là phải đi từng bước, không phải cái gì cũng có thể “đi tắt đón đầu”, đặc biệt là trong bóng đá. Tập trung đào tạo những lứa cầu thủ trẻ kế cận tài năng mới là con đường đúng đắn nhất, đưa bóng đá Việt Nam lên những tầm cao mới.


TRẦN KHÁNH