07:05, 08/05/2019

Thành - bại tại Messi!

Liverpool lại một lần nữa chứng tỏ họ xứng đáng với danh hiệu "vua đấu cúp" khi mà đêm Istanbul huyền ảo đã được "phục dựng" ngay tại thánh địa Anfield. Trong khi đó, thầy trò huấn luyện viên Ernesto Valverde cũng "phục dựng" lại một hình ảnh, nhưng đáng buồn thay, đó lại là hình ảnh cú ngã ngựa không tưởng trước AS Roma tại đấu trường Champions League mùa giải trước.

Liverpool lại một lần nữa chứng tỏ họ xứng đáng với danh hiệu “vua đấu cúp” khi mà đêm Istanbul huyền ảo đã được “phục dựng” ngay tại thánh địa Anfield. Trong khi đó, thầy trò huấn luyện viên Ernesto Valverde cũng “phục dựng” lại một hình ảnh, nhưng đáng buồn thay, đó lại là hình ảnh cú ngã ngựa không tưởng trước AS Roma tại đấu trường Champions League mùa giải trước.
 
Lionel Messi gục ngã, đồng nghĩa với Barcelona cũng gục ngã.
Lionel Messi gục ngã, đồng nghĩa với Barcelona cũng gục ngã.
Không đi đâu cho xa, ngay ở mùa giải trước đó, chính huấn luyện viên Ernesto Valverde đã cùng câu lạc bộ Barcelona là nạn nhân của một cú lội ngược dòng không tưởng của câu lạc bộ AS Roma, ở vòng tứ kết Champions League 2017-2018. Đó là khi họ đã dẫn trước với tỷ số 4-1 ở trận tứ kết lượt đi trên sân Camp Nou, nhưng lại dễ dàng để cho AS Roma đánh bại với tỷ số 3-0 trên sân Olimpico, để rồi bị loại với luật bàn thắng trên sân khách.
 
Và ở Champions League 2018-2019, bản lĩnh “khôn nhà dại chợ” của Barcelona lại một lần nữa… lên tiếng, khi mà họ tiếp tục là nạn nhân của một cuộc lội ngược dòng khác, mà chủ nhân cuộc lội ngược dòng lần này là Liverpool. Đó là đối thủ mà họ cũng đã có trận thắng đậm với cách biệt 3 bàn thắng, để rồi thầy trò huấn luyện viên Ernesto Valverde lại bằng một cách nào đó hết sức khó hiểu, dễ dàng sụp đổ nơi sân khách, chịu thua ngược trước Liverpool với tỷ số 4-0. Rõ ràng là khi Barcelona hành quân tới sân Olimpico, người ta nói AS Roma cần một phép màu để có thể lách qua khe cửa đã hết sức hẹp; và rồi khi Barcelona hành quân tới sân Anfield, người ta vẫn nói Liverpool cũng cần một phép màu để có thể đến với trận chung kết Champions League 2018-2019. Và dường như, phép màu đã xảy ra hơi nhiều, đặc biệt là nó lại thường xuyên ngã về phía đối lập với Barcelona.
 
Nên nhớ, lần gần nhất mà câu lạc bộ Barcelona lên ngôi vô địch Champions League đã là mùa giải 2014-2015, thời điểm có thể nói là cực thịnh của Barcelona trong những năm gần đây. Đó là một đội hình toàn là những danh thủ đẳng cấp thế giới như: Dani Alves, Andres Iniesta, Neymar, Luis Suarez, Lionel Messi… dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Luis Enrique. Nhưng cho đến thời huấn luyện viên Ernesto Valverde, hàng loạt trụ cột như Javier Mascherano, Andres Iniesta, Neymar, Dani Alves… đã không còn, đi kèm đó là gánh nặng tuổi tác của những Sergio Busquets, Luis Suarez… khiến cho Barcelona phải tích cực trẻ hóa. Để duy trì sự thành công, Ernesto Valverde buộc phải xây dựng một sơ đồ chiến thuật xoay xung quanh ngôi sao sáng nhất của họ: Lionel Messi.
 
Không phải nói huấn luyện viên Ernesto Valverde không có tài năng, bởi vị huấn luyện viên này đã 2 lần đưa Barcelona lên ngôi vô địch vào mùa giải 2017-2018 và 2018-2019. Bất quá, chỉ cần nhìn cái cách mà Barcelona “không nhà dại chợ”, cái cách mà Barcelona 2 lần bị loại khỏi Champions League một cách tức tửi, đã cho thấy Ernesto Valverde đang lâm vào tình cảnh “cái khó bó cái khôn”, hay nói cách khác đó là lâm vào hoàn cảnh: thành tại Messi, mà bại cũng tại Messi.
 
Nói như vậy không có nghĩa là người ta đang tìm cách đổ lỗi cho Messi cho những thất bại của Barcelona. Mà ở đây, người ta đang nói sự phụ thuộc quá đà của Barcelona vào Lionel Messi. Có thể diễn tả ngắn gọn sự phụ thuộc ấy như thế này: vào một ngày đẹp trời, khi mà Lionel Messi có được phong độ tốt nhất, Barcelona có thể “ăn tươi nuốt sống” bất cứ ông lớn nào trên thế giới; nhưng vào một ngày mà Lionel Messi phong độ không được như ý, thì Barcelona có thể tuột dốc không phanh.
 
Chiến thuật của Barcelona dưới thời Ernesto Valverde không có gì khó để phân tích, toàn bộ đội hình Barcelona sẽ vận động xung quanh hạt nhân là Messi, họ sẽ động khi Messi động, họ sẽ tĩnh khi Messi tĩnh. Một khi Messi chưa động, Barcelona sẽ chơi thực dụng hết sức có thể để bảo vệ chắc khung thành. Và một khi Messi có phong độ tốt, có thể dẫn bóng vượt qua vài cầu thủ phá hỏng hệ thống phòng ngự của đối phương, có thể sút phạt quả nào vào quả đấy, mọi chuyện sẽ hết sức dễ giải quyết. Nhưng khi Messi không có phong độ tốt, hoặc thiếu một chút gì đó may mắn cần thiết, thì Barcelona lại không có bất cứ cầu thủ nào có thể san sẻ gồng gánh trách nhiệm cùng Messi.
 
Đó cũng là hình ảnh của Barcelona trên sân đối phương, quá dễ đoán khi mọi đường chuyền đều tập trung vào Lionel Messi, rồi… chờ đợi điều kì diệu xảy ra với đôi chân của cầu thủ này. Và nhiệm vụ của đối thủ Barcelona từ đó sẽ đơn giản hơn nhiều khi tìm cách cắt đứt mối liên hệ giữa Messi cùng đồng đội, rồi trông chờ vào thời điểm Messi bế tắc kéo theo Barcelona sụp đổ một cách có hệ thống.
 
2 lần bị lội ngược dòng không tưởng trên sân đối phương, 2 lần bị loại một cách nhục nhã tại đấu trường Champions League có lẽ đã là quá đủ để Ernesto Valverde có thể tiếp tục giữ ghế tại Barcelona. Thế nhưng nếu huấn luyện viên mới cứ phải tiếp tục cái chiến lược “thành tại Messi, bại cũng tại Messi” ấy, thì kịch bản Barcelona lại phải làm nền cho những cuộc lội ngược dòng kinh điển khác trong tương lai, e rằng vẫn sẽ phải viết tiếp.
Cao Duy