10:12, 16/12/2018

Làm từ gốc

Thế là sau 10 năm chờ đợi, chiếc cúp vô địch AFF đã về tay đội tuyển Việt Nam lần thứ 2 trong lịch sử. Đó không chỉ là chức vô địch người dân Việt Nam đã trông đợi từ rất lâu, mà nó còn là sự vượt trội của đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển Malaysia trong trận chung kết, điều mà tỷ số 3-2 sau 2 lượt đấu không thể hiện ra được. Có thể nói, đó là thành quả ấn tượng của việc xây dựng từ gốc.

Thế là sau 10 năm chờ đợi, chiếc cúp vô địch AFF đã về tay đội tuyển Việt Nam lần thứ 2 trong lịch sử. Đó không chỉ là chức vô địch người dân Việt Nam đã trông đợi từ rất lâu, mà nó còn là sự vượt trội của đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển Malaysia trong trận chung kết, điều mà tỷ số 3-2 sau 2 lượt đấu không thể hiện ra được. Có thể nói, đó là thành quả ấn tượng của việc xây dựng từ gốc.


Đó là việc xây dựng cái gốc của đội tuyển, cụ thể đó là ký hợp đồng với Huấn luyện viên (HLV) Park Hang Seo, cũng như chấp nhận theo đuổi một lối chơi mang đậm tính thực dụng và chiến thuật của vị HLV này. Dưới thời HLV Park Hang Seo, tư duy chiến thuật “thêu hoa dệt gấm”, lối chơi bóng nhỏ mà lâu nay vẫn được cho là phù hợp với đội tuyển Việt Nam đã được dẹp bỏ hoàn toàn. Thay vào đó là sự chú trọng về mặt thể lực, thể hình, tư duy chiến thuật hiện đại, và một lối chơi phòng ngự phản công mang đậm nét thực dụng. Trên thực tế, lối chơi đó đã lập tức thể hiện được sự hiệu quả bằng danh hiệu Á quân ở giải U23 châu Á, và khi phát triển lên cấp độ đội tuyển quốc gia thì thành quả chính là chức vô địch AFF Cup 2018. Lựa chọn cái “gốc” chiến thuật đúng đắn, bóng đá Việt Nam đã hưởng quả ngọt.

 


Đó là việc đầu tư xây dựng cái gốc từ thế hệ cầu thủ trẻ. Với việc chú trọng vào đào tạo trẻ một cách bài bản hơn, nghiêm túc, chính quy hơn, hàng loạt học viện bóng đá đã ra đời và nâng tầm theo tiêu chuẩn quốc tế, chứ không đơn giản là những đội tuyển trẻ của các câu lạc bộ tự đầu tư một cách tự phát nữa. Từ những “lò” bóng đá có chất lượng cao như: Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội, Viettel, Sông Lam Nghệ An, VPF… những lứa cầu thủ trẻ được đào tạo không chỉ kỹ năng về bóng đá, mà còn là tư duy chiến thuật hiện đại, phát triển thể chất, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, văn hóa… một cách đầy đủ xuất hiện ngày một nhiều. Chính việc chú trọng đào tạo tốt từ gốc này mà những cầu thủ trẻ trụ cột của đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 như: Quế Ngọc Hải, Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu, Văn Đức, Công Phượng, Xuân Trường… đã được phát triển và trưởng thành, để rồi có thành quả như hiện tại.


Đó là việc xây dựng cái “gốc” trong lối chơi là từ hệ thống phòng ngự. Việc chú trọng nghiên cứu và tìm kiếm nhân sự cho hệ thống phòng ngự của HLV Park Hang Seo đồng nghĩa với việc “gieo trồng” một cái gốc chắc chắn phát triển phần ngọn bên trên. Thành quả đó là một hệ thống phòng ngự chắc chắn nhất AFF Cup 2018, khi cả giải đấu chỉ để thủng lưới 4 bàn, nổi bật nhất chính là bộ 3 trung vệ Duy Mạnh - Đình Trọng - Ngọc Hải, có thể xem là những trung vệ hay nhất Việt Nam trong 10 năm gần đây. Ngoài ra, sự chắc chắn của thủ thành Đặng Văn Lâm, cũng như khả năng lên công về thủ toàn diện của Trọng Hoàng, Văn Hậu, Huy Hùng, Hùng Dũng… chính là gốc rễ cho những chiến thắng của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018.


Với sự phát triển một cách bài bản và chắc chắn như vậy, những người hâm mộ bóng đá Việt Nam có thể tự tin nền bóng đá nước nhà sẽ còn phát triển cao và xa hơn nữa. AFF Cup 2018 chỉ là một sự bắt đầu, và có lẽ, ngày bóng đá Việt Nam vươn xa hơn ở tầm châu lục sẽ không còn quá xa.


Trần Khánh