02:12, 07/12/2017

Những hệ lụy từ việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel

Jerusalem là vấn đề hết sức nhạy cảm và việc Tổng thống Trump công nhận thành phố này là thủ đô của Israel sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường.

Jerusalem là vấn đề hết sức nhạy cảm và việc Tổng thống Trump công nhận thành phố này là thủ đô của Israel sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường.
 
Theo Guardian, thành phố Jerusalem chính là vấn đề mà các bên hết sức né tránh trong quá trình đàm phán về hòa bình giữa Palestine và Israel trong vài chục năm qua. Tuy nhiên, cách tiếp cận đầy bất ngờ của Tổng thống Donald Trump có thể khiến những nỗ lực của các bên “đổ xuống sông xuống biển”.
Rủi ro quá lớn từ việc phớt lờ cộng đồng quốc tế
 
Từ cuối tuần qua, trước thông tin ông Trump sẽ công khai công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và thúc đẩy tiến trình chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về đây, rất nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã lên tiếng cảnh báo Tổng thống Mỹ cần kiềm chế trong vấn đề này.
 
Tuy nhiên, ông Trump đã phớt lờ mọi lời cảnh báo và cho rằng, ông cần phải tiến hành cam kết chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem như ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016. Hành động này của ông Trump đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các quốc gia Arab, trong đó có các đồng minh thân cận của Mỹ như Saudi Arabia hay Jordan.
 

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
 
Điều này là bởi, vấn đề Jerusalem thuộc về ai cho đến nay vẫn gây ra rất nhiều tranh cãi. Israel vẫn thường xuyên tuyên bố thánh địa của cả Thiên chúa giáo, Do thái giáo và Hồi giáo này là “thủ đô thống nhất và vĩnh viễn” của mình. Tuy nhiên lịch sử lại không hoàn toàn đứng về phía Israel.
 
70 năm trước, sau khi chế độ thực dân của Anh ở Palestine chấm dứt, Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu chấp thuận việc chia cắt vùng đất Palestine thành 2 nhà nước Arab và Do Thái. Jerusalem khi đó được coi là một thực thể được chia đôi giữa 2 quốc gia dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc.
 
Nhưng những gì diễn ra trên thực địa lại càng khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Năm 1948, Jerusalem được chia thành 2 khu vực Tây và Đông dưới sự quản lý của Israel và Jordan. 19 năm sau, tháng 6/1967, Israel chiếm khu vực phía Đông, mở rộng vùng này và đơn phương sát nhập Jerusalem vào lãnh thổ của mình. Hành động này của Israel chưa từng được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
 
Việc Mỹ công nhận Jerusalem là của Israel sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến hòa bình và an ninh tại khu vực Trung Đông nhất là trong bối cảnh sự công nhận của Mỹ hoàn toàn đi ngược lại với đòi hỏi của Palestine rằng Đông Jerusalem phải trở thành thủ đô của nhà nước Palestine độc lập trong tương lai. Hơn thế nữa, cộng đồng quốc tế cũng cho rằng, vấn đề Jerusalem phải được bàn thảo kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
 
Ông Saeb Erakat, nhà đàm phán kỳ cựu của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cho rằng, sự thay đổi quan điểm của Mỹ về vấn đề Jerusalem cũng đồng nghĩa với việc “Mỹ tự loại mình ra khỏi bất kỳ sáng kiến nào liên quan đến việc đạt được nền hòa bình lâu dài tại Trung Đông”.
 
Trong khi đó, Quốc vương Jordan Abdullah- một đồng minh thân cận của Mỹ- cũng cảnh báo, động thái “hết sức nguy hiểm này của Mỹ” có thể “là lỗ hổng để những kẻ khủng bố khơi gợi sự thù hằn và reo rắc tâm lý phản kháng vào đầu người dân trong khu vực để phục vụ lý tưởng man rợ của chúng”.
 
Những rắc rối trên thực địa
 
Không chỉ phức tạp về lịch sử và chính trị, vấn đề Jerusalem được cho là còn hết sức rắc rối khi động đến cả vấn đề chủng tộc, tôn giáo và an ninh. Hiện, số dân Do Thái sinh sống tại Jerusalem đông gần gấp đôi so sới dân Arab (63% so với 37%).
 
Hơn thế nữa, người Arab luôn sống trong tình trạng nơm nớp không yên bởi quyền cư trú của họ tại Jerusalem có thể bị chính quyền Do Thái tước bỏ bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, từ sau năm 1967, chính quyền Do Thái cũng đã lập hàng rào vây quanh các khu định cư của người Arab nhằm cô lập và chia rẽ họ.
 
Tình hình bất ổn tại khu vực Núi Đền gần Bức tường phía Tây ở Jerusalem cũng chưa được giải quyết triệt để. Hồi tháng 7, một cuộc biểu tình lớn đã bùng phát sau khi hai tay súng Arab sát hại 2 cảnh sát Israel. Căng thẳng leo thang đã khiến chính quyền Do Thái thiết lập các thiết bị dò kim loại tại khu vực này.
 
Hành động của chính quyền Israel sau đó bị chỉ trích là vi phạm nghiêm trọng việc duy trì hiện trạng trong khu vực và khiến các chuyên gia buộc phải lên tiếng cảnh báo về những kịch bản tồi tệ hơn trong tương lai.
 
Về lý thuyết, Tổng thống Mỹ hoàn toàn có thể công nhận Jerusalem là thủ đô của cả Israel và Palestine. Điều này sẽ giúp tái khẳng định cam kết của Mỹ về giải pháp “hai nhà nước” trong khu vực. Tuy nhiên, điều này được cho là rất khó xảy ra nếu xét đến những gì ông Trump đang tiến hành đối với vấn đề hòa bình Trung Đông.
 
Theo các chuyên gia, đến thời điểm này, Saudi Arabia được cho là nước duy nhất có thể tác động đến ông Trump trong vấn đề Jerusalem. Điều này được thể hiện qua việc ông Trump cử cố vấn cao cấp và cũng là con rể Jared Kushner đến Saudi Arabia để tham vấn Thái tử Mohammed bin Salman.
 
Dường như trong mắt ông Trump, Thái tử Mohammed bin Salman là người rất đáng tin cậy trong việc đương đầu với “những mối đe dọa từ Iran” cũng như có khả năng cùng với Mỹ tham gia vào tiến trình đàm phán hướng đến hòa bình giữa Palestine và Israel.
 
Tuy nhiên, nếu chịu “lắng nghe” Saudi Arabia, lẽ ra Tổng thống Mỹ Donald Trump không nên công khai tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel bởi điều này sẽ giúp Mỹ tránh được những hệ lụy không đáng có liên quan đến vấn đề hòa bình Trung Đông./.
 
Theo VOV