Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), thêm 9 xã NTM nâng cao là 2 mục tiêu quan trọng của chương trình NTM mà thị xã Ninh Hòa đặt ra đến năm 2025. Địa phương cũng đã lên kế hoạch, lộ trình và giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu này.
Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), thêm 9 xã NTM nâng cao là 2 mục tiêu quan trọng của chương trình NTM mà thị xã Ninh Hòa đặt ra đến năm 2025. Địa phương cũng đã lên kế hoạch, lộ trình và giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu này.
Đồng lòng thực hiện
Hơn 10 năm trước, 20 xã tham gia chương trình NTM ở Ninh Hòa đều có xuất phát điểm rất thấp. Các tiêu chí về: Điện, đường, trường, trạm, thu nhập, lao động có việc làm, môi trường… hầu như chưa có xã nào chạm đến mức đạt theo yêu cầu của chương trình. Nhưng, với sự quyết tâm, đồng lòng thực hiện, đến hết năm 2021, thị xã đã có 16/20 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã NTM nâng cao (xã Ninh Quang). Đời sống kinh tế, văn hóa của người dân khu vực nông thôn được nâng lên rõ rệt; bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực; tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%; nhà ở dân cư được kiên cố hóa, không còn nhà tạm, dột nát.
Đặc biệt, đã có nhiều mô hình, cách làm kinh tế hiệu quả hơn được áp dụng, từ rau VietGAP ở Ninh Đông, Ninh Thân đến các thương hiệu gạo Ngọc Quang, dừa xiêm Ninh Đa, gà nòi thương phẩm Ninh An, nấm Ninh Hưng… dần xuất hiện ngày một nhiều hơn. Trong năm 2022, có thêm các sản phẩm như: Bồ câu Quốc Anh ở Ninh Sơn, trà dược liệu xáo tam phân ở Ninh Tân, khoai sáp ruột vàng ở Ninh Lộc… hứa hẹn mở thêm hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân ở các xã này. Ngoài ra, ở khu vực phía tây của thị xã đã định hình được các mô hình farm tổng hợp trồng đủ các loại cây như: Xoài, bưởi, bơ, măng tây, mít… theo hướng hữu cơ, bền vững. Không chỉ cho ra thị trường nhiều loại nông sản chất lượng cao, các khu vườn này còn là điểm đến trong tương lai gần của những ai thích du lịch trải nghiệm, khám phá.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, để có được thành quả đó, công tác tuyên truyền, vận động, huy động sức mạnh của toàn dân là yếu tố then chốt. Giai đoạn 2021-2025, thị xã tiếp tục coi công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết định đến tiến độ thực hiện chương trình NTM. Do đó, UBND thị xã thường xuyên chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền với hình thức đa dạng, phong phú nhằm tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong đội ngũ cán bộ và nhân dân, giúp mỗi người dân hiểu rõ vai trò chủ thể, phát huy nội lực, từ đó đồng tâm, chung sức, tự giác, chủ động tham gia. Thị xã tiếp tục coi chương trình NTM là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Do đó, việc đề cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng NTM tiếp tục được đẩy mạnh.
Tập trung phát triển kinh tế
Thị xã Ninh Hòa đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 có thêm 4 xã NTM gồm: Ninh An, Ninh Thượng, Ninh Phước, Ninh Tây; 9 xã NTM nâng cao gồm: Ninh Đông, Ninh Phú, Ninh Bình, Ninh Hưng, Ninh Phụng, Ninh Thọ, Ninh Tân, Ninh Thân, Ninh Vân; 2 xã NTM kiểu mẫu là Ninh Quang và Ninh Đông. |
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình NTM thị xã Ninh Hòa giai đoạn 2021-2025 vừa được phê duyệt, các giải pháp về đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế phục vụ đời sống, sản xuất của người dân khu vực nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, nhu cầu đầu tư Chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025 bao gồm nhu cầu vốn sự nghiệp khoảng 32,3 tỷ đồng và gần 1.132 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển. Việc đầu tư hạ tầng một mặt phục vụ đời sống của người dân, mặt khác giúp cho nông dân phát triển kinh tế, nhất là đối với các hạng mục liên quan đến giao thông, thủy lợi.
Đối với nguồn vốn sự nghiệp, phần lớn số vốn được dùng để trợ lực cho người dân củng cố, nâng cấp, thay đổi cách thức làm ra sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể là việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn, hỗ trợ phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn, thực hiện tốt chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, tập trung củng cố và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào nông nghiệp, nông thôn. Giai đoạn này, thị xã dự kiến dành khoảng 10 tỷ đồng hỗ trợ chương trình OCOP, 8 tỷ đồng cho đào tạo nghề lao động nông thôn, hơn 600 triệu đồng hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn… nhằm nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hải, hiện nay, tỉnh chưa ban hành Bộ tiêu chí NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh nên việc triển khai rà soát của các địa phương còn gặp khó khăn. Đồng thời, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức đạt chuẩn các tiêu chí khá cao. Chẳng hạn như tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển nông thôn với chỉ tiêu: thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP; ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc; vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực của xã được cấp mã vùng... là những chỉ tiêu không dễ thực hiện trong điều kiện hiện nay. Ngoài ra, các tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa... cần kinh phí đầu tư khá lớn để đạt chuẩn trong khi nguồn ngân sách cấp huyện, cấp xã còn hạn chế. Do đó, thị xã đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, bổ sung thêm kinh phí cho ngân sách thị xã để bố trí vốn đối ứng thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Hồng Đăng