09:12, 22/12/2019

Cam Ranh: Nan giải hoàn thành chuẩn nông thôn mới

Sau 10 năm thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới, TP. Cam Ranh đã có 3/6 xã đạt chuẩn, 3 xã còn lại đang gặp khó khăn, đặc biệt là xã Cam Thịnh Tây.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới, TP. Cam Ranh đã có 3/6 xã đạt chuẩn, 3 xã còn lại đang gặp khó khăn, đặc biệt là xã Cam Thịnh Tây.


Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả


Theo báo cáo của UBND TP. Cam Ranh, thời gian qua, thành phố đã nhận được 850 triệu đồng từ nguồn ngân sách Trung ương cấp cho các xã: Cam Thành Nam, Cam Bình, Cam Thịnh Đông và Cam Lập thực hiện các mô hình phát triển ngành nghề nông thôn và tổ hợp tác. Từ nguồn kinh phí này, các xã đã thành lập và phát triển có hiệu quả nhiều mô hình như: Chế biến bảo quản rau, củ, quả và mô hình máy gặt đập liên hợp tại xã Cam Thành Nam; tổ hợp tác sản xuất chổi cọng dừa, muối, nhang tại xã Cam Thịnh Đông; nuôi tôm bằng lồng, bè nổi tại xã Cam Bình; sản xuất lúa giống, nuôi chim bồ câu sinh sản, nuôi cừu ở xã Cam Thịnh Đông; nuôi bò sinh sản ở xã Cam Lập. Các tổ hợp tác này đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng trên toàn xã.

 

Mô hình nuôi dê ở xã Cam Thành Nam giúp người dân cải thiện thu nhập.

Mô hình nuôi dê ở xã Cam Thành Nam giúp người dân cải thiện thu nhập.


Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, ngoài nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ các mô hình, từ năm 2013 đến nay, ngân sách tỉnh cũng đã hỗ trợ 2,3 tỷ đồng cho 6 xã trên địa bàn thành phố phát triển sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Qua việc hỗ trợ, sản xuất nông nghiệp có những thay đổi rõ rệt, năng suất năm sau cao hơn năm trước, chất lượng sản phẩm mang tính hàng hóa cao, từng bước xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, tinh thần hợp tác và tính tập thể ngày càng thể hiện rõ nét, nhiều mô hình mang tính tập thể được nhân rộng. Đến nay, 6 xã đã thành lập được 16 tổ hợp tác sản xuất và 5 hợp tác xã trên lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra còn phát triển mới 438 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ.


3 xã đang gặp khó khăn


Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, mới đây, thành phố đã tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới. Sau 10 năm, đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Cam Bình, Cam Lập và Cam Thịnh Đông. Còn 3 xã gồm Cam Thành Nam, Cam Phước Đông và Cam Thịnh Tây vẫn đang nỗ lực hoàn thành 19 tiêu chí theo quy định. Tuy nhiên, chỉ có xã Cam Thành Nam thuận lợi, còn 2 xã Cam Phước Đông và Cam Thịnh Tây gặp rất nhiều khó khăn.


Hiện nay, xã Cam Thành Nam đã đạt 18/19 tiêu chí nông thôn mới, còn 1 tiêu chí quốc phòng và an ninh do chỉ huy phó quân sự xã chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định. Dự kiến năm 2020, xã Cam Thành Nam sẽ hoàn thiện tiêu chí này. Xã Cam Phước Đông cũng mới đạt 14/19 tiêu chí; 5 tiêu chí chưa đạt gồm: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng và an ninh. Thành phố đặt kế hoạch phấn đấu đến cuối năm 2021, xã Cam Phước Đông đạt thêm tiêu chí giao thông và cơ sở vật chất văn hóa. Đến năm 2022, thành phố tập trung đầu tư mọi nguồn lực phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo để hoàn thành 3 tiêu chí còn lại.


Ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, đáng lo nhất là xã Cam Thịnh Tây bởi đến nay, xã mới đạt 7/19 tiêu chí. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng nếu không có giải pháp căn cơ thì Cam Thịnh Tây rất khó đạt. Hiện nay, xã còn tới 12 tiêu chí chưa đạt, trong đó có những tiêu chí rất khó hoàn thành trong điều kiện của xã như: Hạ tầng thương mại nông thôn, nhà ở dân cư, thu nhập, tổ chức sản xuất…


Xã Cam Thịnh Tây cũng khó thành lập hợp tác xã. Nguyên nhân do ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết có hạn, thói quen canh tác lạc hậu và không có tư duy làm kinh tế nên để họ liên kết với nhau, bầu ra hội đồng quản trị rất khó. Cái khó thứ 2 là tiêu chí thu nhập. “Theo tính toán, mỗi gia đình 5 người thì có 3 lao động chính, phải đạt thu nhập 6,8 triệu đồng/tháng mới đạt chuẩn. Với điều kiện ở xã Cam Thịnh Tây thì làm gì ra số tiền đó. Theo tôi, để cải thiện thu nhập ở Cam Thịnh Tây, tỉnh phải sớm đầu tư hồ chứa nước Sông Cạn nhằm giải quyết vấn đề thiếu nước, giúp nông nghiệp ở đây phát triển. Thứ hai là sớm xúc tiến đầu tư Khu Công nghiệp Nam Cam Ranh để giải quyết lao động phổ thông, cải thiện thu nhập cho người dân”, ông Hải nói. Được biết, dự án hồ chứa nước Sông Cạn đã có chủ trương đầu tư từ lâu nhưng đang trong quá trình bố trí vốn; còn Khu Công nghiệp Nam Cam Ranh đang kêu gọi đầu tư.


NHẬT THANH