05:04, 13/04/2017

Nâng độ khó về tiêu chí môi trường

Giai đoạn 2011 - 2016, môi trường là tiêu chí được quan tâm đặc biệt trong Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2017 - 2020, tiêu chí về môi trường còn được đặt ra ở mức độ cao hơn.

Giai đoạn 2011 - 2016, môi trường là tiêu chí được quan tâm đặc biệt trong Chương trình Xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Giai đoạn 2017 - 2020, tiêu chí về môi trường còn được đặt ra ở mức độ cao hơn.


Nhiều chuyển biến


Trước khi bắt tay vào XDNTM năm 2011, trong số 94 xã trên địa bàn tỉnh, chỉ có 2 xã đạt chuẩn về môi trường. Sau 5 năm tập trung xây dựng, hơn một nửa trong số 94 xã đã cán đích tiêu chí này. Theo thống kê, đến hết năm 2016, có đến 93,3% trong khoảng 227.000 người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Ở khu vực này, bên cạnh đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về vệ sinh môi trường được đẩy mạnh. Không chỉ đưa ra các giải pháp công trình, phi công trình nhằm giúp người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, công tác tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn cũng đạt được nhiều bước tiến.

 

Mô hình làm phân bón hữu cơ từ rác thải tại xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh đang được nhân rộng
Mô hình làm phân bón hữu cơ từ rác thải tại xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh đang được nhân rộng


Theo ông Huỳnh Quang Thành - Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình NTM tỉnh, trong các hoạt động hướng đến mục tiêu phát triển môi trường nông thôn xanh, sạch đẹp, có thể kể đến các chương trình như: tăng cường giám sát, thực hiện công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải, nước thải ở khu vực nông thôn; thành lập tổ hợp tác thu gom và xử lý rác thải; vận động người dân tham gia trồng cây xanh trên các tuyến đường trong khu dân cư, tu bổ vườn rào cây xanh; thu gom rác; nạo vét cống rãnh… Nhờ các hoạt động trên, hầu hết các xã đều đạt chỉ tiêu không có các hoạt động suy giảm môi trường. Đây là một chỉ tiêu nhỏ nhưng quan trọng trong tiêu chí môi trường.


Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc hình thành được thói quen bảo vệ môi trường, trước hết là trong nhà, ngoài ngõ rồi đến ruộng đồng chính là bước tiến đáng kể trong đời sống nông thôn. Nhờ ý thức ngày một tốt hơn, ngày càng ít hộ gia đình vứt rác bừa bãi, nhà cửa, vườn tược khang trang, sạch đẹp. Đặc biệt, hoạt động nuôi trồng, chế biến, sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn ngày một đáp ứng tốt hơn yêu cầu về môi trường. Những quy trình sản xuất an toàn theo chuẩn GAP cũng được áp dụng nhiều hơn. Hoạt động sản xuất nông nghiệp từ cây lúa, cây ăn trái đến cây rau… đều có những bước tiến đáng kể trong quá trình hình thành một nếp sản xuất mới, hiện đại, quy mô và an toàn hơn.


Yêu cầu cao hơn


Giai đoạn 2017 - 2020, Chương trình XDNTM nói chung và tiêu chí môi trường nói riêng đã đặt ra những đòi hỏi khắt khe hơn. Ngay trong tên gọi, tiêu chí số 17 mang tên “môi trường và an toàn thực phẩm (ATTP)” như một sự khẳng định có sự đổi thay cả về hình thức lẫn nội dung tiêu chí. Nếu như ở giai đoạn trước, tiêu chí môi trường có 5 chỉ tiêu được đặt ra, thì giai đoạn 2017 - 2020 là 8 chỉ tiêu. Trong đó, bên cạnh những yêu cầu căn cơ như: nước sinh hoạt, tiêu chuẩn về môi trường sản xuất, kinh doanh; thu gom chất thải, nước thải trong sinh hoạt, sản xuất…, một xã ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ được công nhận đạt chuẩn tiêu chí về môi trường và ATTP phải đáp ứng được các yêu cầu như: 85% hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; 75% trở lên số hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường và có 100% hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP.


Để thực hiện chỉ tiêu này, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã coi năm 2017 là năm cao điểm hành động về vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Hàng loạt giải pháp đã được triển khai nhằm hướng đến một nền sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp theo hướng an toàn. Hẳn nhiên, khi đã sản xuất theo quy chuẩn an toàn, yếu tố môi trường cũng được đảm bảo.


Với những đòi hỏi cao hơn của tiêu chí môi trường và vệ sinh ATTP trong Chương trình XDNTM giai đoạn 2017 - 2020, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, ngành và người dân. Giai đoạn 2011 - 2016, nguồn vốn đầu tư cải tạo môi trường còn hạn chế, ý thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao, kinh tế các vùng chênh lệch nhau buộc chính sách từng vùng phải linh hoạt… nên các chính sách về môi trường của tỉnh chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Trong giai đoạn tới, việc xây dựng các công trình cấp nước, vệ sinh, chuồng trại, hầm biogas và công trình thu gom rác thải ở khu vực nông thôn sẽ tiếp tục được thực hiện. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ dân số ở nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt đạt trên 95%. Cùng với đó, nhiệm vụ cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái trong khu dân cư, phát triển cây xanh ở các công trình công cộng, chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, tường rào phù hợp với cảnh quan nông thôn, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường cũng được đẩy mạnh. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ được xem khó khăn nhất, tốn kém nhất trong giai đoạn này là việc thu gom nước thải từ các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp ở nông thôn, dịch vụ công cộng, khu dân cư để xử lý cục bộ, đạt tiêu chuẩn quy định trước khi xả vào hệ thống kênh rạch, sông. Thu gom chất thải sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp được xử lý theo quy định.


Được biết, với khoảng 3.000 tỷ đồng đầu tư XDNTM Khánh Hòa giai đoạn 2017 - 2020, trong đó có một phần đầu tư cho tiêu chí môi trường, hy vọng việc thực hiện tiêu chí môi trường trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều thuận lợi, góp phần cải thiện và duy trì môi trường khu vực nông thôn trong lành, xanh sạch, an toàn.


H.Đ