11:01, 14/01/2022

Bảo mẫu của chúa sơn lâm

Du khách đến VinWonders Nha Trang (đảo Hòn Tre, TP. Nha Trang) đặc biệt thích thú nhìn đàn hổ ở King's Garden (Vườn quý vương). Để có được đàn hổ khỏe mạnh, sinh con ngay trong vườn thú trên đảo là một chuyện không hề đơn giản!

Du khách đến VinWonders Nha Trang (đảo Hòn Tre, TP. Nha Trang) đặc biệt thích thú nhìn đàn hổ ở King’s Garden (Vườn quý vương). Để có được đàn hổ khỏe mạnh, sinh con ngay trong vườn thú trên đảo là một chuyện không hề đơn giản!

Một ngày với chúa sơn lâm

7 giờ 30, trời Nha Trang còn chưa hửng nắng, anh Nguyễn Xuân Hải (quê Diên Khánh) - nhân viên tổ chăm sóc thú dữ King’s Garden bước vào khu vực nuôi hổ kiểm tra chuồng trại rồi nhanh chóng dọn dẹp sân chơi, thả hổ ra khỏi chuồng. Ngoác cái miệng lớn với hàm răng trắng ởn, Hà Hà - con hổ đực lớn nhất của đám hổ vàng Bengal bắt đầu đi vòng quanh kiểm tra lãnh địa. Xong đâu đó, Hà Hà lội xuống hồ tắm mát, rồi lên nằm dài phơi nắng với cặp mắt vô tư lự. Trong khi đó, đám hổ mới lớn lại thích đùa giỡn trái bóng với hổ mẹ tên Mèo. Hổ mẹ nhe hàm răng sắc nhọn cắn vào trái bóng rồi lắc đầu cho bóng văng ra xa, đám con ngoan ngoãn đi tha về.

 

Hổ vàng đang đùa giỡn với bóng.

Hổ vàng đang đùa giỡn với bóng.

 

Từ 4 con hổ đầu tiên được đưa về năm 2017, đến nay, đàn hổ ở King’s Garden đã phát triển lên thành 12 con (7 hổ trắng, 5 hổ vàng). Mỗi con hổ đều có tên riêng, có hồ sơ khoa học lưu trữ với các thông tin rõ ràng như: Nguồn gốc, ngày tháng năm sinh, giới tính, tính cách và cả những lần bị bệnh. Những con hổ sinh ra ở King’s Garden được đặt tên rất ngộ nghĩnh như: Quậy, Bảo Bảo, Nếp, Ngô… “Con hổ này từ lúc sinh ra đã rất nghịch ngợm nên tụi em đặt tên là Quậy. Còn trong đàn hổ trắng có con hổ cái rất hiền nên đặt tên là Nếp”, anh Hải giải thích.

 

Hổ Bengal vàng

Hổ Bengal vàng


Tranh thủ lúc đám hổ đang mải vui chơi, anh Hải cùng đồng nghiệp Lưu Phúc Bảo dọn chuồng hổ. Xong đâu đó, cả hai lại chuẩn bị thức ăn cho chúa sơn lâm. Anh Bảo cho biết: “Hổ là loài ăn đêm nên giờ ăn của hổ vào lúc gần tối. Mỗi ngày, hổ ăn khoảng 7kg thịt. Thức ăn được luân phiên theo thứ tự thịt trâu, heo, gà… Tuy nhiên, trong một tuần, hổ sẽ có một ngày bị bỏ đói để kích thích bản năng săn mồi”.

 

Hổ con rất thân thiện.

Hổ con rất thân thiện.


17 giờ, các nhân viên kéo xe chở thịt vào trong khu nuôi dưỡng thú. Vừa ngửi thấy mùi thức ăn, đám hổ trắng Bengal dồn nhanh về phía cửa chuồng gầm gừ, chân cào mạnh vào lưới sắt. “Batman (tên con hổ đực đầu đàn), từ từ nào…”, anh Bảo quát nhè nhẹ. Như hiểu được lời của nhân viên chăm sóc, chúa sơn lâm im lặng, ngoan ngoãn cọ đầu vào cửa chuồng. “Thú dữ nhưng mình quan tâm chăm sóc chúng thì khi nói chúng sẽ nghe lời. Không chỉ vậy, tiếp xúc hàng ngày nên mình cũng hiểu được tính cách của từng con. Nhìn khuôn mặt, dáng điệu là biết chúng khỏe mạnh hay có vấn đề sức khỏe”, anh Bảo chia sẻ.   


Tình yêu với mãnh thú


Chăm sóc hổ là nghề nguy hiểm! Thế nên, nhân viên của tổ thú dữ ở King’s Garden đều là nam giới. Và tất cả thành viên chọn nghề vất vả này đều vì “yêu thích động vật”.

 

Nhân viên King’s Garden chăm sóc hổ.

Nhân viên King’s Garden chăm sóc hổ.


Anh Lê Hồng Nhật - Trưởng bộ phận chăm sóc thú tại King’s Garden chia sẻ: Loài hổ đang có nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, nhiệm vụ của tổ chăm sóc thú dữ không chỉ là chăm sóc hổ khỏe mạnh mà còn cố gắng cho hổ sinh sản để duy trì nòi giống. Đó cũng là lý do ở King’s Garden, hổ trắng và hổ vàng được phân thành 2 khu riêng biệt để tránh lai tạp. Điều đáng mừng, sau 5 năm nuôi dưỡng, hổ Bengal đã 3 lần sinh nở tốt đẹp trên đảo Hòn Tre. Trong đó, hổ trắng tên là Gái Lớn đã 2 lần sinh con vào năm 2019 (3 con) và năm 2020 (2 con), hổ vàng tên Mèo cũng đã một lần sinh 3 con vào năm 2020. Đến giờ, các nhân viên ở King’s Garden vẫn nhớ lần Gái Lớn sinh con năm 2019. “Hổ mang thai khoảng 100 ngày sẽ sinh. Sau khi lót ổ, chúng tôi để ý theo dõi Gái Lớn mấy ngày liền với tâm trạng rất hồi hộp. Một buổi sáng, hổ mẹ cứ nằm lì trong ổ và sinh được 3 chú hổ con rất dễ thương. Cả nhóm ai cũng giành đặt tên cho những người bạn mới…”, anh Hải nhớ lại.


Hơn 15 năm trong nghề chăm sóc thú dữ, anh Nhật có rất nhiều kinh nghiệm về chăm sóc hổ. Theo anh, khi hổ cái mang thai, nhân viên phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng từng giai đoạn cho phù hợp. Đặc tính loài hổ khi sinh sẽ trốn vào góc riêng, sinh con trong im lặng. Sau khi sinh xong, hổ mẹ ăn luôn nhau thai để tránh bay mùi tanh, không để lộ việc sinh con đề phòng hổ đực và các loài thú dữ khác tấn công hổ con. Lủi thủi một mình, nên hổ mẹ khi sinh con cũng rất dễ bị stress. Khi khó chịu trong người, hổ mẹ sẽ không cho con bú. Nếu thấy sau nửa ngày mà hổ con không được cho bú thì phải cho hổ con uống sữa, nếu 24 giờ mà hổ mẹ vẫn không cho con bú thì phải tách con nuôi riêng (nuôi bộ).  


Nếu phải nuôi bộ, người chăm sóc sẽ rất vất vả. Thật may là ở King’s Garden, cả 3 lần hổ sinh con, hổ mẹ đều tự nuôi con nên các nhân viên ở đây chưa lần nào phải trải nghiệm việc nuôi bộ. Thế nhưng, các nhân viên vẫn phải chú ý để chăm sóc, tập cho hổ phát triển đầy đủ bản năng của những loài thú dữ hoang dã khi trưởng thành như giấu mồi trong hốc đá để hổ đi tìm. Bên cạnh đó, hàng ngày, họ phải quan sát tình trạng sức khỏe của hổ để hỗ trợ, điều trị khi cần. Và dù có thân thiện đến đâu, hổ vẫn là loài thú dữ nên mỗi khi ra vào chuồng thú, những “bảo mẫu” vẫn phải tuân thủ đúng quy trình khóa mở đến 5 lớp cửa cả khi đi vào cũng như đi ra. Chỉ có sự kiên trì, tình yêu động vật mới có thể khiến các nhân viên gắn bó lâu dài với công việc này!


Sự sinh sôi, nảy nở của đàn hổ ở King’s Garden của VinWonders Nha Trang cho thấy, công tác chăm sóc hổ ở đây rất tốt. Đáng tiếc, hiện nay, ở đây mới chỉ có hổ Bengal mà chưa có hổ Đông Dương. Và tôi mong ngày nào đó sẽ thấy được ở đây loài hổ Đông Dương để du khách được mục sở thị “Cọp Khánh Hòa…”.


XUÂN THÀNH