09:09, 10/09/2021

Kỳ 1: Đến trường trong mùa dịch

Năm học 2021-2022, một năm học đặc biệt trong lịch sử giáo dục sắp bắt đầu. Tuy còn bộn bề khó khăn nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa đã nỗ lực thích ứng với tình hình dịch bệnh để duy trì việc dạy - học.

Năm học 2021 - 2022, một năm học đặc biệt trong lịch sử giáo dục sắp bắt đầu. Tuy còn bộn bề khó khăn nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa đã nỗ lực thích ứng với tình hình dịch bệnh để duy trì việc dạy - học.



Kỳ 1: Đến trường trong mùa dịch


Năm học mới ở Khánh Hòa sẽ bắt đầu ngay sau lễ khai giảng trực tuyến, tổ chức chung cho tất cả các trường. Ở 2 huyện miền núi, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (GV), huy động học sinh (HS) ra lớp... đã cơ bản hoàn thành.

Lễ khai giảng chung cho toàn tỉnh


Mấy chiều nay, 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh liên tục mưa. Dù vậy, không khí chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng chung toàn tỉnh sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp vẫn diễn ra khẩn trương tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS huyện Khánh Vĩnh. Cô Lê Thị Diễm -  Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường rất vui khi được chọn là nơi tổ chức lễ khai giảng được phát sóng trực tiếp cho toàn tỉnh. Vì vậy, nhà trường đang nỗ lực hết sức phối hợp chuẩn bị cho buổi lễ trang trọng, ý nghĩa và bảo đảm công tác phòng dịch Covid-19”. Trước ngày khai giảng, toàn trường sẽ được phun khử khuẩn; bố trí khoảng 230 chỗ ngồi giãn cách. Mỗi khối lớp đại diện 15 HS tham dự. Tất cả đại biểu phải khai báo y tế; thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch. Buổi lễ sẽ tổ chức ngắn gọn với nghi thức chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước, đánh trống khai trường… Em Cao Thị Lệ Na (HS lớp 7A) cho biết: “Em rất háo hức chờ đến ngày gặp lại bạn bè, thầy cô và được dự lễ khai giảng. Em mong dịch bệnh chóng qua để được học hành, vui chơi thoải mái”.

 

Niềm vui của em Cao Thị Lệ Na khi nhận sách giáo khoa

Niềm vui của em Cao Thị Lệ Na khi nhận sách giáo khoa


Lễ khai giảng năm học 2021-2022 chung cho toàn tỉnh sẽ tổ chức tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú cấp THCS huyện Khánh Vĩnh vào sáng 13-9. Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội không tổ chức ngày tựu trường, không tổ chức đón HS trực tiếp mà tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Riêng huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh tổ chức tựu trường và đón HS đầu cấp nhưng phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thầy Nguyễn Cảnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Bình (huyện Khánh Sơn) chia sẻ: “Trong ngày tựu trường, nhà trường tổ chức nghi thức đón HS tại điểm trường chính cho 2 lớp 1. Các em được xếp hàng giãn cách, đi giữa 2 hàng trống đội để vào lớp. Các khâu chuẩn bị đều được thực hiện theo quy định 5K”.


Xây dựng môi trường học tập an toàn


Theo ông Nguyễn Hữu Thơ - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Khánh Sơn, năm học này, toàn huyện có 8 phòng học được xây mới. Các trường đã nhận đủ sách giáo khoa (SGK); thực hiện tổng vệ sinh, khử khuẩn phòng học. 90% cán bộ quản lý, GV đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đến cuối tháng 8, toàn huyện đã vận động ra lớp gần 90% HS; số còn lại đang tiếp tục vận động. Cô Nguyễn Thị Mai Hương - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tô Hạp cho biết, đến hết tháng 9, trường sẽ có thêm 6 phòng học mới dành cho khối lớp 6, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Để bảo đảm phòng dịch, nhà trường đã chia 14 lớp thành 28 lớp và bố trí học so le 3 ngày/tuần. Những ngày học tại nhà, GV sẽ giao bài và kiểm tra kết quả. Trường cũng dự phòng các kịch bản khác khi dịch bệnh biến chuyển. Còn Trường Tiểu học Sơn Bình cũng có thêm 2 phòng học mới và chia ca học sáng - chiều để bảo đảm giãn cách.


Ở huyện Khánh Vĩnh, thầy Nguyễn Đăng Quang Khải - Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân cho biết, trường đã bố trí 1 phòng cách ly y tế; chuẩn bị dung dịch sát khuẩn, xà phòng rửa tay... Theo ông Bùi Hữu Hóa - Trưởng phòng GD-ĐT huyện, năm học này, ngoài 448 phòng học từ cấp mầm non đến THCS đã có, huyện đã xây mới khối phòng học, tường rào Trường Tiểu học thị trấn Khánh Vĩnh và ký túc xá, hệ thống lắng lọc nước, nhà sinh hoạt giáo dục văn hóa dân tộc ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS huyện Khánh Vĩnh… Phòng cũng chỉ đạo các trường rà soát lại hệ thống nhà công vụ cho GV có nhu cầu; hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 905/1.058 người.


Để bảo đảm dạy học trực tiếp an toàn, Sở GD-ĐT chỉ đạo các lớp có trên 30 HS phải chia đôi, bố trí học sáng - chiều (nếu lớp học 2 buổi/ngày); học thứ Hai - Tư - Sáu hoặc thứ Ba - Năm - Bảy (nếu lớp học 1 buổi/ngày); học lệch giờ giữa các khối để giảm mật độ HS đến và tan trường; bố trí lối ra - vào trường riêng. Các trường phải chuẩn bị phòng, giường để cách ly HS khi có biểu hiện ho, sốt bất thường; bổ sung thuốc, y cụ, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay, nhiệt kế… Các cơ sở giáo dục tiểu học không tổ chức bán trú. Bà Cao Thị Lý, phụ huynh em Cao Thị Lệ Na đánh giá: “Công tác chuẩn bị năm học mới và phòng dịch của trường dân tộc nội trú rất chu đáo. Con tôi đã được cung cấp đủ SGK, đồ dùng học tập...”.


Từng bước tháo gỡ khó khăn


Chiều cuối tuần, mưa sầm sập, con hẻm nhà em Cao Nguyễn Hoàng Ân (HS lớp 7 Trường Phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS huyện Khánh Vĩnh) đục ngầu nước từ núi tuôn xuống. Không ngại khó, cô chủ nhiệm Phạm Thị Lan cùng cô Phan Thị Đào, GV bộ môn Lịch sử lội vào tận nhà Ân. Ngôi nhà là những tấm gỗ quây lại tạm bợ trên mảnh đất nơi chân núi. Cha mẹ Ân làm thuê nên mùa dịch rất khó khăn. Nhìn cô Lan ân cần nhắc Ân nhớ ngày khai giảng, mẹ Ân xúc động nói: “Dù khó khăn, tôi cũng sẽ nhắc cháu đi học”. Nhưng không phải gia đình nào cũng được vậy. Từ cuối tháng 8, UBND huyện Khánh Vĩnh đã chỉ đạo các xã, thị trấn vận động HS ra lớp, nhưng đến nay vẫn còn những em theo cha mẹ đi rẫy tránh dịch, chưa trở về nhà.

 

Cô Phạm Thị Lan đến nhà vận động học sinh ra lớp.

Cô Phạm Thị Lan đến nhà vận động học sinh ra lớp.

 

Tại huyện Khánh Sơn, Trường THCS thị trấn Tô Hạp có 14 lớp với 552 HS thì hơn 50% là HS người dân tộc thiểu số (DTTS). Các em được nhận học bổng 230.000 đồng/HS/tháng; chỉ HS thuộc diện hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo và khuyết tật mới được hỗ trợ thêm chi phí học tập 100.000 đồng/HS/tháng. Hàng năm trong dịp hè, các trường tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS chuẩn bị vào lớp 1 để các em làm quen, giao tiếp bằng tiếng Việt tốt hơn nhưng năm nay, do dịch bệnh nên không tổ chức được. Cô Nguyễn Thị Huyền, chủ nhiệm lớp 1A Trường Tiểu học Sơn Bình chia sẻ: “Năm nay, khối 1 có 88 HS, trong đó 79 em người DTTS. Mọi năm, dịp hè, HS  người DTTS được tham gia lớp tăng cường tiếng Việt nên vào năm học, cô trò đã quen nhau, các em giao tiếp tiếng Việt tốt hơn, biết cách cầm bút, nhớ được chữ cái, chữ số. Năm nay, do dịch bệnh, không tổ chức lớp được, việc dạy học ban đầu sẽ khó khăn hơn”.


Ngoài ra, do yêu cầu phòng dịch, nhiều cán bộ quản lý, GV từ nơi khác lên huyện Khánh Vĩnh làm việc phải có giấy xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2. Chi phí xét nghiệm cũng đang là áp lực đáng kể với đội ngũ này.

 

Tiếp nhận sách tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS huyện Khánh Vĩnh.

Tiếp nhận sách tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS huyện Khánh Vĩnh.


Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, nhằm giảm chi phí cho cán bộ quản lý và GV, sở đã tham mưu UBND tỉnh để được xét nghiệm gộp. Sở cũng phối hợp thành lập các hội đồng lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6; phối hợp cung cấp bản giấy hoặc bản điện tử cho các cơ sở giáo dục để nghiên cứu; tổ chức tập huấn sử dụng SGK lớp 2, lớp 6 trực tuyến cho gần 6.300 cán bộ quản lý, GV. Đồng thời, làm việc với Công ty Sách và Thiết bị trường học Khánh Hòa để thống kê số HS có nhu cầu và tự nguyện đăng ký mua SGK; bố trí số HS, thời gian, địa điểm hợp lý để cung cấp SGK đầy đủ, thuận tiện, tuân thủ quy định phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm công khai, minh bạch. Sở cũng yêu cầu công ty khẩn trương vận chuyển SGK đến các trường học, bảo đảm tất cả các trường có SGK trước ngày 13-9.

 

Sau lễ khai giảng, các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học theo Kế hoạch số 2156 ngày 26-8-2021 của Sở GD-ĐT. Theo đó, ở những địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16, cấp mầm non, tiểu học tạm dừng đến trường; các cấp học còn lại học trực tuyến. Với những địa phương thực hiện Chỉ thị 19, cấp mầm non tạm ngừng đến trường, các cấp học còn lại tổ chức học trực tiếp nhưng phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch.



TIỂU MAI - THANH TRÚC

 


Kỳ 2: Chuyển đổi và thích ứng