10:05, 21/05/2021

Người Đàng Hạ ở Sơn Đừng

Trải qua hàng trăm năm, bí ẩn về nguồn gốc tộc người Đàng Hạ ở Sơn Đừng (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Trong suốt dặm dài lịch sử, người Đàng Hạ vốn sống khép kín nay đã hòa mình với người bản địa để chung sống hòa thuận, dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.

Trải qua hàng trăm năm, bí ẩn về nguồn gốc tộc người Đàng Hạ ở Sơn Đừng (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Trong suốt dặm dài lịch sử, người Đàng Hạ vốn sống khép kín nay đã hòa mình với người bản địa để chung sống hòa thuận, dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.

 

Xóm Sơn Đừng.

Xóm Sơn Đừng.


Tộc người bí ẩn


Thôn Sơn Đừng nằm tựa lưng vào đồi cát trắng mịn màng trải dài, lọt thỏm giữa hai dãy núi, trước mặt là biển. Nơi đây, thấp thoáng những căn nhà xập xệ, đậm nét hoang sơ, vài chiếc thuyền câu nhỏ, thúng chai được neo tại bãi.


Ông Đinh Bảy (77 tuổi), người Đàng Hạ gốc, thủ từ ngôi đình Sơn Đừng đã gần 40 năm cho biết: “Theo ông bà kể lại thì tộc người chúng tôi ít nhất có từ hơn 300 năm trước. Nhưng nguồn gốc, tên gọi về bộ tộc của mình cho đến giờ vẫn chưa thể xác định xuất phát từ đâu. Có nhiều giả thuyết khác nhau được truyền lại qua lời kể của những lão làng. Người thì nói gốc người Đàng Hạ xưa kia là người Chiêm Thành lưu lạc vào đây, sau những biến cố của chiến tranh. Cũng có người lại nói người Đàng Hạ là những ngư dân Indonesia trên đường hành nghề đánh bắt hải sản, gặp cơn bão giữa khơi xa xô đẩy, trôi dạt vào những đảo nhỏ ở Vạn Thạnh. Sau đó không thể về được nên đã ở lại nơi này lập nghiệp”, ông Bảy nói.

 

Ông Đinh Bảy - một người Đàng Hạ  đã làm thủ từ đình Sơn Đừng gần 40 năm nay.

Ông Đinh Bảy - một người Đàng Hạ đã làm thủ từ đình Sơn Đừng gần 40 năm nay.


Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian như Trần Việt Kỉnh hay Giáo sư Trần Quốc Vượng thì người Đàng Hạ là tộc người dân tộc thiểu số. Nhà nghiên cứu Trần Việt Kỉnh trong cuốn “Người Hẹ - Văn hóa tộc người” có nhắc đến người Đàng Hạ mang trong mình chút tính chất Nam Đảo, nên khi tới vùng đất mới họ dễ hòa nhập với người bản địa. Bởi nhờ có chung hệ ngôn ngữ Môn - Khơme và văn tự phạn (Sanskrit). Họ sống trầm lặng, ưu tư; đầy tự ti, mặc cảm. Nhưng tất cả những câu chuyện này vẫn mang một màu sắc huyền bí mà cho tới nay chưa có tính xác tín.


Còn trên Tạp chí “Thông tin cuộc sống” số 2-1989 của Trung tâm Cổ động tỉnh Phú Khánh, tác giả Trần Ngọc Quang viết về những người Đàng Hạ có da đen, tóc quăn, mày rậm, con ngươi vàng. Người Đàng Hạ không biết làm ruộng, đi biển, nuôi gia súc, không có nghề thủ công, không có ngôn ngữ, chữ viết riêng. Vì vậy, các nhà nghiên cứu rất khó tìm ra được nét văn hóa nào đặc trưng của họ.


Cuộc sống còn nhiều khó khăn


Không chỉ mơ hồ về nguồn gốc của người Đàng Hạ, ở Sơn Đừng còn có những điều rất lạ. Ông Trần Trò (90 tuổi), người sống ở Sơn Đừng tiết lộ, dọc bờ cát mịn sát mép biển, khi thủy triều xuống người dân chỉ cần cào lớp cát mỏng là có thể uống được nước ngọt. Ông kể: “Ngày trước, nghe các cụ truyền tai nhau, khi vua Gia Long (lúc đó còn chưa lên ngôi) trên đường bị quân Tây Sơn truy đuổi đã dạt vào bán đảo Sơn Đừng. Nhà vua đã phát hiện ra mạch nước ngọt sát mép biển, chiều chiều cùng quân lính lấy nước về sinh hoạt trong một thời gian dài. Sau đó, vua ban thưởng cho dân làng người Đàng Hạ bằng cách đặt họ cho con trai mang họ Đinh, còn con gái mang họ Trần”. Hiện nay, ở Sơn Đừng vẫn còn đền thờ vua Gia Long.

 

Nói về cuộc sống của người Đàng Hạ, ông Bảy chia sẻ, sau khi đất nước thống nhất năm 1975, khu vực Sơn Đừng có 7 hộ sinh sống. Cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, đàn ông chủ yếu đi săn bắn, hái lượm, lên núi Khải Lương chặt củi đốt than, cũng không đi biển. Phụ nữ thì chỉ quanh quẩn ở nhà. Xóm nhỏ không có đường đi, không điện thắp sáng, nhà cửa chỉ lợp tranh, người dân cũng không học hành…


Ông Lê Hoàng Vương - Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết, mãi đến năm 1999, UBND tỉnh cấp kinh phí xây 7 ngôi nhà cho 7 hộ dân người Đàng Hạ. Không chỉ vậy, mỗi hộ còn được cấp 40 con tôm hùm giống, 1 con bò và giao đất để trồng cây điều. Thế nhưng cũng chỉ được một thời gian, tôm đến vụ thu hoạch họ bán đi tiêu xài và không tái sản xuất. Một vài người mua được ghe và bắt đầu đi đánh bắt hải sản để phát triển kinh tế. Hiện nay, nơi đây đã có điện lưới quốc gia, có sóng điện thoại, con em đã được học hành, cuộc sống được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

 

Một người Đàng Hạ cào lớp cát mỏng để uống nước ngọt.

Một người Đàng Hạ cào lớp cát mỏng để uống nước ngọt.


Thượng tá Phạm Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho hay, cùng với chính quyền địa phương, lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng giúp đỡ bà con Sơn Đừng rất nhiều. Từ năm 2000 - 2006, Đồn Biên phòng Đầm Môn đã mở và duy trì các lớp học tình thương ở Sơn Đừng, sửa chữa các phòng học cho các cháu; thường xuyên khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân; dạy họ cách làm ăn, phát triển kinh tế.


Ước vọng của người Đàng Hạ


Trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, những người Đàng Hạ vẫn luôn trăn trở về nguồn cội của mình. Cho đến bây giờ, những người gốc Đàng Hạ thuộc thế hệ lão làng chỉ còn duy nhất ông Trần Chớ (90 tuổi). Nhưng hiện nay, ông không còn minh mẫn và chỉ nằm một chỗ.  

 

Năm 2009, UBND tỉnh có Quyết định 2725 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu trung tâm dịch vụ tổng hợp Hòn Gốm, xã Vạn Thạnh với quy mô quy hoạch hơn 1.000ha; trong đó trong ranh giới khu phi thuế quan là 950ha, ngoài ranh giới khu phi thuế quan (gồm tuyến đường nối Quốc lộ 1 với trung vực nam Hòn Gốm, cảng Sơn Đừng, khoảng canh lưu không và đồn biên phòng) là 63ha. Khu vực Sơn Đừng được quy hoạch để phát triển du lịch, làm các nhà xưởng phục vụ hậu cần, trung chuyển các tàu...

Ông Trần Văn Mỹ, con trai ông Trần Chớ suy tư: “Thế hệ cao niên của tộc người Đàng Hạ đã gần như không còn, chúng tôi là lớp người sau, cũng chỉ biết đến tên gọi. Những năm tháng còn trẻ, ba tôi hoạt động cách mạng, theo Đảng, theo Bác, được Nhà nước khen thưởng. Sau này khi đất nước thống nhất, cứ đến ngày 18-3 âm lịch hàng năm, ba tôi là người cúng ở đình Sơn Đừng, cầu cho dân làng cuộc sống yên ấm, mưa thuận gió hòa. Ba tôi dặn con cháu phải nhớ về cội nguồn của mình. Thời điểm ông còn tỉnh táo, tôi gặng hỏi nguồn gốc của tộc người Đàng Hạ, nhưng ba cũng không còn nhớ rõ. Nhưng dẫu có thế nào, cái tên Đàng Hạ vẫn luôn ở trong tâm mỗi người con Sơn Đừng”.


Hiện nay, ở Sơn Đừng có 47 hộ, trong đó có 2 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo. Tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng những người Đàng Hạ ở Sơn Đừng vẫn luôn có ý chí vươn lên làm giàu. Nhiều người đã biết nuôi tôm thương phẩm, một số rời đến khu vực Đầm Môn phát triển kinh tế, có của ăn của để, xây được nhà kiên cố. Ông Trần Trớc, người Đàng Hạ cho hay, hiện nay, xóm Sơn Đừng vẫn còn nghèo, hạ tầng giao thông rất kém, chỉ có đường đất để đi chứ chưa có đường bê tông, đường nhựa. Người dân nơi đây rất mong Nhà nước quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng để người dân phát triển sản xuất.


Thời gian trước kia, người ta vẫn truyền tai nhau một câu ca nói về người Sơn Đừng: “Sơn Đừng là Sơn Đừng cùi/Đi chợ bằng gùi đội nón mo cau”. Còn hiện nay, tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng những người Đàng Hạ vẫn nuôi khát vọng về cuộc sống ấm no, bình yên bên biển.


THÀNH NAM