10:02, 16/02/2021

Chuyện tình trên núi Thác Hầm

Trên núi Thác Hầm hùng vĩ (thuộc xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) có cặp vợ chồng người Raglai và 4 người con sống hạnh phúc bên nhau. Người vợ khi ở độ tuổi đôi mươi, có nhiều trai làng theo đuổi nhưng lại chọn lấy anh - nạn nhân chất độc da cam/dioxin bị bại liệt cả hai chân. 
 

 

Trên núi Thác Hầm hùng vĩ (thuộc xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) có cặp vợ chồng người Raglai và 4 người con sống hạnh phúc bên nhau. Người vợ khi ở độ tuổi đôi mươi, có nhiều trai làng theo đuổi nhưng lại chọn lấy anh - nạn nhân chất độc da cam/dioxin bị bại liệt cả hai chân. 
 
Lựa chọn dũng cảm

 

Hai vợ chồng anh Thiện, chị Ngoại thu hoạch mì trên núi Thác Hầm.
Hai vợ chồng anh Thiện, chị Ngoại thu hoạch mì trên núi Thác Hầm.
 
Chiến tranh đã lùi sâu hơn 45 năm nhưng nỗi đau di chứng của chất độc da cam/dioxin để lại vẫn âm ỉ dai dẳng trong nhiều gia đình Việt. Câu chuyện chúng tôi muốn kể hôm nay là tình yêu cảm động giữa một nạn nhân chất độc da cam - anh Pi Năng Thiện (sinh năm 1987) và chị Pi Năng Thị Ngoại (sinh năm 1991) ở thôn Suối Cát, xã Khánh Thượng. Tình yêu đã giúp họ vượt qua nỗi đau ấy. 
 
Anh Thiện là con thứ 2 của thương binh Là E (sinh năm 1948), công tác tại Huyện đội 195 Khánh Hòa, nhập ngũ năm 1963 và xuất ngũ năm 1980 với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 65%. Trở về sau chiến tranh, bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nên con trai đầu của ông Là E sinh ra bị dị tật chân tay, một tuổi thì mất. Anh Thiện sinh ra lành lặn nhưng đến khi vừa biết đứng thì bị sốt cao, sau đó hai chân dần co quắp và bại liệt.

 

Vợ chồng anh Thiện, chị Ngoại cùng các con sống hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ.
Vợ chồng anh Thiện, chị Ngoại cùng các con sống hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ.
 
Nhà anh Thiện và chị Ngoại cùng thôn. Anh gặp gỡ và có cảm tình với chị Ngoại khi chị mới 17 tuổi. Là cô gái siêng năng, hiếu thảo, chị Ngoại được nhiều trai làng thầm thương. Sau những lần đi chơi với nhau, thấy anh Thiện hiền lành, tử tế, lại bị thiệt thòi khi cơ thể không lành lặn nhưng có ý chí vươn lên trong cuộc sống, chị Ngoại đem lòng thương mến và cảm phục. Biết chuyện, gia đình chị Ngoại nhất quyết ngăn cấm không muốn con gái mình yêu một người như anh Thiện vì sợ sau này sẽ khổ.
 
Người Raglai tấm lòng thật thà như cây cỏ, đã thương ai thì khắc cốt ghi tâm nên chị Ngoại vẫn quyết yêu anh. Anh Thiện thưa chuyện với bố mẹ chị Ngoại rằng, tuy cơ thể mình không lành lặn nhưng anh còn đôi tay có thể làm được mọi thứ để lo cho gia đình và mong gia đình chị chấp nhận cho tình yêu của hai người. Hai năm trôi qua, họ vượt qua mọi khó khăn cấm đoán để yêu nhau, cuối cùng gia đình chị Ngoại cũng dần mủi lòng và chấp nhận.
 
Nhà anh Thiện, chị Ngoại nghèo nhất làng nên đám cưới thật đơn sơ, không nhẫn cưới, không chụp ảnh hay lễ lạt cầu kỳ, rạp cưới được các thanh niên trong làng kết lại bằng lá dừa chứ không có tiền thuê. Đám cưới cũng chỉ mời vài chục người thân quanh làng đến chung vui. Đám cưới giản dị nhưng đong đầy hạnh phúc, đủ khiến cho những người làng cảm động vì tình yêu quá lớn của hai người.
 
Hạnh phúc mỉm cười
 
Chúng tôi gặp vợ chồng anh Thiện trên đỉnh núi Thác Hầm, khi chị Ngoại băng rừng, vượt suối cõng anh đi thu hoạch mì trên rẫy. Từ lúc cưới nhau đến nay đã mười năm, dù nắng hay mưa, đi làm hay đi chơi chị cũng làm đôi chân của anh như vậy.

 

Chị Ngoại băng rừng lội suối cõng anh Thiện lên rẫy thu hoạch mì.
Chị Ngoại băng rừng lội suối cõng anh Thiện lên rẫy thu hoạch mì.
 
Anh Thiện bị bại liệt cả hai chân nhưng vẫn còn đôi tay để chống và di chuyển được trên mặt đất để đi làm rẫy. Vào mùa vụ, chị cõng anh lên rẫy, anh trỉa hạt, chị lấp lỗ, chị nhổ mì anh lết theo gom củ. Mặc kệ bao lời dèm pha, hai vợ chồng vẫn vui vẻ, vượt lên số phận sống an vui, hạnh phúc. 
 
Cuộc đời không lấy đi của ai tất cả, tình yêu của anh chị “đơm hoa, kết trái” và 4 đứa con lần lượt ra đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của họ. Niềm vui càng nhân lên khi cả 4 đứa con của anh Thiện sinh ra đều lành lặn và khỏe mạnh, không ai bị ảnh hưởng chất độc ác nghiệt như anh. 
 
Lấy một người số phận không may mắn như anh Thiện làm chồng đã là lựa chọn dũng cảm, càng khâm phục hơn khi mười năm qua, chị Ngoại khéo léo, đảm đang vừa đi làm, chăm chồng lại chăm 4 đứa con học hành. Là gia đình thuộc diện hộ nghèo, được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước về học phí, sách vở nên đến nay, cả 4 đứa con của anh chị đều được ăn học đầy đủ. 
 
Anh Thiện chia sẻ với chúng tôi rằng, lấy anh, chị Ngoại chịu nhiều thiệt thòi, vất vả gấp nhiều lần những phụ nữ khác. Thế nhưng, dù khó khăn, mệt nhọc bao nhiêu chị vẫn luôn vui cười, giữ cho không khí gia đình vui vẻ. Anh cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi lấy được chị làm vợ. Giờ đây, gia đình là tất cả đối với anh, sang năm mới anh sẽ cố gắng làm việc nhiều hơn để phụ giúp cho chị và nuôi các con ăn học. 
 
Chiều dần buông trên núi Thác Hầm, giữa đất trời đang độ vào xuân, nắng rải vàng nhàn nhạt giữa núi đồi trùng điệp. Trong căn nhà nhỏ của anh Thiện, chị Ngoại, những đứa con cắp sách đi học về vang tiếng cười nói. Sau bao biến cố, nghiệt ngã của số phận, hạnh phúc thực sự đã mỉm cười trong tổ ấm của họ. 
 
 

Ông Pi Năng Thảo - Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng: Nhiều năm qua, công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học và việc thực hiện chế độ, chính sách, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn xã luôn được quan tâm đầy đủ. Gia đình anh Thiện là đối tượng chính sách, hàng tháng đều được Nhà nước hỗ trợ đối với nạn nhân chất độc da cam. Cách đây mấy năm, xã cũng xây cho gia đình Thiện căn nhà cấp 4 trị giá 60 triệu đồng. Cùng với đó, trong các dịp lễ, Tết, gia đình anh cũng nằm trong danh sách được các cơ quan, đơn vị hỗ trợ nhằm giúp gia đình ổn định cuộc sống như ngày hôm nay.


 

T.T