11:12, 22/12/2020

Giúp em vào đời

Khi đứa trẻ ra đời là niềm vui của mỗi gia đình và xã hội. Thế nhưng, niềm vui ấy không trọn vẹn khi có những trẻ khi sinh ra đã phải mang trên mình khiếm khuyết. Các em cần nhận được sự quan tâm đặc biệt hơn từ gia đình và xã hội để viết tiếp ước mơ khi chập chững bước vào đời…

Khi đứa trẻ ra đời là niềm vui của mỗi gia đình và xã hội. Thế nhưng, niềm vui ấy không trọn vẹn khi có những trẻ khi sinh ra đã phải mang trên mình khiếm khuyết. Các em cần nhận được sự quan tâm đặc biệt hơn từ gia đình và xã hội để viết tiếp ước mơ khi chập chững bước vào đời…

 

Những nỗi đau


Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Thanh Âu (35 tuổi, phường Cam Phúc Bắc, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) tại Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật (PHCN -GDTEKT) tỉnh. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Âu phải đưa cháu Nguyễn Thanh Hoài Ân (9 tuổi) vào Nha Trang sinh sống. Khi mang thai Hoài Ân được 3 - 4 tháng tuổi, chị Âu bị sốt phát ban, bác sĩ tư vấn không nên giữ thai lại bởi nguy cơ đứa trẻ bị dị tật, nhưng vì thương con chị vẫn quyết định sinh. Khi hỏi về bệnh tình của Ân, chị Âu gạt nước mắt kể: “Khi cháu Ân ra đời, tôi bất ngờ vì cơ thể Ân lành lặn. Lúc đó, cảm xúc tôi vỡ òa vì quyết định sinh Ân là đúng đắn. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì năm 2014, gia đình phát hiện Ân không thể nghe và nói được. Bác sĩ chẩn đoán Ân bị điếc sâu 2 tai. Kinh tế gia đình quá khó khăn nên suốt nhiều năm, tôi đơn độc nuôi dạy con, không nhận được sự hỗ trợ nào khác. Nhiều lúc tôi tuyệt vọng vì cảm thấy dù cố gắng nuôi dạy thế nào thì con cũng không thể nghe và gọi tôi một tiếng mẹ! Đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất đời tôi, bởi chồng tôi thấy con bị vậy nên chán nản, bỏ theo người khác, gia đình tôi cũng tan vỡ từ đó”…

 

Hoài Ân được các thầy, cô đánh giá là cô học trò ngoan, học giỏi.

Hoài Ân được các thầy, cô đánh giá là cô học trò ngoan, học giỏi.


Dường như không muốn nhắc lại nỗi đau của gia đình, câu chuyện của ông Nguyễn Duy Tú ngập ngừng, đứt quãng. Nhưng trong đôi mắt ông không che giấu được nỗi buồn khi nói về đứa con Nguyễn Khánh Quân đang gửi tại trung tâm. Khánh Quân sinh ra đã mắc chứng tự kỷ nên chậm chạp hơn bạn bè cùng lứa cả về thể chất lẫn tinh thần. Đã vậy, Quân còn không được sống cùng mẹ ruột mà sống cùng ông bà nội do ba mẹ cháu đã ly hôn. Cuộc sống gia đình Quân càng khó khăn hơn khi dịch Covid-19 ập đến, ba và mẹ kế của em thất nghiệp, phải rời Sài Gòn về lại Nha Trang trong hoàn cảnh không có việc làm. Ước mơ mở một tiệm bánh nho nhỏ để khởi nghiệp mà trước đây Quân đã học nghề nay cũng phải dừng lại…


Tiếp sức em đến trường


Theo ông Trần Hiệp - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, em Hoài Ân và Khánh Quân là 2 trong nhiều trường hợp trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh gia đình khó khăn được tiểu dự án Gửi trẻ mầm non do tổ chức Hỗ trợ trẻ em quốc tế Holt tại Việt Nam (gọi tắt Holt) hỗ trợ để tiếp tục đến trường. Với mục tiêu không để trẻ em nghèo bị bỏ lại phía sau, từ năm 2015 đến nay, tiểu dự án đã hỗ trợ 55 em có hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ nghỉ học cao với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng.


Ông Nguyễn Nhượng (TP. Nha Trang), ông nội của em Nguyễn Hoàng Nhựt, bị câm điếc bẩm sinh, đang theo học tại Trung tâm PHCN - GDTEKT tỉnh cho biết, nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo, cháu ông mới có điều kiện tiếp tục học tập đến nay. Vợ chồng ông tuy đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn phải thức khuya dậy sớm, bán bánh căn để nuôi con trai tật nguyền và 2 cháu nội, trong đó có Nhựt. Trước đây, con trai ông cũng có gia đình ổn định nhưng bị tai nạn lao động vào năm 2005, sau nhiều năm chạy chữa vẫn phải ngồi xe lăn, còn con dâu đi lấy chồng khác. Hàng bánh căn của ông bà cũng chỉ kiếm đủ sống qua ngày, còn cho 2 cháu đến trường là quá sức. “Cháu Nhựt không may bị khuyết tật, tính ra mỗi tháng tôi phải đóng tiền ăn cho cháu hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, nhờ các dự án tài trợ, hiện nay, tôi chỉ đóng cho cháu 200.000 đồng/tháng. Tôi biết ơn lắm”, ông Nhượng nói.

 

Dù hoàn cảnh khó khăn, em Nguyễn Hoàng Nhựt luôn lạc quan, vượt lên số phận…

Dù hoàn cảnh khó khăn, em Nguyễn Hoàng Nhựt luôn lạc quan, vượt lên số phận…


Ông Nguyễn Duy Tú cũng chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều đang thất nghiệp nên cháu Quân được hỗ trợ tiền học phí đỡ bớt gánh nặng cho gia đình. Thay vì phải đóng cho con hơn 700.000 đồng/tháng thì tôi chỉ đóng 150.000 đồng/tháng. Nếu không có sự hỗ trợ này, con tôi không biết còn cơ hội được đến lớp hay không”. Chị Nguyễn Thị Thanh Âu cho biết, ngoài việc được Tổ chức Holt hỗ trợ học phí, Hoài Ân còn được các cô giáo ở trung tâm quan tâm, chăm sóc, kèm cặp tận tình... Sau một thời gian, Ân đã chịu khó ngồi trong lớp học cùng các bạn, đặc biệt em còn biết vẽ tranh, tiến bộ thấy rõ...


Tiếp tục hỗ trợ


Bà Phan Thị Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm PHCN - GDTEKT tỉnh cho biết, từ năm 2015 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận, giáo dục 12 trẻ khuyết tật thuộc tiểu dự án. Những năm qua, nhờ sự tài trợ của các tổ chức nhân đạo nói chung và Tổ chức Holt nói riêng, nhiều trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục theo học tại trung tâm. Ở đây, trẻ vừa học phục hồi chức năng, vừa được giáo dục văn hóa. Qua đó, giúp các em tiến bộ cả về thể chất lẫn tinh thần, xóa bỏ mặc cảm, tự tin và hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.

 

Nhờ vào hỗ trợ từ dự án Holt, Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và  Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật đã tiếp sức cho nhiều trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn đến trường.

Nhờ vào hỗ trợ từ dự án Holt, Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật đã tiếp sức cho nhiều trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn đến trường.


Bà Nguyễn Thị Bích Thảo - Điều phối viên khu vực Nam Trung Bộ, Tổ chức Holt tại Việt Nam cho biết, tại Khánh Hòa vẫn còn nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn chưa được đến trường đúng độ tuổi vì nhiều lý do khác nhau. 5 năm qua, tiểu dự án Gửi trẻ mầm non tại Khánh Hòa đã được Tổ chức Holt quan tâm và dành kinh phí nhiều nhất để thực hiện. Thời gian tới, Tổ chức Holt sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh thực hiện khảo sát thực tế, nhằm giúp đỡ thêm nhiều trường hợp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.


Khi thấu hiểu về những hoàn cảnh của các em mới thấy, đằng sau các hoạt động của Tổ chức Holt là những nụ cười, là cuộc đời, ước mơ của nhiều trẻ khuyết tật được viết tiếp… Bởi được tiếp tục đến trường sẽ cho các em niềm hy vọng, tương lai sẽ trở thành người có ích, giảm được gánh nặng lệ thuộc cho gia đình và xã hội.


Minh Thiết - Thanh Trúc

 



Dự án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do tổ chức quốc tế Holt tại Việt Nam tài trợ gồm có các tiểu dự án: Phục hồi, bảo tồn gia đình; Hỗ trợ bà mẹ đơn thân; Cải thiện dinh dưỡng và chăm sóc trẻ em; Gửi trẻ mầm non. Trong đó, tiểu dự án Gửi trẻ mầm non có mục tiêu khuyến khích và tạo điều kiện để trẻ em có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn tại cộng đồng được học tập, bao gồm hỗ trợ một phần tiền học phí, học phẩm và cải thiện chất lượng dinh dưỡng.