11:05, 19/05/2020

"Salon tóc" vỉa hè

Với những người thợ cắt tóc vỉa hè, nghề này không chỉ để mưu sinh, mà còn là duy trì niềm đam mê… Chính vì vậy, nhịp sống hiện đại có tạo ra những hiện tượng, giá trị mới mẻ thì nhờ có họ, những giá trị cũ, những nét bình dị, mộc mạc của lối sống xưa vẫn âm thầm còn đó.

Với những người thợ cắt tóc vỉa hè, nghề này không chỉ để mưu sinh, mà còn là duy trì niềm đam mê… Chính vì vậy, nhịp sống hiện đại có tạo ra những hiện tượng, giá trị mới mẻ thì nhờ có họ, những giá trị cũ, những nét bình dị, mộc mạc của lối sống xưa vẫn âm thầm còn đó.


Nghề bình dị


Chẳng biết nghề cắt tóc vỉa hè có tự bao giờ, song trong ký ức của nhiều người, hình ảnh người thợ cắt tóc bên vỉa hè hay dưới một bóng cây dường như đã có từ xa xưa, như một phần của cuộc sống đô thị. Khác với những salon tóc hiện đại, hào nhoáng, những quán cắt tóc vỉa hè lặng lẽ, bình thản như những nét chấm phá trong bức tranh đời thường dung dị. Ở đây không có những tiếng nhạc xập xình, mà chỉ là tiếng lách cách của cây kéo cũ, tiếng rè rè của chiếc tông đơ hòa lẫn vào âm thanh của những bản nhạc bolero phát ra từ chiếc radio cassette cũ kỹ được chủ quán mở nghe và phục vụ khách.

 

Với những người thợ già, dù không còn nặng mưu sinh nhưng nghề cắt tóc đã trở thành niềm đam mê, thú vui chẳng dễ bỏ…

Với những người thợ già, dù không còn nặng mưu sinh nhưng nghề cắt tóc đã trở thành niềm đam mê, thú vui chẳng dễ bỏ…


Chúng tôi tìm đến những quán cắt tóc vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng (TP. Nha Trang) vào một ngày nắng gắt của tháng 5. Gọi là quán cho oai chứ thực ra nơi hành nghề của những người thợ cắt tóc vỉa hè chỉ vỏn vẹn khoảng 3m2 với một chiếc gương treo tạm trên vách tường, một chiếc ghế xoay cũ sờn, vài ba chiếc ghế nhựa cho khách ngồi chờ...

 

Cái thú của những khách hàng đến đây không chỉ bởi được làm mới cho mái tóc của mình, mà còn để được giao lưu, trò chuyện với đủ loại đề tài, từ chuyện thời sự đến các vấn đề loanh quanh trong cuộc sống hàng ngày. Cảm giác thú vị khi vừa ngồi thư giãn cắt tóc vừa được nghe tiếng chim hót, tiếng xe cộ tấp nập bên đường và tận hưởng những làn gió trời trong lành khiến nơi đây trở nên thân thuộc. “Ra đây cắt tóc vừa được hưởng gió mát ngoài trời, vừa được nói đủ chuyện trên trời dưới đất, còn được nghe máy cassette là thú vui của tuổi già…”, ông Trần Văn Lợi (60 tuổi), khách hàng thường xuyên của quán cắt tóc vỉa hè trên đường Đinh Tiên Hoàng nói.


Buồn vui bên chiếc tông đơ


Là người đầu tiên “lập nghiệp” trên vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng, ông Hồ Ngọc Được (44 tuổi, ở huyện Diên Khánh) cho biết, cách đây 15 năm, những người thợ cắt tóc ở đây mỗi người làm ở mỗi con đường khác nhau vì sợ tập trung đông sẽ bị phường nhắc nhở. “Lần đó, lúc tôi mới ra nghề, đang cắt tóc trên đoạn đường Hai Bà Trưng (TP. Nha Trang) thì bị đô thị phường tới thu đồ đạc… Buồn lắm!. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên lại dành dụm, mua lại đồ để làm tiếp”, ông Được kể lại.

 

Trong lúc rảnh rỗi, ông Được thường đọc báo, cập nhật thông tin  để có chuyện kể cho khách nghe.

Trong lúc rảnh rỗi, ông Được thường đọc báo, cập nhật thông tin để có chuyện kể cho khách nghe.


Sau thời gian rong ruổi cắt tóc ở nhiều tuyến đường, đến năm 2005, ông Được “mở tiệm” ở vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng và dần dà nhiều người đến cùng làm. “Tôi cứ thấy anh em nào mà xe chở cái gương, đeo cái túi nặng trịch nhìn ngó lung tung các góc đường là biết họ đang tìm chỗ để làm tóc; thế là tôi cứ kêu vô thôi. Từ một mình tôi mà bây giờ ở đây có gần 10 người làm nghề”, ông Được chia sẻ.


Gần 20 năm làm nghề, quán cắt tóc của ông Được lúc nào cũng đông khách, trung bình mỗi ngày ông có khoảng 10 - 15 lượt khách với giá 50 nghìn đồng/lượt, vừa cắt tóc, cạo mặt và lấy ráy tai. Ông Được chia sẻ: “Nghề cắt tóc đơn giản vậy thôi, nhưng nhờ có nó mà tôi đã nuôi được hai đứa con ăn học đàng hoàng đấy! Vốn đầu tư không nhiều, chẳng sợ lỗ lãi, cái cốt yếu là có tay nghề và sự cẩn thận, chịu khó. Bám trụ ở đây đã nhiều năm, chỉ những ngày bão gió hay lễ, Tết tôi mới ở nhà, nghỉ một ngày là thấy nhớ việc, nhớ khách lắm... Những lúc đông khách thì vừa làm vừa chuyện trò vui vẻ, còn những lúc nhàn rỗi lại lấy báo ra đọc cho biết đó biết đây”.

 

Ông Trà vệ sinh dụng cụ chuẩn bị làm tóc cho khách.

Ông Trà vệ sinh dụng cụ chuẩn bị làm tóc cho khách.


Bên cạnh quán của ông Được là “salon” của ông Đào Quang Trà (50 tuổi) - người có kinh nghiệm làm thợ cạo hơn 30 năm. Ông Trà kể, khi còn trẻ, nghề cắt tóc vỉa hè chưa bao giờ nằm trong suy nghĩ của chàng thanh niên mang nhiều hoài bão. Nhưng rồi, sau bao ngày tháng thăng trầm của cuộc đời, cái nghề ấy lại vận vào cuộc đời ông như một duyên cớ. Đang nói chuyện, một vị khách quen đến, ông Trà liền tươi cười, vồn vã chào khách. Là khách quen, chẳng cần hỏi, ông Trà cũng đã biết phải làm gì. Khoác tấm vải mỏng lên người khách, ông chải chuốt mái tóc bạc của khách, tay xịt nước để tạo nếp cứ như thể đã làm việc này cả trăm lần. Tiếng tông đơ kêu rè rè, tiếng kéo lách tách tạo thành những âm thanh vui tai. Người thợ miệt mài và cần mẫn, còn vị khách cũng sảng khoái, tận hưởng thư giãn.


“… rồi sẽ mất dần”


Những năm 1990, nghề cắt tóc rất thịnh hành và là đất diễn cho những người làm nghề. “Hồi ấy, không câu nệ chuyện quán to hay nhỏ, chỉ cần có tay nghề, cắt hợp với khách hàng là đã “đủ vốn” để mưu sinh. Ngày nay, tuy nghề cắt tóc vỉa hè không còn thịnh hành như trước, nhưng với những người đã trung thành với kiểu đầu chân phương thì vẫn thường tìm đến”, ông Lê Hoàng Thanh (55 tuổi), thợ cắt tóc nhớ lại.


Chẳng biết có kỳ lạ hay không, nhưng rất ít khi thợ cắt tóc vỉa hè có ý định chuyển nghề hay thuê một điểm nào đó sang trọng hơn để khuyếch trương làm ăn. Có lẽ do cái nghề này có chỗ đặc biệt, khách chọn thợ. Một khi đã được khách “chấm” thì kiểu gì họ cũng chỉ tìm đúng đến thợ quen… Vì thế, có những khách hàng trung thành vẫn chọn những “salon” vỉa hè dù họ không thiếu tiền để vào những cửa hiệu sang trọng và lịch sự hơn. “Khách hàng đến với tôi phần lớn đã gắn bó lâu năm nên tôi thuộc tất cả các kiểu tóc, sở thích của mỗi người. Vì thế, mỗi khi khách có mặt là tôi cứ thế cắt thôi, không cần hỏi gì thêm. Và nếu không làm nghề này, thì cũng không biết phải làm gì khác”, ông Được trầm ngâm.


Tác động của sự thay đổi về văn hóa, xã hội khiến không còn nhiều người lựa chọn nghề cắt tóc vỉa hè. Đa phần những người thợ cắt tóc còn lại hiện nay là những người trung niên trở lên. Với những người thợ già, đam mê là thứ duy nhất khiến họ không từ bỏ cây kéo. Nhịp sống hiện đại có tạo ra những hiện tượng, giá trị mới mẻ thì những giá trị cũ, những nét bình dị, mộc mạc của lối sống xưa vẫn âm thầm còn đó.


Có lẽ, khi cuộc sống ngày càng phát triển, những quán cắt tóc vỉa hè sẽ dần mất đi khi lớp thợ cuối cùng không còn đủ sức khỏe để duy trì đam mê. Vì thế, nếu có dịp, bạn hãy cứ đến các quán cắt tóc lề đường, thư giãn một chút và nếu thích thì cứ bàn luận chuyện đông tây kim cổ vì biết đâu được mai này, những quán cắt tóc vỉa hè này chỉ còn trong ký ức.


THANH TRÚC